46 năm từ chiến hào biên giới đến cấp cứu đường không của vị tướng quân y

46 năm từ chiến hào biên giới đến cấp cứu đường không của vị tướng quân y


46 năm kể từ ngày “xếp bút nghiên” cầm súng bảo vệ Tổ quốc, vị tướng quân y đã tạo ra những dấu ấn to lớn trong lĩnh vực cấp cứu đường không, y tế biển đảo, triển khai các bệnh viện dã chiến giúp Việt Nam tạo dấu ấn mạnh mẽ trên trường quốc tế.

Thiếu tướng, Phó giáo sư, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng chuyên môn miền Nam của Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam.

Nguyên là Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, ông có nhiều đóng góp, cống hiến to lớn vào sự lớn mạnh của lĩnh vực quân y nói riêng và ngành y tế Việt Nam nói chung.

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), phóng viên báo Dân trí có cuộc gặp gỡ với Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, để tìm hiểu về cuộc đời binh nghiệp và gần 5 thập kỷ phụng sự ngành y, phụng sự Tổ quốc đầy thử thách nhưng cũng nhiều dấu ấn của ông.

Thưa Thiếu tướng, từ chiến hào năm 1979 đến ánh đèn phòng mổ bệnh viện, ông đã đi một hành trình dài của nghiệp quân y. Động lực nào giúp ông kiên định với con đường này suốt 46 năm qua?

– Tôi vẫn nhớ mãi lời hiệu triệu của Tổ quốc vào mùa xuân năm 1979: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới…”.

Thời điểm đó, đất nước vừa thống nhất chưa lâu thì chiến tranh biên giới cả phía Nam lẫn phía Bắc bùng lên. Nhiệm vụ của tuổi trẻ chúng tôi tất yếu và giản đơn nhất là “xếp bút nghiên” lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc.

Đó là bước ngoặt để tôi – một thanh niên mới 17 tuổi với bao mơ ước lúc ấy – khát khao trở thành một người lính, một bác sĩ quân y với tinh thần dâng hiến, phụng sự quê hương.

Sau chiến tranh biên giới, đất nước tiếp tục đối mặt hàng loạt khó khăn. Thời điểm tôi mới ra trường, việc bị cấm vận, đói nghèo, không có điều kiện học tập làm chúng ta tụt hậu rất nhiều với thế giới. Tôi cùng các đồng nghiệp cố gắng đối diện và vượt qua những thử thách, bằng tinh thần người lính.

Trong quá trình công tác, tôi nhận ra rằng một bác sĩ giỏi có thể cứu sống hàng trăm người, nhưng một người thầy giỏi thì có thể đào tạo cả nghìn bác sĩ, cứu sống hàng triệu bệnh nhân.

Do đó, khi được trao cơ hội quản lý Bệnh viện Quân y 175 và tham gia công tác giảng dạy, tôi đã làm tất cả những gì có thể cho các bác sĩ trẻ trong việc truyền cảm hứng, gieo hạt giống y đức, khơi dậy trách nhiệm với đất nước với nhân dân.

Năng lực chuyên môn, bài báo khoa học, ngoại ngữ là những tiêu chí xét nâng lương, phong quân hàm của đơn vị trong thời gian qua. Đây cũng là thế mạnh để các bác sĩ trẻ của Bệnh viện Quân y 175 nhận nhiệm vụ hội nhập quốc tế.

46 năm qua, dù là bác sĩ, giảng viên, nhà quản lý, một vị tướng hay ở bất cứ cương vị nào, tôi luôn sẵn sàng nhận những nhiệm vụ khó khăn khi cấp trên tin tưởng. 

10 năm là “thủ lĩnh” Bệnh viện Quân y 175, ông đã đặt nền móng và tạo ra những bước ngoặt phát triển các lĩnh vực kỹ thuật cao, đồng bộ, chuyên sâu… đặc biệt là việc ghép tạng của đơn vị như thế nào?

– Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, những năm qua, Bệnh viện Quân y 175 đã được đầu tư rất lớn để đảm bảo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị y tế chiến lược, tuyến cuối, trung tâm y học quân sự phía Nam. 

Chúng tôi xác định phải phát triển theo mô hình “Quần thể y tế hiện đại – đa năng – chuyên sâu – lưỡng dụng”. Hạ tầng bệnh viện được nâng cấp đồng bộ, với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ được đào tạo chuyên môn lẫn năng lực ngoại ngữ.

Chúng tôi cũng triển khai trung tâm cấp cứu đa năng, cả về đường bộ, đường không và đường thủy. Số lượng bệnh nhân nội trú, ngoại trú, phẫu thuật tăng mạnh những năm qua đã nói lên niềm tin của người dân với chúng tôi. Bệnh viện Quân y 175 đã trở thành một trong những bệnh viện hàng đầu cả nước, từng bước vươn tầm quốc tế.

Với kỹ thuật ghép tạng, do việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cần thời gian dài, chúng tôi chọn phương án “đánh chắc, thắng chắc”. Ngay sau khi kết thúc đại dịch Covid-19, với sự hỗ trợ đặc biệt của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chúng tôi đã triển khai quyết liệt các giải pháp tiến hành đều đặn kỹ thuật ghép thận và ghép gan.

Ngày 7/4 vừa qua, Bệnh viện Quân y 175 đã thực hiện thành công ca ghép đa mô, tạng từ người hiến chết não đầu tiên, còn trước đó đã làm chủ được kỹ thuật ghép thận.

Đây không chỉ là bước tiến kỹ thuật, mà còn là lời khẳng định rằng đơn vị đã đủ năng lực thực hiện những kỹ thuật cao nhất, là nguồn động lực để chúng tôi phấn đấu sẽ trở thành trung tâm ghép tạng lớn của khu vực, hiện thực hóa giấc mơ của nhiều thế hệ chỉ huy, lãnh đạo Bệnh viện.

Trong 50 năm hòa bình thống nhất đất nước, có đến 35 năm Bệnh viện Quân y 175 đồng hành với y tế biển đảo và Trường Sa. Những kết quả đậm nét nhất mà bệnh viện đã làm được với y tế biển đảo là gì, thưa Thiếu tướng?

– Cứ mỗi khi nhắc tới Trường Sa là tôi lại trào dâng cảm xúc. Làm gì và làm thế nào để tốt nhất cho Trường Sa là mệnh lệnh từ trái tim của các thế hệ cán bộ, nhân viên Bệnh viện 175 suốt hơn 3 thập kỷ qua.

Bắt đầu từ một tổ quân y ba người, thiếu thốn đủ bề giữa trùng khơi, đến nay chúng ta đã có Trung tâm Y tế (TTYT) Trường Sa khang trang, hiện đại. 

TTYT Trường Sa không chỉ là niềm tin lớn của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các điểm đảo, mà còn với tất cả bà con ngư dân đang ngày đêm bám biển, lao động sản xuất trên ngư trường quần đảo Trường Sa. Có 5 lý do để khẳng định niềm tin này.

Thứ nhất, TTYT Trường Sa đủ khả năng xử lý căn bản các loại cấp cứu nội – ngoại khoa, nhờ mô hình huấn luyện “đa khoa hóa” bác sĩ chuyên khoa, cùng trang thiết bị sẵn sàng trong mọi tình huống.

Thứ hai, từ năm 2007, sự xuất hiện của hệ thống Telemedicine (y học từ xa) đã giúp chất lượng chẩn đoán và điều trị thay đổi căn bản, theo hướng chính xác, hiệu quả hơn.

Thứ ba, việc thực hiện chuyển cứu thương bằng trực thăng, thủy phi cơ đã giúp giữ được “giờ vàng”, cứu sống rất nhiều ca bệnh đặc biệt, nhờ khả năng tác chiến cơ động cao của TTYT Trường Sa.

Thứ tư là khả năng quản lý, tổ chức, chỉ huy, điều hành, sự phối kết giữa TTYT Trường Sa với các đơn vị. 2 ca sinh mổ thành công tại Trường Sa vào các năm 2011 và 2016 là minh chứng sự kỳ diệu của sức sống giữa biển khơi.

Thứ năm, TTYT Trường Sa là biểu tượng của lòng dân với Đảng, Nhà nước và Quân đội, là “cột mốc chủ quyền sống” trên biển Đông.

Được biết, đến nay gần như chỉ Bệnh viện Quân y 175 có thể sẵn sàng cấp cứu đường không, và ông cũng đang chủ trì đề tài cấp cứu đường không tại biển đảo. Xin Thiếu tướng chia sẻ thêm về vấn đề này.

– Chúng tôi nghiên cứu đánh giá thực trạng vận chuyển bệnh nhân từ Trường Sa về Bệnh viện 175, xây dựng mô hình cấp cứu đường không và đánh giá hiệu quả.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng việc cấp cứu đường không, như thời tiết, phương tiện, con người. Có khi phải bay xuyên bão đêm để cứu một ngư dân. Điều quan trọng là thời gian tổ bay xuất phát và đưa bệnh nhân về. Tất cả nhằm “cướp giờ vàng”, giành lại sự sống.

Có lẽ đến thời điểm này, chỉ Bệnh viện Quân y 175 hội đủ tất cả những yếu tố để triển khai hoạt động trên, từ tiêu chuẩn sân đỗ, hành lang bay, phễu bay đến tổ cấp cứu đường không, hệ thống cấp cứu…

Trên thực tế, khi triển khai Dự án Viện Chấn thương chỉnh hình (2015-2019), Thủ tướng đã chỉ đạo Bệnh viện Quân y 175 phải trở thành trung tâm cấp cứu đa năng, phục vụ an ninh quốc phòng và dân sinh (lưỡng dụng).

Vừa qua, Bệnh viện 175 cũng đã được chứng nhận trung tâm cấp cứu theo tiêu chuẩn Hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA). Chúng tôi cũng là bệnh viện đầu tiên được cấp chứng nhận Trung tâm huấn luyện cấp cứu chấn thương quốc tế (ITLS), là nơi triển khai các khóa huấn luyện cấp cứu của Quân đội Hoàng gia Úc.

Cấp cứu đường không cũng là ưu thế nổi bật của 175, khi triển khai các bệnh viện dã chiến tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Phái bộ Nam Sudan.

Ông vừa nhắc đến lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. 10 năm đồng hành với lực lượng này, Bệnh viện Quân y 175 đóng vai trò thế nào, để giúp Việt Nam tạo dấu ấn mạnh mẽ trên trường quốc tế?

– Vâng, đây không chỉ là niềm tự hào của Bệnh viện Quân y 175, của quân đội ta mà còn của đất nước, nhân dân ta. Với tôi, đó là điều đặc biệt không dễ gì có được trong đời quân ngũ.

10 năm đồng hành với lực lượng Gìn giữ hòa bình của LHQ, Bệnh viện 175 vinh dự và tự hào được là đơn vị tiên phong được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc Phòng giao trọng trách này.

Với biết bao khó khăn, bỡ ngỡ về tổ chức nhân sự, huấn luyện đào tạo, trang thiết bị, ngoại ngữ và chưa có tiền lệ, lần đầu tiên Việt Nam cử một đơn vị quân đội ra khỏi Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế theo yêu cầu của quốc tế. 

Từ Bệnh viện dã chiến (BVDC) cấp 2 số 1 (2.1) năm 2018, chúng tôi đã tiếp tục triển khai BVDC 2.3 năm 2021, BVDC 2.5 năm 2023 tại Phái bộ Nam Sudan. Dự kiến đến quý 3 năm nay, BVDC 2.7 sẽ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ.

Tuy là nhiệm vụ hết sức mới mẻ, biết bao khó khăn, gian khổ từ thời tiết, văn hóa, tôn giáo và quy chế làm việc, hoạt động độc lập xa Tổ quốc tại địa bàn thực tế, nhưng các chiến sĩ của chúng ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được LHQ tặng thưởng Huy chương vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình, thư khen của Tổng thư ký LHQ.

Chúng ta đã thể hiện bằng hành động trách nhiệm của một quốc gia đối với quốc tế; đã có cơ hội giới thiệu sâu rộng hơn với bạn bè thế giới về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.

Đặc biệt trong thời gian qua, những thành tích xuất sắc của các BVDC đã lan tỏa với bạn bè thế giới hình ảnh “anh bộ đội cụ Hồ”, người chiến sĩ quân y cách mạng khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần đưa Việt Nam thành ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ, một nhiệm vụ để thực hiện mục tiêu bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa.

Giai đoạn đại dịch Covid-19 là một “cuộc chiến sinh tử”. Bệnh viện Quân y 175 được coi là một trong những “thành trì cuối” lúc đó. Ông cùng ban lãnh đạo đơn vị đã có những giải pháp gì trong thời khắc khốc liệt ấy?

– Đó đúng là “cuộc chiến sinh tử” thật sự. Tất cả đã vượt qua, nhưng dư chấn của đại dịch chắc không dễ gì phai nhòa với tất cả những ai đắm mình trong cuộc chiến.

Thời điểm ấy, chúng tôi phải cấu trúc toàn bộ bệnh viện, để vừa chống dịch Covid-19 nhưng cũng đảm bảo nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, y tế biển đảo, gìn giữ hòa bình, công tác cấp cứu, điều trị những người bệnh thường quy, “không để lại ai phía sau trong đại dịch”.

Bệnh viện Quân y 175 đã chi viện cho TPHCM lấy mẫu, tiêm vaccine Covid-19, thành lập BVDC, và cả Trung tâm hồi sức Covid-19 quy mô 500 giường ngay trong khuôn viên bệnh viện. Chúng tôi xác định tinh thần là tuyến cuối, là chốt chặn, nên không được phép gục ngã.

Trong muôn trùng khó khăn, Bệnh viện đã chủ động triển khai nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, như ứng dụng ECMO tách đôi, phối kết hợp y học phục hồi sớm, y học cổ truyền, dinh dưỡng lâm sàng… giúp cứu sống nhiều ca nguy kịch.

Chúng tôi còn tham mưu cho TPHCM, Bộ Quốc phòng và trực tiếp thực thi công tác hậu sự cho những người bệnh tử vong, cũng như thực hiện hàng loạt công tác dân vận, các phiên chợ 0 đồng, hiến máu trong mùa dịch…

Chúng tôi không chỉ cứu người, mà phải giữ được tình người. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là yếu tố quyết định giúp Bệnh viện Quân y 175 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Sau 50 năm thống nhất, đất nước đã có nhiều phát triển vượt bậc. Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội. Ông nghĩ thế nào về vai trò của AI trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam hiện nay?

– Chúng ta đang sống trong không khí của mùa xuân lịch sử, cả nước chuyển mình, sôi động quyết liệt trong cuộc “Cách mạng khoa học – Nghị quyết 57” do đồng chí Tổng Bí thư khởi xướng.

Việt Nam cũng đang bước vào kỷ nguyên của cách mạng công nghệ, nơi AI có thể thay thế nhiều công việc. Nhưng tôi nghĩ AI không thể thay thế trí tuệ con người, cảm xúc và đặc biệt là y đức – cốt lõi không thể thiếu trong ngành y.

Ở bất kỳ xã hội hay ngành nghề nào, đạo đức nghề nghiệp là yếu tố sống còn. Với ngành y, điều đó lại càng nghiêm ngặt hơn. Dù vậy, AI có vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy y tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ theo hướng hiện đại và đột phá – đặc biệt trong nghiên cứu, chẩn đoán và điều trị.

Việt Nam có cơ cấu bệnh lý đa dạng, đội ngũ trí thức y dược trong nước và gốc Việt rất thành công trên thế giới, cùng lực lượng lao động trẻ về công nghệ đầy khát vọng.

Nếu biết định hướng chiến lược đúng đắn, đầu tư phù hợp, cơ chế thông thoáng, phát huy cả khu vực y tế công – tư và tận dụng AI, tôi tin y tế Việt Nam hoàn toàn có thể vươn vào top 10 châu Á trong giai đoạn 2040-2045.

Điều gì đáng trân trọng nhất với ông trong hành trình 63 năm tuổi đời, 46 năm tuổi quân và 43 năm tuổi Đảng đã qua. Thiếu tướng có lời nhắn nhủ nào với thế hệ bác sĩ quân y của hiện tại và tương lai?

– Tôi cảm ơn cha mẹ và gia đình đã cho tôi cuộc sống, cảm ơn môi trường quân đội đã rèn luyện dạy dỗ tôi trưởng thành. Tôi cũng cảm ơn cuộc đời đã giao cho tôi nhiều nhiệm vụ, để từ đó tôi được có mặt ở nơi khó khăn, gian khổ nhất, được gặp nhiều mảnh đời, số phận, để cố gắng để lại những giá trị tốt đẹp nhất.

Và thật may mắn, chính từ những chất liệu thực tiễn được trải nghiệm đã giúp tôi hình thành những giai điệu, ca từ. Mỗi ca khúc tôi đã viết như một trang “nhật ký” dấu chân cuộc đời binh nghiệp của mình và người lính quân y.

Tôi vẫn thường nói với các đồng chí thế hệ sau, rằng có những kẻ không dám ra đường vì sợ gãy chân. Nhưng nếu chỉ vì sợ gãy chân thì suốt cuộc đời của họ không bao giờ đi đến được đâu cả…

Cuộc đời mỗi con người phải có mục đích, ước mơ, khát vọng và tham vọng; phải dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân và đối diện với những khó khăn, thách thức của cuộc sống, không bao giờ cho phép mình tự đánh mất giá trị của bản thân.

Với nghề y – đặc biệt là lĩnh vực quân y – đã xác định bước chân vào, các bạn phải sẵn sàng đón nhận sự khắc nghiệt trên con đường phấn đấu và rèn luyện, để trở thành người thầy thuốc.

Các bạn đang sống và làm việc trong một môi trường hết sức thuận lợi, với những điều kiện tốt nhất để dấn thân, thể hiện và tỏa sáng. Tất cả những điều kiện cần và đủ, “đường băng” và “phi cơ” đã sẵn sàng cho các bạn cất cánh. 

Xin cảm ơn những chia sẻ sâu sắc của Thiếu tướng. Kính chúc ông luôn mạnh khỏe, để tiếp tục truyền lửa và tinh thần chiến sĩ quân y cho thế hệ sau.

Nội dung: Hoàng Lê

Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Thiết kế: Khương Hiền

Nội dung: Hoàng Lê



Source link: https://dantri.com.vn/suc-khoe/46-nam-tu-chien-hao-bien-gioi-den-cap-cuu-duong-khong-cua-vi-tuong-quan-y-20250429182531912.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *