LTS: Trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc, lớp lớp thanh niên đã rời xa gia đình, quê hương để ra trận. Nơi quê nhà, những người mẹ, người vợ, người chị… luôn cố gắng để “hậu phương vững chắc, tiền tuyến yên lòng”. Họ như sợi chỉ vàng, lóng lánh và rực rỡ, dệt nên bức tranh hòa bình, sự trường tồn của dân tộc.
Dân trí trân trọng gửi đến quý bạn đọc loạt bài viết về những người mẹ, người vợ, người chị… nơi hậu phương trong kháng chiến.
Loạt bài nhằm khắc họa hình ảnh xúc động và đầy tự hào về những người mẹ, người vợ, người chị trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại – những người đã lặng thầm hy sinh, gánh vác trách nhiệm hậu phương để tiếp sức cho tiền tuyến.
“Bao giờ hết giặc con về”
93 tuổi, trải qua nhiều biến cố lớn, lại mắc bệnh tim, sức khỏe Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cháu (trú xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) giảm sút. Gần đây, vợ chồng người con trai út có việc phải ra nước ngoài, bà được vợ chồng con gái đón xuống thành phố Vinh để tiện chăm sóc.
“Mẹ ngủ ít lắm. Đêm cứ nằm rủ rỉ kể chuyện đến sáng. Người già hay nhớ về quá khứ, Mẹ kể chuyện công điểm, cày cấy ngày xưa, rồi kể chuyện anh Xoan, anh Tính. Mẹ bảo thương hai anh, ngày ra đi đánh giặc, bữa cơm còn không no…”, bà Hoàng Thị Hòa (SN 1957, con gái mẹ Cháu) kể.
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cháu (Ảnh: Hoàng Lam).
Nhắc đến hai người con trai liệt sỹ, bà Cháu ngước đôi mắt đã mờ đục ra phía cửa như trông ngóng điều gì đó. “Nhà đông con, lại nghèo, bữa cơm còn phải độn khoai, độn sắn, rau má. 17-18 tuổi, anh em nó theo nhau đi đánh giặc, chưa đứa nào kịp lấy vợ, cũng không có đứa nào về…”, Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cháu như đang độc thoại với ký ức.
Vợ chồng bà Cháu sinh 7 người con, anh Hoàng Văn Xoan (SN 1950) là con cả, kế đến là anh Hoàng Trung Tính (SN 1954), bà Hòa là con gái thứ 3.
Năm 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Lớp lớp thanh niên lên đường ra trận với quyết tâm cho lời hẹn ước Bắc – Nam sum họp sớm thành hiện thực. Anh Xoan khi đó vừa tròn 18 tuổi, xung phong ra trận. Mẹ lo anh đi chuyến này “lành ít, dữ nhiều”, nhưng không thể giữ con lại khi đất nước đang cần.
Anh Xoan đi “B dài”, chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên. Chiến tranh, thư từ thông tin hiếm hoi, thứ duy nhất kết nối với gia đình là 2 lá thư anh gửi về. “Con vẫn khỏe, vẫn chiến đấu hăng say, bao giờ hết giặc con về”, Mẹ ôm mãi lá thư ấy mong anh bình an.
Năm 1970, khi anh trai đang chiến đấu ở chiến trường ác liệt nhất, anh Tính viết đơn tình nguyện nhập ngũ.
“Khi đó anh Tính 17 tuổi, còn tôi 14 tuổi. So với anh Xoan thì anh Tính nghịch và sôi nổi hơn. Anh đẹp trai, thích đi bộ đội lắm. Vì anh chưa đến tuổi nhập ngũ nên đơn xung phong phải có chữ ký của bố mẹ mới được đi. Bố mẹ bảo còn nhỏ, đợi ít năm nữa, lớn hẵng đi, nhưng anh tôi khăng khăng “nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực”. Cuối cùng, bố tôi cũng phải chịu, ký vào đơn để anh đi bộ đội”, bà Hòa kể.
Anh Tính được biên chế vào một đơn vị đặc công thuộc Tỉnh đội Nghệ An. Dù ở trong tỉnh, anh ít có dịp về thăm bố mẹ và các em. Tháng 3/1972, đơn vị anh Tính được lệnh hành quân sang Lào làm nhiệm vụ. Trước khi lên đường, anh về thăm nhà.
Trong ký ức của bà Hòa, đó là một đêm cuối đông, trời rét như cắt. Anh về, ăn với bố mẹ và các em bữa cơm độn ngô, kể mấy câu chuyện đánh giặc rồi dẫn nhóm thanh niên làng ra nghĩa địa tập võ. Trời sáng, anh lên đường. Đó là lần cuối cùng, bà Hòa gặp anh trai…
2 năm, 3 giấy báo tử
Bà Hòa lấy điện thoại, mở tấm hình anh trai – liệt sỹ Hoàng Trung Tính, đặt vào tay mẹ. Trong ảnh, gương mặt chàng trai vẫn còn vương nét ngây thơ, nhưng cũng nghiêm nghị. “Đẹp trai nhỉ. Nó còn trẻ quá…”, Mẹ nghẹn ngào.
Những ngón tay nhăn nheo của Mẹ run run miết nhẹ trên tấm ảnh, như thể, đứa con trai bằng xương, bằng thịt đã trở về.
Theo lời kể của bà Hòa, một ngày tháng 12/1972, nhờ có người thân cùng đơn vị ở Lào, dù chưa có giấy báo tử, thông tin anh Tính hy sinh đã âm ỉ lan trong làng. Tổ trinh sát đặc công của anh Tính trong khi làm nhiệm vụ đã vướng vào bãi mìn. Xương thịt anh và đồng đội tan vào đất…
Bà Hoàng Thị Hòa kể về hai người anh trai liệt sỹ (Ảnh: Hoàng Lam).
Dù gia đình đã cố giấu, tin anh Tính hy sinh cuối cùng cũng đến tai mẹ Cháu, khiến người mẹ gục ngã. Nhờ sự động viên của mọi người, Mẹ dần gượng dậy.
Mà đúng ra, là Mẹ đã cố nén nỗi đau xuống, để chồng con yên lòng. Nhưng rồi, chiến tranh lại giáng vào Mẹ thêm những nỗi đau đớn đến tột cùng khi chỉ trong vòng vài tháng, thêm 2 tờ giấy báo tử được gửi về. Một giấy báo tử của người em trai út Nguyễn Văn Niên (SN 1948), giấy báo tử còn lại là người con trai cả Hoàng Văn Xoan. Nỗi đau quá lớn, vượt quá sức chịu đựng, khiến Mẹ như chết nửa đời người.
“Căn bệnh tim của mẹ cũng từ đó mà ra. Có thời điểm, mẹ tôi khóc nhiều quá, ngã bệnh nằm liệt giường mấy tháng trời. Mẹ nhớ thương các anh tôi đến nỗi, cứ thấy bóng ai mặc áo quần bộ đội đi qua con đường trước nhà là ngất xỉu. Chiến tranh kết thúc, nhiều người trở về, mẹ vẫn không nguôi hy vọng về các anh tôi…”, bà Hòa nghẹn lại, kể.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ước nguyện tìm và đưa hài cốt 2 người con liệt sỹ của Mẹ vẫn chưa trở thành hiện thực (Ảnh: Hoàng Lam).
Ghi nhận sự hy sinh và cống hiến thầm lặng của Mẹ đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng bà Nguyễn Thị Cháu là Mẹ Việt Nam anh hùng.
Năm tháng qua đi, nỗi đau vẫn chưa thể liền sẹo, nhưng Mẹ dần chấp nhận sự thật rằng, các anh không thể trở về. Niềm hy vọng của Mẹ là có thể tìm thấy hài cốt của các con, nhưng đằng đẵng hàng chục năm trôi qua, ước nguyện ấy vẫn chưa thành hiện thực.
Thương mẹ, thương các anh, chị em bà Hòa nhiều lần đi tìm thông tin về nơi an táng các anh, nhưng chưa lần ra manh mối.
Mẹ Cháu bên vợ chồng người con gái thứ 3 (Ảnh: Hoàng Lam).
“Bạn chiến đấu của anh Tính kể, tổ trinh sát trúng bãi mìn, không còn hy vọng tìm thấy thi thể. Còn anh Xoan, năm 1973, một người trong làng từ chiến trường ra, nói biết được nơi an táng của anh tôi, nhưng khi vào chiến trường, anh ấy cũng hy sinh, nên chúng tôi cũng đứt manh mối. Cũng không biết anh tôi đã được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ hay vẫn đang nằm đâu đó trong rừng sâu, núi thẳm…”, bà Hòa chia sẻ.
Mới đây, mẹ Cháu được đơn vị công an lấy mẫu để thực hiện giám định ADN phục vụ công tác xác minh thông tin liệt sỹ. Nghe giải thích, mẹ Cháu phấn chấn hẳn ra. Mẹ tin, bằng cách này, sẽ sớm tìm và đưa các con trở về…
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/50-nam-me-chau-van-cho-2-con-trai-tro-ve-20250421115546950.htm