Ngày 25/4, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Hội nghị có sự tham dự của 500 đại biểu văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, quản lý.
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Ban tổ chức).
Văn học, nghệ thuật – sức mạnh mềm của dân tộc
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương – khẳng định rằng, trong suốt chặng đường 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, văn học, nghệ thuật Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu quan trọng, từ tư duy lý luận đến thực tiễn sáng tạo, phương thức truyền bá và xu hướng tiếp nhận.
Văn học, nghệ thuật không chỉ là tiếng nói tri ân, ngợi ca truyền thống yêu nước, cách mạng của dân tộc, mà còn là biểu tượng của sự hòa hợp dân tộc, góp phần xoa dịu những đau thương chiến tranh, vun đắp khát vọng vươn lên trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cũng nhấn mạnh rằng, suốt 50 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ luôn là lực lượng tin cậy của Đảng và nhân dân.
Họ không chỉ là những người sáng tạo nghệ thuật, mà còn là những “chiến sĩ” trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, những “công dân” gắn bó với đời sống xã hội và trách nhiệm cộng đồng.
Danh hiệu “nghệ sĩ – chiến sĩ”, “nghệ sĩ – công dân” tiếp tục được trân trọng và phát huy.
“Văn học nghệ thuật có đóng góp quan trọng, tạo nên sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam trong quá trình đất nước đổi mới, hội nhập và phát triển ngày càng sâu rộng đối với thế giới”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Ban tổ chức).
Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng chỉ ra, nền văn học, nghệ thuật nước nhà phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và đang phải đối diện với những thách thức gay gắt. Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam; đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong giai đoạn mới.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nêu một số nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò, sứ mệnh của văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ, tập trung xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn phát triển mới.
Trước hết là tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, gắn với đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức lãnh đạo phù hợp, hiệu quả để kiến tạo đường hướng, không gian phát triển văn học, nghệ thuật.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh thể chế hóa chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về văn học, nghệ thuật.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, cần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến và năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ.
Cùng với đó, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật, góp phần tiếp tục phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng yêu cầu các tổ chức hội thực hiện hiệu quả chủ trương của Trung ương, tiếp tục sắp xếp tổ chức, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hội văn học, nghệ thuật ở Trung ương và địa phương, bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Ông Nghĩa bày tỏ: “Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc – với những cơ hội và thách thức đan xen.
Hơn lúc nào hết, đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam cần tiếp tục “kề vai sát cánh”, “đồng tâm, hiệp lực”, cùng nhau thực hiện sứ mệnh cao cả và trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang với Tổ quốc và nhân dân”.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng khẳng định, thông qua các tác phẩm, đội ngũ văn nghệ sĩ chính là những người ươm trồng hạt giống về cái đẹp, lòng nhân ái và sự tử tế; gìn giữ và thổi bùng lên ngọn lửa của truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
“Mỗi văn nghệ sĩ, mỗi tác phẩm văn học nghệ thuật chân chính sẽ góp phần bồi đắp xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; từ đó mở ra cánh cửa tương lai tươi sáng của dân tộc ta”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Với những thành tựu to lớn đã đạt được, tiềm năng được khai mở, ông Nghĩa nói: “Chúng ta có quyền tự hào và tự tin xác định tâm thế, tầm nhìn, khát vọng đưa nền văn học, nghệ thuật nước nhà vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình vì hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Đồng hành với dân tộc, văn học, nghệ thuật phải tiếp tục vươn lên với khát vọng mới, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật, xứng đáng với truyền thống lịch sử văn hóa, cơ đồ của đất nước và sự mong đợi của nhân dân ta trong thời gian tới”.
Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (Ảnh: Ban tổ chức).
Văn học, nghệ thuật hướng đến mục tiêu cao cả nhất là vì con người, cho con người
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về nhiều khía cạnh quan trọng của văn học, nghệ thuật trong 50 năm qua. Các tham luận đã đề cập đến sự phát triển lý luận của Đảng; những dấu ấn nổi bật tại TPHCM; vai trò của văn học nghệ thuật trong việc định hướng tư tưởng và bồi đắp lý tưởng cho thế hệ trẻ qua đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng; đánh giá thành tựu và xu thế chung của văn học Việt Nam; thực tiễn phát triển công nghiệp văn hóa từ góc độ điện ảnh, cũng như vấn đề hoàn thiện thể chế, chính sách sau 50 năm thống nhất đất nước…
GS.TS Đinh Xuân Dũng đã trình bày một góc nhìn sâu sắc và toàn diện về những đổi mới trong tư duy, chính sách của Đảng đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Đồng thời khẳng định vai trò to lớn của văn học, nghệ thuật trong sự phát triển của đất nước.
Ông cũng đề xuất một số giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục thúc đẩy sự phát triển bền vững của lĩnh vực này trong thời kỳ mới.
Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam – trình bày tham luận về công nghiệp văn hóa từ góc nhìn điện ảnh.
Bà cho rằng, Việt Nam hiện có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh: thị trường tăng trưởng nhanh, nhu cầu lớn, đội ngũ nghệ sĩ tài năng, đề tài phong phú cùng hệ thống pháp lý ngày càng hoàn thiện.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – chia sẻ tại sự kiện (Ảnh: Ban tổ chức).
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – nhấn mạnh rằng, thành tựu quan trọng đầu tiên của văn học Việt Nam chính là sự đổi mới trong chính sách và chiến lược – tức cách nhìn nhận của Đảng đối với văn học. Đây là yếu tố nền tảng thúc đẩy sự phát triển của đời sống văn học.
Ông cũng cho hay, sự trở lại của các nhà văn hải ngoại là minh chứng cho tinh thần hòa hợp, cởi mở và đổi mới sâu sắc của văn học đương đại. Nhiều tác giả đã xuất bản tác phẩm trong nước, được đón nhận và tôn vinh.
Một điểm đáng chú ý là sau năm 1975, văn học Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu hình ảnh đất nước, con người và lịch sử Việt Nam ra thế giới.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, văn học không chỉ là sản phẩm nghệ thuật mà còn là hành vi kiến tạo văn hóa, góp phần khôi phục và gìn giữ nền tảng văn hóa dân tộc sau chiến tranh. Văn học, vì thế, cần tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt tinh thần, khơi dậy lương tri, trí tuệ và khát vọng tự do của dân tộc.
Ông cho rằng, bước vào kỷ nguyên mới, văn học, nghệ thuật sẽ có nhiều thay đổi, song đều hướng đến mục tiêu cao cả nhất là vì con người, cho con người…
“Tôi tin rằng, văn học Việt Nam trong kỷ nguyên này sẽ đồng hành mạnh mẽ cùng dân tộc. Có một sự hòa hợp đặc biệt giữa chính quyền và giới trí thức – một sự gặp gỡ vận mệnh. Và tôi tin chắc rằng, văn học Việt Nam sẽ có những chuyển mình mạnh mẽ”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ.
Source link: https://dantri.com.vn/giai-tri/50-nam-van-hoc-nghe-thuat-dong-hanh-cung-to-quoc-sat-canh-voi-nhan-dan-20250426032354727.htm