Ngày 23/4, tại Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) đã khai mạc Triển lãm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Sự kiện là một trong những hoạt động trọng điểm hướng về ngày lễ trọng đại, nhằm tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa và tinh thần yêu nước qua ngôn ngữ mỹ thuật.
Triển lãm giới thiệu 50 tác phẩm thuộc nhiều thể loại như hội họa, đồ họa, ký họa và điêu khắc của các thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng. Các tác phẩm tập trung phản ánh nhiều góc nhìn về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là Đại thắng mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Qua những nét vẽ, hình khối, bố cục và chất liệu tạo hình đặc sắc, triển lãm tái hiện sinh động tinh thần chiến đấu, sự hy sinh và khát vọng hòa bình của cả dân tộc. Mỗi tác phẩm là một lát cắt ký ức, một câu chuyện lịch sử được kể lại bằng cảm xúc và tài năng nghệ thuật. Có tác phẩm ghi lại khoảnh khắc chiến đấu cam go, có tác phẩm khắc họa chân dung người lính kiên cường, cũng có tác phẩm thể hiện sự đoàn kết Bắc – Nam trong ngày non sông liền một dải.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh, triển lãm là dịp để công chúng cùng hồi tưởng, tri ân và tự hào về những trang sử hào hùng của dân tộc.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông (thứ 2, từ phải sang) cùng các đại biểu tham quan triển lãm (Ảnh: Lê Phương Anh).
“Triển lãm là dịp để công chúng hồi tưởng lại chặng đường hào hùng của dân tộc, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc tới các thế hệ cách mạng, anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do.
Qua các tác phẩm nghệ thuật, thế hệ hôm nay càng hiểu rõ hơn giá trị của hòa bình, từ đó khơi dậy ý chí vươn lên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Tạ Quang Đông bày tỏ.
Là một trong số ít nghệ sĩ có cơ hội thực hiện nhiều tượng đài quy mô lớn, nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng bày tỏ niềm vinh dự khi được tham gia triển lãm lần này.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Đinh Gia Thắng cho biết: “Tôi đã sử dụng nhiều chất liệu như đá, đồng, nhôm, gỗ, chất liệu tổng hợp và sơn mài để thổi hồn cho các tác phẩm điêu khắc. Trong đó, chất liệu tôi sử dụng nhiều nhất chính là đá – thứ chất liệu mang vẻ đẹp vĩnh cửu và chiều sâu lịch sử”.
Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng bên 2 tác phẩm tiêu biểu: “Cội nguồn hạnh phúc”(bên trái) và cụm tượng đài “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (Ảnh: Lê Phương Anh).
Đặc biệt, cụm tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng – công trình quy mô lớn với nguyên mẫu là mẹ Nguyễn Thị Thứ được xem là dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp của ông. Đây cũng là tác phẩm đem đến Giải thưởng Nhà nước năm 2022 cho nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng.
“Đây là tác phẩm mà tôi đã dành trọn trái tim và tình cảm đối với hình tượng người mẹ Việt Nam vĩ đại. Suốt gần 10 năm, tôi gần như dành một phần cuộc đời của mình để tìm hiểu, chắt lọc những gì đẹp đẽ, cao quý nhất từ hình ảnh các bà mẹ Việt Nam anh hùng cho tác phẩm này.
Tôi thật sự hạnh phúc khi tác phẩm của mình không chỉ chạm đến trái tim của người dân Việt Nam, mà còn tạo được sự đồng cảm từ bạn bè quốc tế”, ông Đinh Gia Thắng chia sẻ.
Trong số các tác phẩm trưng bày, có nhiều sáng tác tiêu biểu của các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ lão thành, những người đã có nhiều đóng góp xuất sắc cho nền mỹ thuật Việt Nam và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Có thể kể đến những tên tuổi gắn bó với cách mạng như: Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo – Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật; họa sĩ, Đại tá Nguyễn Quang Thọ và họa sĩ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Nghĩa Duyện… đều là những nghệ sĩ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Bên cạnh đó là sự góp mặt của các tác giả có nhiều tác phẩm để lại dấu ấn sâu sắc như: Họa sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Mạnh Lân; các nhà điêu khắc Hoa Bích Đào, Đinh Gia Thắng, Nguyễn Phú Cường…
Triển lãm cũng giới thiệu các sáng tác của những nghệ sĩ đương đại tiêu biểu như: Họa sĩ Nguyễn Trường Linh, Đào Quốc Huy, Mai Xuân Oanh…
Không chỉ là sự kiện nghệ thuật mang ý nghĩa tri ân, triển lãm còn là cầu nối đưa lịch sử đến gần hơn với thế hệ trẻ, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tiếp thêm động lực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, họa sĩ Trịnh Bá Quát, Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam, nguyên Giám đốc Bảo tàng Đặc công nói: “Dù được sáng tác trong thời bình, những tác phẩm này vẫn còn nguyên chất lượng và cảm xúc, vẫn ẩn chứa máu thịt, tinh thần, và là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho cả các họa sĩ từng đi qua chiến tranh lẫn các tác giả trẻ trong triển lãm hôm nay”.
Theo ông Trịnh Bá Quát, việc được trực tiếp chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật về đề tài cách mạng sẽ giúp người trẻ có cái nhìn trực quan, sinh động hơn, từ đó khơi gợi sự tò mò và mong muốn tìm hiểu sâu hơn về bối cảnh lịch sử.
Triển lãm diễn ra từ ngày 23/4 đến hết ngày 8/5 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Source link: https://dantri.com.vn/giai-tri/50-tac-pham-my-thuat-tai-hien-hao-khi-dai-thang-mua-xuan-1975-20250424022328234.htm