Những câu chuyện cổ tích hài hước mang đến các bài học đạo đức, tạo tiếng cười, tăng tính giải trí cho các độc giả nhí.
Bên cạnh truyện cổ tích thần thoại, dân gian, ngụ ngôn, các câu chuyện cổ tích mang tính hài hước cũng thu hút một lượng lớn các độc giả nhí.
Không chỉ có tiếng cười, mỗi câu chuyện là bài học phê phán thói hư tật xấu của các nhân vật phản diện, qua đó, giúp độc giả nhỏ tuổi tìm thấy bài học thấm thía về cuộc sống, cách hành xử… trong cuộc sống.
Làm cho công chúa nói được
Ngày xưa có một nàng công chúa con một ông vua nước nọ nổi tiếng xinh đẹp, nhưng có điều đặc biệt là nàng vốn ít điều ít lời, thường rất hà tiện lời nói. Trừ những lúc thật cần thiết, còn ít khi nàng chịu mở miệng nói ra.
Khi công chúa đến tuổi lấy chồng, nhà vua cho niêm yết khắp nơi rằng cho phép bọn con trai bất kể là sang hay hèn, thôn quê hay thị thành, ai có cách làm cho con gái mình nói lên ba câu thì sẽ gả ngay cho người đó. Nhưng nếu trong một ngày mà không làm xong thì sẽ đánh trăm trượng, đuổi về.
Tin kén rể của nhà vua loan ra, đã có nhiều chàng trai, trong đó không thiếu gì hàng công tử vương tôn, đến xin thử thách, nhưng đều không thành công, cuối cùng đành phải nhận lấy trận đòn máu rơi thịt nát mà về. Bởi vậy cũng đã lâu năm rồi, hoàng gia vẫn chưa kén được phò mã.
Một hôm, có một chàng trai trẻ tuổi trông vẻ khốn khó, ngốc nghếch, tên là Mồ Côi, tự dưng ở đâu tìm đến cổng hoàng thành xin nộp đơn. Thấy chàng ăn mặc lôi thôi, bọn lính thị vệ toan không cho vào. Nhưng rồi tuân theo niêm yết, họ đành phải thu nhận.
Theo lệ, người ta dẫn Mồ côi vào hoàng cung cho ở ngoài sân trước cửa lầu của công chúa sau khi bắt đọc kỹ một lượt tờ niêm yết. Đoạn báo tin cho công chúa biết để chuẩn bị. Trong khi đó có những viên quan đã cắt đặt sẵn, ngồi ở sau màn làm phận sự theo dõi để chứng thực việc công chúa có nói hay không.
Người ta thấy buổi sáng hôm ấy Mồ Côi bước vào sân, chưa nghĩ đến việc tiếp xúc với công chúa đã bắt đầu lo bữa ăn trưa của mình. Anh hỏi mượn nồi, xin củi, vo gạo, tìm đá kê làm bếp ở ngay bên thềm. Nhưng đá kê anh chỉ nhặt có hai hòn mà đít nồi thì tròn, nên đặt lên mấy lần đều bị nghiêng đổ.
Ảnh minh họa.
Mỗi lần nồi đổ, Mồ Côi lại kiên nhẫn xê dịch hòn đá, nhưng dù sửa soạn thế nào, nồi đặt lên cũng chông chênh chỉ toan lật xuống. Bấy giờ công chúa ngồi trên lầu nhìn xuống, thấy chàng trai loay hoay mãi với hai hòn đá kê đã bao nhiêu lần mà nồi vẫn đặt không vững, nên cảm thấy bực mình. Nhân một lúc rồi lại nghiêng nghiêng sắp đổ, công chúa nói chõ xuống:
– Tìm một hòn đá nữa mà kê!
Nghe theo lời, Mồ Côi chẳng nói chẳng rằng, bỏ đi tìm một hòn đá thứ ba đưa về, bấy giờ nồi đặt lên mới vững. Sau khi trút gạo vào nồi, Mồ Côi bắt đầu đánh đá lửa. Anh đánh đi đánh lại nhiều lần đều không được. Vì anh đặt bùi nhìn lên phía trên đá nên tinh lửa tuy bật ra nhưng đều không bén vào bùi nhùi.
Anh đánh no nê chê chán vẫn không ăn thua, vì mỗi lần không được anh lại sửa soạn ở chỗ hòn đá, chứ không soạn chỗ bùi nhùi. Trên lầu nhìn xuống, công chúa thấy sốt cả ruột, nên vào lúc đánh đến lần thứ mấy mươi, nàng bèn nói chõ xuống:
– Đặt bùi nhùi xuống dưới!
Như cái máy, Mồ Côi nghe theo lời, sửa lại vị trí bùi nhùi thì quả nhiên đánh lửa bén ngay. Vẫn không một lời cảm ơn hay nói gì với công chúa, anh cứ cắm cúi làm công việc của mình. Sau khi cơm canh đã chín, Mồ Côi nấu luôn ấm nước chè.
Nước sôi rồi, có việc rót nước từ ấm vào cái bầu nậm mà chàng thường mang theo bên người. Miệng bầu nậm thì bé, miệng ấm thì rộng nên anh rót chảy cả ra ngoài. Anh cố sửa soạn để nước chè khỏi chảy phí mất, nhưng mỗi lần làm là một lần mất công, nước vẫn lênh láng ra ngoài. Thấy thế, công chúa bực mình bảo:
– Đặt vào đấy một chiếc đũa!
Mồ Côi lại cúi đầu làm theo. Quả nhiên nước chảy theo đầu chiếc đũa lọt gọn vào miệng bầu nậm.
Bấy giờ vị quan làm phận sự theo dõi công chúa đã đến gặp vua, nói:
– Tâu bệ hạ. Công chúa đã nói chuyện với chàng trẻ tuổi đến lần thứ ba. Hạ thần đã ghi xong.
Vua lấy làm ngạc nhiên, sai dẫn Mồ Côi tới xem mặt. Thấy chàng ăn mặc lôi thôi, vua không được hài lòng. Nhưng nghĩ rằng biết bao nhiêu người không thể làm cho con mình mở miệng, thì người này hẳn là phải có tài năng xuất chúng gì đây, vả lại một ông vua không bao giờ hai lời, nên cuối cùng quyết định gả công chúa cho Mồ Côi.
Hai bảy mười ba
Ngày xưa, ở huyện Hà-đông thuộc tỉnh Quảng có hai vợ chồng nhà nọ, chồng quen thói lấn lướt vợ, nhưng vợ cũng không phải tay vừa.
Một hôm nhà có giỗ. Người vợ nấu một nồi chè để cúng. Chè nấu xong, vợ lần lượt múc vào bát. Nhưng vì mâm ở bếp còn bận, nên vợ cứ hai tay hai bát bưng lên cho chồng bày lên bàn thờ. Cứ như thế, vợ lần lượt bưng đến bảy chuyến mới hết. Vợ lẩm bẩm một mình: – “Bảy chuyến vị chi là mười bốn bát”.
Chồng xếp tới xếp lui mấy bát chè vào lòng mâm trên bàn thờ. Cuối cùng thấy thừa một bát, xếp gọn thế nào cũng không để lọt. Bụng bảo dạ: – “Chẳng lẽ lại đặt nó lẻ loi ra ngoài mâm. Thôi, sẵn dịp vắng vẻ không có ai, ta hãy nếm thử, chắc vợ mình cũng chẳng đếm đâu mà biết”.
Nghĩ vậy nhân lúc vợ còn loay hoay sau nhà, chồng bèn lấy bát chè thừa đưa ra sau bàn thờ húp lấy húp để. Húp xong, hắn ra bể cạn rửa, rồi đi vào bếp úp cái bát sạch vào rổ. Đoạn trở lên nhà trên làm nốt công việc khác.
Ảnh minh họa.
Đến chừng cúng xong, bưng mâm chè xuống, người vợ ngẩn ra khi thấy đếm đi đếm lại mấy lần vẫn cứ thiếu một bát chè. Vợ tự hỏi: – “Quái, chắc là chồng ta ăn, hay là trong khi xếp làm đổ mất một. Ta phải tìm cho ra lẻ mới được”. Nghĩ vậy vợ bèn hỏi chồng:
– Tại sao lại thiếu một bát chè?
Chồng làm ra vẻ tự nhiên:
– Ủa, mình bưng lên bao nhiêu thì tôi bày ra bấy nhiêu đó.
Vợ phân trần:
– Tôi bưng lên cả thảy là bảy lần, mỗi lần hai bát, hai bảy mười bốn. Đầu đuôi là thế. Tại sao bây giờ chỉ còn mười ba?
Chồng không ngờ vợ đã có đếm hằn hoi, nhưng chẳng lẽ bây giờ lại nhận là mình ăn thì đâm ngượng. – “Nhận mình ăn cũng chẳng sao, nhưng có nhận thì nhận ngay từ đầu, để đến bây giờ đã muộn”. Bèn làm mặt giận:
– Tôi biết đâu đấy. Hay là mình nghi cho tôi ăn chăng?
Vợ không nhịn được:
– Còn gì nữa. Trong nhà lúc ấy chỉ có tôi với mình, con thì đi vắng. Vậy chẳng lẽ ai vào đây mà nuốt mất bát chè.
Đến đây chồng đỏ mặt tía tai, sừng sộ:
– Mày bảo tao ăn thì tang chứng đâu? À quân này láo!
Nói rồi chồng sấn lại. Vợ không xuống nước, nhất quyết đổ riệt cho chồng ăn vụng. Thế là một cuộc xô xát xảy ra giữa hai người, đi liền theo là mâm bát đổ vỡ, bàn ghế xiêu vẹo. Bữa giỗ vì thế không những mất ngon mà còn thiệt hại cả đơn lẫn kép.
Thấy mình nắm chắc phần đúng trong tay, không ngờ kết quả lại đến thế, người vợ vừa đau thân vừa giận đời, bèn phát đơn kiện lên quan.
Biết vậy, người chồng từ chỗ hung hăng chuyển sang lo lắng. Hắn nghĩ bụng: – “Nếu nó làm ra chuyện thì chuyến này không những xấu hổ với bà con làng xóm mà rồi đây còn khó ăn khó nói với con cái trong nhà!”. Hắn bèn mang lễ vật lên lo lót quan, xin quan gỡ cho để khỏi “mất mặt”. Nhìn món lễ vật hậu hĩ, quan gật gù:
– Được được, ta sẽ lo cho êm thấm.
Hôm ra trước công đường, sau khi nghe nguyên cáo trình bày, quan phán:
– Giỗ là giỗ ông bà nhà nó, không lẽ nó lại thất lễ với ông bà. Hơn nữa hai bảy không nhất thiết là mười bốn, cũng có khi hai bảy mười ba kia đấy. Này, hãy ngước mắt nhìn những đường đòn tay trên mái công đường mà xem. Mái trước bảy đường, mái sau cũng bảy đường. Vậy mà hai bảy chỉ có mười ba thôi. Đó, cả vợ lẫn chồng hãy mở to con mắt thử đếm xem có đích là hai bảy mười ba không?
Vợ chồng cùng ngửa mặt lên nhìn. Chồng chịu là quan có tài. Nhưng vợ thì còn muốn cãi lại. Quan đập bàn phán tiếp:
– Thánh nhân có nói: “Phu xướng phụ tùy”. Vợ chồng chúng bay hãy dẫn nhau về ăn ở hòa thuận, đừng có bày điều kiện tụng làm cho thiên hạ chê cười. Lần này ta tha cho, lần sau tái phạm ta sẽ phạt nặng.
Nói rồi thét lính đuổi cả vợ lẫn chồng ra khỏi công đường.
Khi họ về đến nhà, bà con xóm giềng tới hỏi thăm. Giữa lúc người chồng hoa chân múa tay có vẻ thích chí, thì người vợ than:
Nực cười ông huyện Hà-đông,
Xử vị lòng chồng hai bảy mười ba.
Không nghe tan cửa hại nhà,
Nghe thì hai bảy mười ba cực lòng.
Người ta còn nói câu tục ngữ: “Cha mẹ nói oan, quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa” là do truyện trên mà ra.
Chàng rể thông manh
Có một anh chàng đẹp trai, lanh lợi, nhưng bị tật thong manh từ thuở nhỏ. Cặp mắt anh vẫn trong trẻo nên người ngoài không ai biết là mù. Nhưng anh thì rất khôn khéo, cố tìm cách giấu không cho người lạ biết mình có tật.
Một hôm nghe nói có một đám hát ở một làng nọ, vui bạn, anh theo nhóm trai làng đi xem. Đêm tối, người đông chen chúc, mỗi người tìm ngồi một nơi, nên lúc về họ lục tục mỗi người đi một đàng, bỏ quên anh lại.
Anh phải nằm đó đợi sáng, nhưng lúc về vì không thấy rõ đường, anh cứ đi liều. Cuối cùng bị lạc, anh lọt vào một nhà nọ. Nhà này đang sẵn có cuộc vui. Thấy chàng trai lạ đến, họ mời anh vào dự. Anh không từ chối, đi theo người dẫn vào ngồi phía tận cùng. Đến lúc mãn cuộc anh phải sờ vào vách để tìm cửa ra.
Chủ nhân thấy thế, bèn hỏi:
– “Anh làm gì đấy?”.
Anh nhanh miệng đáp:
– “Dạ, cháu đo xem chiều dài nhà này có bằng nhà bố mẹ cháu chăng”.
– “Thế bên nào rộng hơn?”.
– “Dạ, cũng suýt soát như nhau!”.
Chủ nhân cho rằng nhà anh này cũng thuộc loại khá giả như mình. Khi đã tìm được cửa ra, anh vội cáo từ chủ nhân để về, nhưng chủ nhân cố lưu anh lại ăn cơm. Đói bụng, anh từ chối lấy lệ rồi cũng ngồi vào mâm. Trước mặt anh là đĩa rau, nên anh cứ gắp mãi vào món ấy.
Chủ nhân bảo:
– “Kìa thịt cá đây sao không ăn, lại cứ gắp rau mãi?”.
Anh đáp:
– “Nhà cháu rau dưa quen thói, chứ không phải làm khách đâu ạ!”. Chủ nhân cho anh là con nhà cần kiệm nết na. Ăn xong bước ra hè anh vấp phải cái cào, cán cào va nào đầu đau điếng bèn ngồi lại nhặt cào, sẵn sờ thấy cái vồ bên cạnh, anh cầm lấy gõ vào đầu cán cào mấy cái cho hả giận.
Ảnh minh họa.
Chủ nhân thấy vậy, hỏi:
– “Anh làm gì đấy?”.
Đáp:
– “Cháu tra cán cào!”.
– “Ồ, tốt quá?”. Chủ nhân cho anh là con nhà siêng năng, hay lam hay làm. Trong bụng ông nghĩ:
– “Con nhà ai đây, nhà thì không đến nỗi nghèo, mà lại siêng năng cần kiệm nết na, thật là ít có. Ta có đứa con gái nên gả cho hạng trai như thế này mới phải”. Cho nên khi chàng thong manh cáo từ ra về, chủ nhân ghé vào tai bảo:
– Anh khá lắm. Có muốn lấy con gái lão, lão sẽ gả cho.
Cuối cũng anh chàng thong manh cũng lần về được đến nhà. Khi về đến nơi, anh giục bố mẹ đi hỏi cô gái nhà nọ cho anh làm vợ.
Do được bố vợ thỏa thuận từ trước, nên mọi việc cưới hỏi đều diễn ra êm thấm trót lọt. Chỉ còn một việc quan trọng là đi làm rể, mà việc này thì không ai thay thế được anh. Vì vậy anh chàng đành phải dẫn thân ra đi. Đến nhà vợ mới được một hôm, anh phải đi cày ruộng.
Khi ra đồng, nhờ mẹ vợ dắt trâu đi trước nên anh theo không chút vất vả. Tới ruộng, mẹ vợ chỉ cho anh phần đất phải cày. Ruộng sẵn có bờ nên anh cũng dễ phân biệt. Vì vậy anh cày đúng ruộng nhà vợ, nhưng đôi lúc cũng cày lấn sang cả ruộng láng giềng, thậm chí còn cày lật cả một đoạn bờ. K
hi mẹ vợ ra gọi anh về ăn trưa, thì bà kêu lên: “Chết nỗi, sao con lại cày sang ruộng của người ta!”. Anh đáp không chút ngần ngừ: – “Vì bờ ruộng thấp nên con cày cả hai bên để lấy đất đắp bờ đấy ạ!”. Nghe nói xuôi tai, bà nhạc không nghi ngờ gì cả.
Ăn cơm xong, anh lần ra giếng thơi, vô phúc thế nào lại ra tõm xuống nước không lên dược, nhưng anh kiên gan không kêu la. Chừng vợ anh ra múc nước, thấy anh dưới giếng thì hốt hoảng:
– “Ôi chao, mắt mũi để đâu mà lại ngã xuống giếng thế?”. Anh đáp ngay:
– “Giếng rong rêu bẩn quá, tao phải xuống khai cho sạch”.
– “Thế sao không lấy thang mà trèo?”.
– “Vội quá không tìm được thang, nên tao phải men tường trèo xuống. Thôi bây giờ vớt hết rồi, hãy bắc thang xuống cho tao lên, kẻo mệt quá”. Cả nhà đã không ngờ, mà còn khâm phục.
Mấy hôm sau, vợ anh đi vắng, mẹ vợ thổi xôi bới ra một đĩa mời chàng rể ăn. Đĩa xôi đặt trên mâm nan. Trong khi mẹ vợ lúi húi dưới bếp mà anh thì chưa kịp tới ngồi, con chó thấy vắng người bèn trèo lên mâm chén hết cả.
Khi mẹ vợ ở bếp lên thấy đĩa đã sạch trơn xôi, vội nói:
– “Con đã ăn hết rồi ư? Có ăn nữa không để mẹ bới thêm?”. Biết là con chó đã ăn mất xôi, nhưng anh không ngạc nhiên, chỉ đáp:
– “Đủ rồi mẹ ạ!”.
Bận khác, vợ lại đi vắng, mẹ vợ lại thổi xôi dọn ra mời anh ăn. Trong khi bà ta chạy xuống bếp thì anh đã chú ý rình kẻo chó ăn mất như bận trước.
Đến khi bà ta mang thức ăn lên, đang lúi húi đặt vào mâm. anh tưởng là chó bèn đấm một cái, không ngờ nhầm vào mặt mẹ vợ. Đau quá, bà ta kêu lên. Biết là mình nhầm, anh buông đũa không nói gì cả. Giữa lúc ấy người vợ về. Nghe mẹ mình kể lại câu chuyện vừa rồi, chị ta gầm lên. Anh thủng thỉnh đáp:
– Theo phong tục tổ tiên, chỉ có vợ bưng cơm hầu chồng. Lần trước mẹ đã làm trái, con không dám nói. Nay thì không thể làm trái lần thứ hai. Xin mẹ thứ lỗi cho, con làm thế là bất đắc dĩ. Chẳng qua là để khỏi có sự dị nghị.
Nghe nói thế, mẹ vợ và vợ hết giận. Còn bố vợ sau đó về nghe kể thì tấm tắc khen ngợi. Ông bảo xóm giềng:
– Bây giờ tôi mới hay thằng ấy lại là con nhà có học. Nó làm việc gì cũng đúng phép tắc.
Một hôm bố vợ bảo anh dẫn người nhà vào rừng chặt gỗ làm cày. Đường rừng khó đi, sai một bước là đụng phải cây, vì thế chàng thong manh rất ngại, bèn bảo người nhà:
– “Đi đường im lặng buồn lắm anh em ạ! Nên thay nhau hò hát ít câu cho vui và bớt sợ”. Họ hát lên, anh đi len vào giữa, không sợ lạc nữa. Cả mấy người đẵn được mấy cây gỗ ghé vai khiêng về.
Anh cũng đẵn được một cây, nhưng anh biết rằng đi đường rừng mà mắt mù thì không thể nào vác về một cách trót lọt. Mấy người cùng đi bỗng thấy chàng thong manh ta đột nhiên kêu đau bụng ầm lên và quẳng gỗ xuống đất. Xoa bóp mãi không lành, họ đành dìu anh lên một cái chòi bỏ trống ở gần đường cho anh ở lại, còn họ phải đem gỗ về trước.
Sáng hôm sau, có hai người cưỡi ngựa đi qua. Anh rên to tiếng trên chòi. Hai người ghé lại hỏi: – “Sao lại nằm rên một mình ở đây?”
Anh đáp: “Chao! Tôi đi đẵn gỗ đẽo cày cho chủ tôi, nhưng chưa đẽo được thì không may bị bệnh đau bụng, đến nay cũng chưa lành”. Hai người ấy lại hỏi:
– “Anh có cần chúng tôi đưa giúp về không?”.
– “Nếu các ông có lòng thương tôi, thì sẵn rìu đó làm ơn đẽo hộ cho chủ tôi cái cày, kẻo về đấy ông ấy không trả công cho thì tội lắm, biết lấy gì để nuôi con. Còn bệnh đau bụng của tôi thì cứ để vậy ít bữa nữa rồi cũng lành”. Nói rồi anh lại rên hừ hừ. Hai người kia thương hại bèn xuống ngựa đẽo hộ anh, chỉ một lát được một cái cày rất đẹp.
Họ đi được hồi lâu thì vợ anh mang cơm nước và thuốc men đến. Đến chòi, vì chị ta đi nhẹ nhàng không lên tiếng, nên anh không biết. Thấy chồng nhìn mình mà không nhận ra, chị ta hồ nghi, vội hỏi:
– Mắt anh làm sao thế? Hay là có điều gì lạnh nhạt đối với tôi? Vì thấy tôi mà không lên tiếng thì chỉ có một trong hai điều đó thôi.
Anh chàng chống chế ngay:
– Thú thật là tao cũng có nhìn thấy nhà nó đến, nhưng vì vừa đẽo xong cái cày, thích chí quá nên mải ngắm mà quên đi, có việc gì đâu mà lạnh nhạt.
Lại một lần nữa, vợ giải dược mối ngờ. Rồi đó hai vợ chồng trở về. Bố vợ thấy cái cày đẽo đẹp, khen lấy khen để.
Một hôm khác, bố vợ giết trâu mở tiệc mừng thọ. Cỗ bốn người một mâm, anh chàng thong manh cũng được dự ngồi một cỗ. Anh lần lượt gắp ăn, nhưng chẳng biết gắp thế nào cho trúng, mà gắp không trúng thì e rằng những người cùng dự chê cười. Anh bèn bàn:
– Cỗ chỉ có mấy món thôi, giá ta trộn cả vào với nhau thì ăn ngon hơn. Thế rồi ta chia nhau mỗi người một phần lại càng tiện.
Họ đều nghe theo. Nhờ thế anh ung dung gắp ăn phần của mình. Nhưng không may cho anh là ăn phải miếng thịt trâu thái to quá, mà anh lại vội nuốt nên bị nghẹn ở cổ, nhả ra không được. Anh ngồi chống đũa có nuốt, nước mắt giàn giụa mà miếng thịt vẫn không chịu vào.
Mãi sau, anh lấy hết gân sức cố nuốt, cuối cùng miếng thịt cũng trôi được vào dạ dày. Nhưng thật là may mắn, con mắt anh nhờ thế đột ngột sáng ra.
Nhìn thấy mọi người mọi vật, anh mừng quá. Anh bỗng có ý muốn nhìn một vợ một tý để xem xem con người như thế nào. Nhưng khi đi vào nhà trong thì đàn bà con gái ngồi ăn cỗ ở đây khá đông, anh chả biết làm sao mà phân biệt.
Bèn nghĩ được một mẹo: anh giả bộ say, chân đi thất tha thất thểu. Đến chỗ có phụ nữ, anh giả vờ đụng vào người này lại va vào người khác. Thấy thế, vợ anh nổi ghen, vả cũng sợ chồng mình quá chén còn làm điều gì thất thố nữa chăng, nên vội chạy lại dìu anh vào buồng. Từ đó anh mới biết mặt vợ.
Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích
Truyện cổ tích hài hước có xu thế hư cấu, nhưng mang đậm giá trị nhân văn, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, sẽ giúp cho các em nhỏ phát triển tư duy lành mạnh, trong sáng nhất và các phẩm chất tốt đẹp.
Ngoài việc giúp trẻ giải trí, những câu chuyện này còn giúp trẻ biết cảm nhận về cái đẹp xấu, cái thiện và ác trong cuộc sống.
Những câu chuyện cổ tích hài hước mang đến các bài học đạo đức, tạo tiếng cười, tăng tính giải trí cho các độc giả nhí.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/top-3-cau-truyen-co-tich-hai-huoc-hay-nhat-mang-la…
Con rùa vàng, ba lưỡi rìu hay hạt giống thóc là những câu chuyện dân gian xúc động về tình bạn, tình người và tấm lòng ngay thẳng, trung thực, mẹ mên…
Theo Hạ Mây Dịch từ Sohu (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)