Vi phạm quảng cáo, ai là người xử phạt?
Tối 15/4, trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về việc các bác sĩ, cán bộ y tế, KOLs vi phạm quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng (như sữa), sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có bị xử phạt không, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định: Tất cả các cá nhân vi phạm đều phải bị xử phạt.

Hình ảnh quảng cáo của Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group ((Ảnh chụp màn hình).
Theo quy định tại khoản 2 điều 27 nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.
Vậy ai sẽ là người xử phạt những cá nhân (bao gồm cả cán bộ y tế) vi phạm quy định quảng cáo?
Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết: “Tùy vào từng sản phẩm mà có quy định cụ thể phân cấp xử phạt.
Quản lý và quảng cáo sữa là cơ quan chuyên môn của UBND các tỉnh thành. Như vừa rồi, vi phạm liên quan đến viên kẹo rau Kera của Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt bị phạt 125 triệu đồng, là do Thanh tra Sở An toàn thực phẩm TPHCM ra quyết định xử phạt.
Trong khi đó, với các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Cục An toàn thực phẩm có trách nhiệm xử phạt cơ sở kinh doanh, sản xuất khi có vi phạm”, vị này thông tin.
Theo đó, quy định xử phạt được nêu rõ trong Nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm quảng cáo. Cơ quan quản lý trực tiếp sẽ đứng ra xử phạt tổ chức, cá nhân vi phạm quảng cáo, còn Cục An toàn thực phẩm sẽ xử lý vi phạm ở cơ sở sản xuất kinh doanh.
“Hình ảnh bác sĩ mặc áo blu trong quảng cáo sữa, thực tế bất cứ ai cũng có thể mặc áo blu để mạo danh; bác sĩ đã về hưu… và đó là cá nhân vi phạm và có quy định xử lý vi phạm. Với vụ sữa giả, chưa bao giờ phát hiện vụ quy mô lớn như thế này liên quan sữa”, vị này cho biết.
Phân cấp hậu kiểm sữa như thế nào?
Trả lời câu hỏi, vì sao Cục An toàn thực phẩm không thực hiện hậu kiểm liên tục các sản phẩm sữa, vị này cho biết: “Theo phân cấp, vấn đề hậu kiểm là UBND các tỉnh phụ trách. Nghị định 15 đã phân cấp toàn bộ từ tiếp nhận công bố, quảng cáo, kiểm tra thanh tra, xử lý vi phạm… đã phân cấp, thẩm quyền ai người đó làm.
“Trong nhiều trường hợp, khi có dấu hiệu nghiêm trọng, hoặc nhận được phản ánh, chúng tôi cũng chuyển cho địa phương xử lý.
Hàng năm, Cục An toàn thực phẩm có các văn bản chỉ đạo Sở Y tế các địa phương, Sở An toàn thực phẩm TPHCM triển khai công tác hậu kiểm ATTP trên địa bàn.
Theo Cục An toàn thực phẩm, hình ảnh bác sĩ quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng với những lời giới thiệu quá mức đang lan tràn trên mạng, nhằm tăng sự tin cậy của người dân, ảnh hưởng xấu đến ngành y tế.
Người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh. Người tiêu dùng cũng cần cảnh giác với các clip giới thiệu từng là các bệnh nhân, dùng sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể khỏi bệnh.
Việc tin theo các nội dung quảng cáo sai sự thật khiến người bệnh không đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh kịp thời, sẽ bỏ qua giai đoạn điều trị khỏi bệnh, không những tổn thất về kinh tế mà còn tổn hại tới sức khỏe.
Trong thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã liên tục cảnh báo người dân cần lưu ý các điểm sau đây trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe:
– Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.
– Tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.
– Đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe.
– Chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ghi tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng.
Trước đó, sáng 15/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng cung cấp những thông tin liên quan vụ phát hiện 573 sản phẩm sữa giả.
Việc công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm được quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018, theo đó, đa số các thực phẩm được tự công bố. Việc trao quyền công bố sản phẩm cho các doanh nghiệp để tạo thông thoáng trong thủ tục hành chính.
Khi công bố doanh nghiệp phải “cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về ATTP và hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ công bố và chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm đã công bố”.
Quy định này nhằm gắn trách nhiệm trong tuân thủ các điều kiện đảm bảo ATTP và chịu trách nhiệm về an toàn sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh đã được quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 7 và điểm a Khoản 2 Điều 8 Luật ATTP.
Nghị định cũng phân cấp rõ về quản lý. Tại khoản 8 Điều 40 Nghị định 15/2018/NĐ-CP nêu rõ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm “Tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp Giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi”.
Khoản 1 Điều 40 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về ATTP trên phạm vi địa phương, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về ATTP tại địa phương; tổ chức xử lý vi phạm pháp luật về ATTP theo quy định; chịu trách nhiệm trước Chính phủ và trước pháp luật khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn.
Các quy định về xử phạt
Khoản 4 Điều 50 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt đối với hành vi sử dụng hình ảnh thầy thuốc để quảng cáo thuốc bao gồm:
Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi “Sử dụng chứng nhận chưa được Bộ Y tế công nhận, sử dụng lợi ích vật chất, lợi dụng danh nghĩa của tổ chức, cá nhân, các loại biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thuốc”. Ngoài ra, còn buộc tháo gỡ quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in quảng cáo vi phạm để khắc phục hậu quả.
Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
– Quảng cáo thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
– Lợi dụng hình thức thầy thuốc hướng dẫn cách phòng bệnh, chữa bệnh hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc bằng các bài viết trên báo, bằng các chương trình phát thanh, truyền hình để quảng cáo thuốc.
Quảng cáo thuốc sử dụng một trong các thông tin, hình ảnh sau: hình ảnh người bệnh; sơ đồ tác dụng của thuốc mà chưa được nghiên cứu, đánh giá; hình ảnh, tên của thầy thuốc để giới thiệu thuốc.
Source link: https://dantri.com.vn/suc-khoe/bac-si-quang-cao-sua-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-co-bi-phat-20250415223228887.htm