Tại buổi gặp mặt Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cán bộ lão thành cách mạng đã chia sẻ nhiều câu chuyện cảm xúc và ôn lại kỷ niệm những ngày tháng Tư lịch sử năm 1975. Ngoài ý kiến đóng góp, hiến kế cho sự phát triển của đất nước, những người từng trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đã gửi gắm tâm tư, tình cảm, lòng tưởng nhớ đối với những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống.
“Tôi muốn gửi gắm những lời nói từ trái tim người trong cuộc. Mới đó mà đã nửa thế kỷ đi qua, hồi ấy, chúng tôi là những thanh, thiếu niên đang độ tuổi thanh xuân, mang trong người ý chí thép, lòng yêu nước nồng nàn và quyết tâm chiến đấu chống lại quân xâm lược”, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ngọc Tươi chia sẻ.
Hai câu thơ đi vào lịch sử kháng chiến
“Giữa muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, mất mát của chiến tranh, những con người làm nên lịch sử đã xuất hiện. Một trong những con người đó là Đại tá công an, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ngọc Tươi. Bà làm chiến sĩ biệt động từ năm 13 tuổi, từng bị địch bắt, tù đày, tra tấn”, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa thông tin.
Năm 1972, khi bị kẻ địch bắt, giam tại xà lim nhà tù Trung tâm thẩm vấn Kiến Hòa, bà là người dùng máu, viết lên tường xà lim 2 câu thơ đi vào lịch sử: “Xương ta gãy để nối liền Nam Bắc – Máu ta rơi cho bộ đội trưởng thành”. Những dòng thơ ấy trở thành niềm động viên, cổ vũ lớn lao để đồng đội giữ vững khí tiết cách mạng.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ngọc Tươi (Ảnh: Hữu Khoa).
Nhìn lại chặng đường 50 năm sau Ngày thống nhất đất nước, bà Phan Thị Ngọc Tươi bày tỏ niềm vinh dự, tự hào khi được sống tại thành phố mang tên Bác, chứng kiến sự phát triển rực rỡ của một thành phố từng là nơi thủ phủ của quân đội chế độ cũ, nay trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước, năng động, sáng tạo. Người cán bộ lão thành cách mạng cho rằng, khi xung trận, bà cùng những đồng đội không ai nghĩ đến việc trở thành anh hùng, tất cả đều xuất phát từ tinh thần yêu nước, niềm tin về ngày hòa bình, thống nhất.
“Tôi còn sống sót qua mưa bom, bão đạn là điều rất may mắn. Nhưng đó cũng là sứ mệnh để tiếp tục cống hiến, chiến đấu vì tổ quốc thay cho các đồng đội đã hy sinh”, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ngọc Tươi nghẹn ngào.
Nhớ lại những năm tháng chiến tranh khốc liệt, Đại tá Phan Thị Ngọc Tươi kể về những giây phút thắt lòng khi chứng kiến người thủ trưởng của mình chiến đấu oanh liệt đến viên đạn cuối cùng và hy sinh. Bà cũng phải nén lại nỗi đau khi nhìn từng đồng đội ở độ tuổi thanh, thiếu niên ngã xuống khi chiến đấu.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước (Ảnh: Hữu Khoa).
“Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, biết bao người quyết tử vì tổ quốc quyết sinh, biết bao người âm thầm ngã xuống, chìm vào quên lãng vì mang trong mình những nhiệm vụ bí mật. Những người còn sống cũng mang đầy thương tích, di chứng của bom đạn, tù đầy. Trong những sự hy sinh ấy, có các chiến sĩ công an nhân dân đã không tiếc máu xương vì hòa bình, độc lập dân tộc”, Đại tá Phan Thị Ngọc Tươi chia sẻ.
Bà Phan Thị Ngọc Tươi kể lại, Sài Gòn trước đó vốn là thủ phủ của chế độ cũ, được thiết lập dày đặc cơ quan mật vụ, cảnh sát chìm, nổi. Sau ngày thống nhất đất nước, các cán bộ, chiến sĩ công an lao ngay vào cuộc chiến mới, không kém phần cam go là triệt tiêu tàn dư chế độ cũ, nhanh chóng ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cùng cả nước vượt qua thời điểm khó khăn trong thế bị bao vây, cấm vận.
“Thành phố dần chuyển mình âm thầm nhưng dữ dội sau 50 năm. Từ một thành phố phục vụ chiến tranh trở thành nơi cung ứng các dịch vụ cần thiết về kinh tế – văn hóa – xã hội. Trong các cuộc cách mạng, ở đâu cũng có bóng dáng lực lượng công an, góp phần cùng thắng lợi chung của đất nước, dân tộc”, vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân bày tỏ.
Từng tấc đất đều có máu xương đồng đội
Hồi tưởng về ngày 30/4/1975, ông Trần Nhật Nghĩa, cựu tù chính trị Côn Đảo (ngụ tại tỉnh Bình Thuận) kể, lúc nửa đêm, không gian khu chuồng cọp của nhà tù yên ắng lạ thường. Giữa không gian ấy, những tiếng hô bất chợt vang lên và ngày càng gấp gáp: “Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng”.
“Trong sự dồn nén ngột ngạt, anh em chúng tôi đồng thanh lặp lại tiếng hô ấy, nhảy kiễng chân nhìn qua lỗ gió. Ý chí khao khát, độc lập tự do lấn át những âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch”, ông Trần Nhật Nghĩa chia sẻ.
Ông Trần Nhật Nghĩa rơi nước mắt khi nhớ đến đồng chí, đồng đội đã ngã xuống (Ảnh: Hữu Khoa).
Đến 1h ngày 1/5/1975, các cánh xà lim tại nhà tù Côn Đảo bật tung, tất cả tù chính trị lao ra phía ngoài, ôm nhau khóc khi biết tin đại thắng. Từ ngày 4/5/1975, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam đã lên đảo hỗ trợ, những người đau yếu, phụ nữ được ưu tiên trở về đất liền, thoát khỏi nơi từng là “địa ngục trần gian”.
Ông Trần Nhật Nghĩa bồi hồi, trong suốt 18 năm (1957-1975), nhiều người con ưu tú của Bình Thuận đã bị đày ải, chịu cực hình tại nhà tù Côn Đảo. Trong đó, nhiều người đã được trả tự do, nhưng cũng nhiều người vĩnh viễn nằm lại nghĩa trang Hàng Dương. Sau ngày thống nhất đất nước, các cựu tù chính trị không ngừng phấn đấu vươn lên, học tập, rèn luyện và tiếp tục cống hiến cho đất nước, cho tổ quốc.
“Điều khắc cốt, ghi xương trong mỗi chúng tôi là bất cứ hoàn cảnh nào, chiến tranh hay hòa bình, khốc liệt cách mấy, chỉ cần dân còn tin yêu, mến phục thì mình còn. Sống, chiến đấu vì dân thì cái chết cũng trở thành bất tử”, ông Trần Nhật Nghĩa kiên định.
Là chứng nhân lịch sử tại nhà tù Côn Đảo trong những ngày tháng 4 lịch sử năm 1975, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Thị Ánh Tuyết, nhớ lại, quãng thời gian đó, kẻ thù đào hố, đặt mìn với âm mưu thủ tiêu các tù nhân chính trị. Cũng lúc này, quân và dân ta đang thực hiện Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với tinh thần quyết chiến, quyết thắng trên đất liền.
“Kẻ thù đã không kịp trở tay, nhanh chóng thất thủ. Chỉ huy và cai ngục ở nhà tù Côn Đảo hốt hoảng, vội vã bỏ chạy nên không kịp thực hiện âm mưu tàn ác đó. Trong thời khắc ấy, kẻ thù tìm mọi cách bưng bít thông tin về cuộc tổng tiến công của ta, nhưng những người tù chính trị chúng tôi vẫn cảm nhận được có gì đó khác thường nên đã hợp sức cùng nhau tự phá ngục, tự giải phóng cho chính mình”, bà Đoàn Thị Ánh Tuyết hồi tưởng.
Tôi cảm thấy lòng mình như thắt lại. Từng tấc đất ở Côn Đảo đều có máu xương đồng đội ngã xuống
Qua ngày 1/5/1975, lực lượng tù chính trị đã làm chủ hoàn toàn Côn Đảo. Đến ngày 4/5/1975, bà Đoàn Thị Ánh Tuyết cùng đồng đội được các chiến sĩ hải quân đưa về đất liền. Tuy nhiên, những ký ức chiến tranh, tội ác của kẻ địch, niềm thương tiếc đồng chí, đồng đội vẫn ám ảnh bà đến tận hôm nay.
“Bước lên tàu, tôi không ngờ trải qua bao nhiêu lần chết đi sống lại tại nơi là địa ngục trần gian mà giờ đã được tự do. Tôi không ngờ mình còn được sống, được trở về trong đoàn quân chiến thắng. Ngay trong giờ phút đó, tôi cảm thấy lòng mình như thắt lại khi nhớ về biết bao đồng chí, đồng đội, các anh chị em mãi mãi nằm lại Hàng Dương, Hàng Keo. Từng tấc đất ở Côn Đảo đều có máu xương đồng đội ngã xuống”, bà Đoàn Thị Ánh Tuyết nghẹn ngào.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/thang-4-lich-su-va-noi-nho-dong-doi-cua-cac-chien-sy-cach-mang-20250421185231337.htm