Bệnh hiếm làm tai biến dạng, bít kín: Cảnh giác nếu hay tiếp xúc nước lạnh

Bệnh hiếm làm tai biến dạng, bít kín: Cảnh giác nếu hay tiếp xúc nước lạnh


Ngày 24/4, đại diện Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM) cho biết, thời gian qua các bác sĩ nơi đây đã điều trị thành công một ca phẫu thuật phức tạp và hiếm gặp.

Bệnh nhân là chị T. (35 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp). Trước khi nhập viện một tháng, người phụ nữ xuất hiện các triệu chứng ù tai trái, nghe kém và có dịch đục chảy ra từ ống tai. Qua thăm khám tại một cơ sở y tế, bác sĩ phát hiện ống tai ngoài bên trái của chị bị chít hẹp trên 99%, do một khối bất thường.

Tại Bệnh viện TP Thủ Đức, qua thăm khám chi tiết và chụp CT xương thái dương, bệnh nhân được xác định bị lồi xương ống tai ngoài. Đây là bệnh lý hiếm gặp, đặc biệt là trên bệnh nhân nữ không có tiền sử tiếp xúc thường xuyên với nước lạnh.

Hình ảnh khối đậm độ như xương làm chít hẹp gần như toàn bộ ống tai trái của bệnh nhân (Ảnh: BV).

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lâm Thế Phương, Phó trưởng khoa Tai Mũi Họng cho biết, bệnh nhân có một khối như xương, kích thước lớn, gây chít hẹp gần như toàn bộ ống tai ngoài bên trái. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến thính lực mà còn gây nguy cơ viêm nhiễm tái diễn do ứ đọng dịch, ráy tai.

Với kích thước khối lồi xương quá lớn, ê-kíp phẫu thuật phải lựa chọn phương pháp mổ qua đường sau tai, thay vì can thiệp nội soi thông thường. Thách thức lớn nhất trong ca mổ này là việc bảo tồn tối đa da ống tai, để tránh biến chứng sẹo hẹp sau đó.

Đến nay, người bệnh đã được phẫu thuật được gần 6 tháng, vẫn được theo dõi chặt tại bệnh viện với nhiều đợt kiểm tra định kỳ.

Mặc dù quá trình liền da kéo dài hơn dự kiến, nhưng với việc sử dụng các biện pháp chăm sóc tại chỗ phù hợp, da ống tai bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn. Đặc biệt, màng nhĩ bệnh nhân được bảo tồn nguyên vẹn, chức năng nghe trở lại bình thường.

6 tháng sau phẫu thuật, bệnh nhân nghe tốt và không còn chít hẹp ống tai (Ảnh: BV).

Theo bác sĩ Phương, lồi xương ống tai ngoài thường gặp ở nam giới độ tuổi 30-40, đặc biệt là những người thường xuyên tiếp xúc với nước lạnh như vận động viên bơi lội hay lướt sóng. Tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng chỉ khoảng 0,63%, nhưng có thể lên đến 73% ở nhóm người có nguy cơ cao nêu trên.

“Người dân cần chú ý bảo vệ tai khi tiếp xúc với nước lạnh, đặc biệt là khi bơi lội hoặc các hoạt động dưới nước. Việc sử dụng nút tai cao su và mũ bơi là biện pháp dự phòng hiệu quả.

Khi có các triệu chứng bất thường ở tai như ngứa, ù tai, nghe kém kéo dài, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời”, bác sĩ Lâm Thế Phương nhấn mạnh.



Source link: https://dantri.com.vn/suc-khoe/benh-hiem-lam-tai-bien-dang-bit-kin-canh-giac-neu-hay-tiep-xuc-nuoc-lanh-20250424003314007.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *