Họa sĩ Gen Z đam mê sơn mài: “Mỗi phụ nữ tôi gặp đều như một bức tranh”

Họa sĩ Gen Z đam mê sơn mài: "Mỗi phụ nữ tôi gặp đều như một bức tranh"


Tranh của Lily, (tên thật Lại Thị Huệ, SN 1998) là nơi hình ảnh người phụ nữ Việt hiện lên đầy tương phản, dịu dàng mà mãnh liệt, cổ điển nhưng vẫn pha nét hiện đại.

Họa sĩ Lily khắc họa chân dung người phụ nữ Việt qua từng lớp sơn mài (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Hành trình bắt đầu nơi góc bàn học và sự hy sinh lặng lẽ của bố

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, họa sĩ trẻ Lily kể về hành trình từ vùng quê nhỏ Nam Định đến tình yêu bền bỉ với sơn mài truyền thống và hình ảnh người phụ nữ Việt đầy cảm xúc trong tranh của cô.

Với tư cách là một họa sĩ trẻ theo đuổi hội họa đương đại, Lily đã từng bước khẳng định mình qua những hoạt động nghệ thuật nghiêm túc. Cô đã tham gia một số triển lãm nhóm như: Duyên khởi Phẳng

Đặc biệt, tác phẩm Tình thân của Lily đã được chọn tham gia Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô nhân kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô – một dấu mốc khích lệ tinh thần để cô tiếp tục “vẽ bằng trái tim”.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không ai làm nghệ thuật, Lily từng không nghĩ có ngày mình sẽ cầm cọ, càng không ngờ sẽ gắn bó với chất liệu cổ truyền như sơn mài.

“Ở quê tôi, phần lớn con gái sau khi tốt nghiệp phổ thông sẽ làm công nhân may hoặc lấy chồng sớm. Bố mẹ tôi đều là công nhân. Từ nhỏ, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ có cơ hội theo đuổi nghệ thuật. Đó là một điều gì đó quá xa xỉ”, nữ họa sĩ chia sẻ.

Lily từng theo học ngành Thiết kế Nội thất tại Đại học Mở Hà Nội. Ban đầu, cô lựa chọn này phần vì bố mẹ định hướng theo hướng thực tế, dễ kiếm sống, phần vì chính cô cũng chưa thực sự hiểu rõ đam mê của bản thân.

Nhưng sau một thời gian đi làm, Lily nhận ra niềm yêu thích thực sự không nằm ở công việc bàn giấy mà là hội họa, đặc biệt là sơn mài, chất liệu truyền thống khắt khe nhưng đầy mê hoặc với những ai yêu sự sâu lắng.

Qua từng bức tranh sơn mài, Lily hy vọng những người trẻ, đặc biệt là phụ nữ sẽ dám sống thật với đam mê của mình (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cũng như nhiều người theo đuổi nghệ thuật, hành trình của Lily không trải đầy hoa hồng. Cô kể, mình bắt đầu vẽ từ thời cấp 2 và chỉ là những nét nguệch ngoạc lên bìa sách, góc bàn học. Phải đến năm lớp 12, Lily mới thực sự được học vẽ bài bản. Nhưng, cô lại được đi học trong một thời điểm tưởng chừng không thể.

Khi ấy, gia đình Lily rơi vào cảnh phá sản, mẹ bị biến chứng tiểu đường, nhiều người khuyên cô nên nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Nhưng bố cô, một người công nhân thầm lặng vẫn kiên quyết: “Nếu con muốn thi đại học, bố sẽ cố”. Và ông đã cố bằng tất cả những gì mình có.

“Bố đưa đón tôi đi học, ăn mì tôm sống qua tuần, đổi sản phẩm tiện lấy bộ màu vẽ tốt nhất cho tôi. Chính bố là người âm thầm xây những viên gạch đầu tiên trên con đường tôi chưa từng dám mơ”, nữ họa sĩ nghẹn ngào.

Lily cũng bộc bạch, bố là người đầu tiên tin vào cô, còn mẹ – như nhiều người mẹ khác – lại mang nỗi lo nhiều hơn là sự đồng thuận.

Nhưng rồi, bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, Lily đã chứng minh tình yêu với hội họa không phải phút bốc đồng mà là một mạch nguồn nội tại bền bỉ.

Khi được hỏi về người nghệ sĩ truyền cảm hứng lớn nhất, Lily nhắc đến Lê Phổ – danh họa nổi tiếng người Việt.

“Tôi thần tượng họa sĩ Lê Phổ không chỉ vì tài năng mà bởi cách ông đưa vẻ đẹp Á Đông ra thế giới. Tranh của ông dịu dàng nhưng không yếu đuối, nữ tính mà vẫn đầy khí chất. Tôi học được ở ông sự tiết chế, cái duyên thầm và chiều sâu lặng lẽ, đó là điều tôi luôn mong giữ gìn khi theo đuổi sơn mài”, Lily nói.

Vẽ phụ nữ bằng sự trân trọng và chiêm nghiệm

Trong tranh của Lily, hình ảnh người phụ nữ hiện lên đầy tương phản: Dịu dàng mà mãnh liệt, cổ điển nhưng vẫn hiện đại. Đó không phải là những “nàng thơ” đứng phía sau ánh hào quang của ai khác, mà chính là ánh sáng – là trung tâm của mọi cảm xúc.

“Tôi vẽ phụ nữ như một cách để lắng nghe, để thấu cảm, để lưu giữ vẻ đẹp không lời mà họ mang theo mỗi ngày. Mỗi người phụ nữ tôi gặp, từ mẹ, chị đến chính mình đều như một bức tranh, có đau đớn, có hạnh phúc, có những điều giấu kín nhưng vẫn rực rỡ theo cách riêng”, nữ họa sĩ cho biết.

Lily chọn sơn mài – chất liệu đòi hỏi sự kiên nhẫn và kỹ thuật cao – như một cách để thể hiện chiều sâu nội tâm. Với cô, sơn mài không chỉ là vật liệu, mà là triết lý sống.

“Chất liệu này giống như một cuộc đời với nhiều lớp, nhiều vết, nhiều đợi chờ. Nó không dễ gần, không hào nhoáng. Nhưng càng đi sâu, càng mài giũa thì vẻ đẹp càng lộ ra đầy chiều sâu và mê hoặc”, nữ họa sĩ cho hay.

Không chỉ đơn thuần khắc họa chân dung, mỗi bức tranh của Lily là lời cảm ơn sâu sắc đến những người phụ nữ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Hồi đầu tháng 3, Lily tham gia triển lãm Phẳng với 8 tác phẩm sơn mài, khắc họa người phụ nữ qua nhiều trạng thái cảm xúc, từ trầm lặng đến rực rỡ.

Cô cho biết, đây là “lời chào đầu tiên” gửi tới công chúng, như một tuyên ngôn rằng phụ nữ, trong bất kỳ vai trò nào, đều xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật sống động.

Nữ họa sĩ cũng bật mí, hiện tại, cô đang chuẩn bị cho triển lãm giao lưu Việt – Hàn dự kiến diễn ra vào tháng 11 năm nay.

Đồng thời, cô đang lên kế hoạch cho triển lãm cá nhân đầu tiên, một hành trình mang màu ký ức, tái hiện tuổi thơ, những người phụ nữ đã đi qua đời cô và hành trình tự chữa lành bằng nghệ thuật.

Khi được hỏi về lời nhắn gửi tới những bạn trẻ, đặc biệt là phụ nữ đang theo đuổi nghệ thuật truyền thống như sơn mài, Lily nhẹ nhàng chia sẻ: “Nghệ thuật không hào nhoáng, không mang đến thành công nhanh, nhưng chứa đựng chiều sâu và sức sống bền bỉ. Hãy bắt đầu nếu trái tim bạn thực sự rung động. Dù chậm, dù khó, tình yêu và sự bền bỉ sẽ dẫn bạn đến đích”.



Source link: https://dantri.com.vn/giai-tri/hoa-si-gen-z-dam-me-son-mai-moi-phu-nu-toi-gap-deu-nhu-mot-buc-tranh-20250425092938435.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *