PGS Đỗ Quang Hùng: Hành trình 38 năm vá những tổn thương

PGS Đỗ Quang Hùng: Hành trình 38 năm vá những tổn thương


Là Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), PGS.TS Đỗ Quang Hùng hiện là một trong những bác sĩ uy tín với hàng loạt nghiên cứu lớn nhỏ trong lĩnh vực tạo hình thẩm mỹ.

Ít ai biết rằng, trước khi cầm dao mổ trở thành bác sĩ, ông là nhân chứng trong những ngày tháng lịch sử tại TPHCM ngày 30/4/1975, và cũng là người lính cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Trong 38 năm gắn bó với ngành y, bác sĩ Đỗ Quang Hùng có nhiều nghiên cứu nhận về hàng loạt giải thưởng lớn nhỏ (Ảnh: NVCC).

Từ con trai cảnh sát chế độ cũ đến người lính cầm súng ra trận

Sinh ra, lớn lên và gắn bó với TPHCM trong 65 năm qua, PGS Đỗ Quang Hùng đã nhiều lần chứng kiến những thay đổi của mảnh đất này. Từng con đường, góc phố, từng biến động lịch sử lớn nhỏ… vẫn còn in sâu trong ký ức của ông.

Tuổi thơ của vị bác sĩ không mấy êm đềm. Cha làm việc cho chế độ cũ (sau này đã đi học cải tạo), bỏ đi khi ông mới là chiếc phôi thai bé tí nằm trong bụng mẹ. Lớn lên vắng bóng người cha, mỗi ngày, cậu bé Đỗ Quang Hùng ngoan ngoãn học hành, rồi theo mẹ ra chợ phụ buôn bán.

Thời gian ấy, đất nước vẫn chưa thống nhất. Sống giữa TPHCM thời chiến, cậu học trò Đỗ Quang Hùng không ít lần chứng kiến những người xung quanh ra trận. Những người ấy không trở về, hoặc trở về với những vết sẹo trên cơ thể lẫn trong tâm hồn.

Cũng rất nhiều lần, cậu thiếu niên ấy được nghe mẹ kể về những trận càn khủng khiếp của quân đội miền Nam ở quê ngoại Quảng Ngãi. Sau này, khi người cậu ruột – một tù chính trị từng bị giam giữ và tra tấn tại Côn Đảo – được trao trả tự do sau Hiệp định Paris năm 1973 về sống cùng gia đình, những câu chuyện về những năm tháng tù đày khốc liệt càng khiến ông thêm thấm thía nỗi đau của chiến tranh.

“Càng nghe, càng chứng kiến, tôi càng sợ và ghét chiến tranh, lại hoang mang về tương lai và thời cuộc. Khi ấy, tôi chỉ là cậu học trò chỉ biết học, cũng chỉ biết mong mỏi một ngày đất nước hòa bình”, ông nói.

Những ngày cuối tháng 4/1975, tin chiến thắng từ các mặt trận liên tục báo về. Ngày 29/4, Đỗ Quang Hùng đã làm cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam để chuẩn bị cho ngày đặc biệt sắp tới.

Ngày 30/4/1975, sau khi nghe tin Quân Giải phóng đã cắm cờ lên Dinh Thống Nhất, hai cậu cháu xuống đường, hòa vào dòng người chứng kiến khoảnh khắc lịch sử. Giữa tiếng loa phóng thanh, xe cộ hỗn loạn, cậu bé 15 tuổi giờ đây không còn sợ hãi, không còn hoang mang, hào hứng ra đường vẫy cờ đón quân Giải phóng.

“Khi ấy, tôi vui vì biết mình sẽ được sống trong hòa bình. Nhiều năm chứng kiến và lắng nghe những câu chuyện đau thương do chiến tranh gây ra cho cả hai chiến tuyến, tâm hồn tôi bị bào mòn không ít. Với tôi, hòa bình thật kỳ diệu”, vị bác sĩ nhớ lại.

Chính sự kiện 30/4 ấy cũng đã tạo bước ngoặt trong cuộc đời của người thanh niên Đỗ Quang Hùng. Những năm sau đó, từ một cậu bé ù lì, Hùng sớm trở thành Đoàn viên, năng nổ làm công tác đoàn, rồi xung phong cầm súng ra chiến trường biên giới Tây Nam khi chưa tròn 18 tuổi.

Những giếng nước bốc mùi tử khí và ký ức về người đồng đội đã mất

Nhớ về những ngày tháng ở chiến trường Campuchia, điều vị bác sĩ ám ảnh nhất không phải là chiến tranh, bom đạn mà là cuộc sống khốn khổ của người dân nước láng giềng sau giải phóng.

Một trong những hình ảnh ám ảnh nhất với chàng trai trẻ ngày đó là những chiếc giếng nước. Từng là nguồn sống của rất nhiều người dân, giờ đây, giếng nước lại là những nấm mồ tập thể lạnh lẽo, khiến nhiều người không khỏi ghê sợ.

“Những ngày đầu, khi tiến vào các làng mạc, chúng tôi tìm nước uống. Nhưng khi cúi nhìn xuống những chiếc giếng, tôi chết lặng. Dưới đáy giếng, thay vì dòng nước trong veo, lại là những sọ người trắng xám, lẫn lộn trong bùn đất”, ông kể.

Thậm chí, một số giếng còn có cả xác người đang phân hủy, vứt chồng chất lên nhau. Mùi tử khí nồng nặc bốc lên, ám vào không khí, ám cả vào tâm trí vị bác sĩ đến nay.

Bác sĩ Đỗ Quang Hùng xung phong cầm súng tham gia Chiến tranh biên giới Tây Nam khi chưa tròn 18 tuổi (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tại Campuchia, bác sĩ Hùng cũng không thể quên cảm xúc tê tái khi chứng kiến sự hy sinh của người chỉ huy gắn bó cùng mình trong những ngày đầu chiến đấu.

Trong một lần hành quân, trung đội của ông bị tập kích, người chỉ huy trúng đạn, ngã gục trong vòng tay của vị bác sĩ.

“Tên anh ấy là Bùi Thiện Đoán. Sau khi bị thương nặng, anh được chuyển về bệnh viện dã chiến. Mãi sau này, tôi mới biết anh đã hy sinh”, bác sĩ Hùng nhớ lại.

Đến tận hôm nay, ông Hùng vẫn chưa tìm được gia đình của người chỉ huy cũ để gửi lời tri ân. Đó là điều vị bác sĩ vẫn đau đáu trong lòng suốt nhiều năm qua. Mỗi lần nhớ lại, ký ức ấy như vết sẹo nhức nhối, nhắc nhở ông về sự khốc liệt của chiến tranh và giá trị không thể đong đếm của hòa bình.

Trước khi bước vào giảng đường trường y, PGS.TS Đỗ Quang Hùng từng là một người lính tăng thiết giáp (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Bác sĩ với cái tâm người lính Cụ Hồ

Sau khi giải ngũ, năm 1982, cậu thanh niên Đỗ Quang Hùng về lại TPHCM, bắt đầu con đường học vấn và nghiên cứu tại Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy.

“Làm nghề y, tôi quan niệm phải phục vụ người bệnh tận tình như người lính phục vụ nhân dân”, ông chia sẻ.

Trong suốt 38 năm miệt mài làm việc, ông dần trở thành một trong những bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực tạo hình thẩm mỹ và điều trị các vết thương phức tạp. Những thành tựu của ông nhiều lần được ghi nhận bằng các giải thưởng cao quý.

Công trình của PGS.TS Đỗ Quang Hùng và ThS.BS Lê Hoàng Vĩnh, khoa Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy, đạt giải Nhì (không có giải nhất), Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Một trong số đó là công trình Tạo hình thẩm mỹ mũi bằng sụn sườn tự thân hoàn toàn. Theo PGS Hùng, để thực hiện kỹ thuật này, điều khó nhất bác sĩ cần làm là tạo hình mũi từ sụn được dập mềm và cắt mịn.

Có tính bền vững cao, tiết kiệm thời gian hồi phục, từ đó giảm thiểu nguy cơ biến chứng lâu dài, gánh nặng tâm lý cho bệnh nhân, phương pháp này phù hợp với gần như mọi đối tượng, đặc biệt là các trường hợp biến chứng do thẩm mỹ nhiều lần.

Nhờ những ưu điểm vượt trội này, công trình đã đạt giải Nhì (không có giải Nhất), Giải thưởng Nhân tài Đất Việt dành cho lĩnh vực Y dược năm 2023. Nhưng với PGS.TS Đỗ Quang Hùng, sự ghi nhận lớn nhất lại đến từ sự hồi phục, nụ cười và niềm tin mà bệnh nhân dành cho mình.

Từ chiến trường đến bệnh viện, từ ngày hòa bình đến hôm nay, PGS.TS Đỗ Quang Hùng vẫn miệt mài chiến đấu, không phải với súng đạn, mà với những ca bệnh thầm lặng. Và hành trình ấy sẽ còn tiếp tục, bởi trong trái tim người bác sĩ ấy, lý tưởng phục vụ nhân dân chưa bao giờ tắt.



Source link: https://dantri.com.vn/suc-khoe/pgsts-do-quang-hung-va-ky-uc-ve-ngay-304-lich-su-20250428113210793.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *