Tiết lộ thú vị về ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” của Phạm Tuyên

Tiết lộ thú vị về ca khúc "Như có Bác trong ngày đại thắng" của Phạm Tuyên


“Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng.

Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng.

Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông, ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công”…

Ngày 30/4/1975, sau bản tin chiến thắng, giai điệu ấy đã cất lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, như tiếng reo vui vỡ òa của cả dân tộc trong ngày Bắc – Nam sum họp một nhà, đất nước trọn vẹn non sông.

Bài hát lập tức lan tỏa, khắc sâu vào tâm trí hàng triệu người Việt Nam. Từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến vùng cao, đâu đâu cũng vang lên tiếng hát “Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông…”. Bài hát như một bản tuyên ngôn của niềm tin, lòng biết ơn và niềm hạnh phúc thiêng liêng khi đất nước giành được độc lập, tự do.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, và hôm nay, lời ca đó lại ngân vang khắp nẻo đường Tổ quốc. Trong không khí hào hùng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hà Nội cũng khoác lên mình tấm áo mới, rực rỡ cờ hoa.

Và giữa dòng người hối hả nơi phố phường tháng Tư lịch sử, chúng tôi tìm đến một góc nhỏ yên bình ở Hà Nội – căn nhà tập thể trên phố Vạn Bảo của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Đón chúng tôi là nhà báo Phạm Hồng Tuyến – con gái nhạc sĩ – người âm thầm lưu giữ những mảnh ghép quý giá trong cuộc đời âm nhạc của bố mình.

Ở tuổi 95, nhạc sĩ Phạm Tuyên không còn đủ sức để tự kể lại những chặng đường ông đã đi qua. Song qua chia sẻ của chị Phạm Hồng Tuyến, từng khoảnh khắc – từ những ngày khói lửa đến giây phút nghẹn ngào sáng tác Như có Bác trong ngày đại thắng – vẫn hiện lên sống động, tràn đầy xúc cảm.

Ánh sáng xuyên qua khung cửa sổ rọi lên mặt bàn gỗ cũ, lên cả những tập bản thảo đã ngả màu thời gian nhưng vẫn được gìn giữ một cách cẩn trọng – như chính ký ức về một thời không thể nào quên. 

Nhạc sĩ Phạm Tuyên và con gái – nhà báo Phạm Hồng Tuyến – trong buổi trò chuyện với phóng viên Dân trí tại nhà riêng của nhạc sĩ.

“Như có Bác trong ngày đại thắng” và những giờ phút lịch sử

“Suốt tháng qua, nhà tôi lúc nào cũng rộn ràng, đông vui lắm. Nhiều cá nhân, tổ chức, cả các em nhỏ đều đến tri ân, thăm hỏi ông. Dù sức khỏe đã yếu, bố tôi vẫn cố gắng gặp từng người, mỉm cười khi nghe họ bày tỏ tình cảm với bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, chị Phạm Hồng Tuyến chia sẻ.

Chị kể, lúc còn khỏe, nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn hay nhắc lại câu đùa của bà Nghiêm Thúy Băng – vợ nhạc sĩ Văn Cao – dành cho ông: “Bài của nhà tôi (Tiến quân ca – PV) với bài của anh Tuyên là được hát nhiều nhất đấy. Bài nhà tôi, tất cả phải đứng lên. Còn bài của anh thì tất cả… xách túi ra về”.

Ca khúc có tên chính thức là Như có Bác trong ngày đại thắng, nhưng từ lâu, nhiều người vẫn quen miệng gọi bằng câu hát đầu tiên Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Nhà báo Phạm Hồng Tuyến vui vẻ nói: “Bố tôi chưa bao giờ phật lòng vì điều đó. Ông luôn trân trọng tình cảm của công chúng dành cho bài hát – dù họ nhớ bằng tên gì – miễn là còn ngân vang trong lòng mỗi người”. 

Các cháu thiếu nhi hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” (Video: Gia đình cung cấp).

Chị Tuyến cho biết, đầu tháng 4/1975, khi đang công tác tại Ban Văn nghệ – Đài Tiếng nói Việt Nam, trước những trận thắng lớn, nhạc sĩ Phạm Tuyên được nhà báo Trần Lâm – Tổng Biên tập Đài khi đó – giao nhiệm vụ cùng các đồng nghiệp chuẩn bị những tác phẩm âm nhạc lớn để đón ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

“Mọi người đều nghĩ đến những tác phẩm quy mô, những bản hợp xướng hoành tráng. Song bố tôi kể, ông đã chọn một con đường rất khác, rất riêng”, chị Tuyến chia sẻ.

Theo chị Tuyến, đến thời điểm 21h30 ngày 28/4/1975, khi nghe bản tin thời sự trên đài loan báo phi công Nguyễn Thành Trung đã ném bom tập kích vào sân bay Tân Sơn Nhất thành công, một niềm xúc động dâng trào trong lòng ông. Chính thời điểm đó đã khơi dậy trong nhạc sĩ Phạm Tuyên một linh cảm rất rõ ràng: Ngày toàn thắng đang đến rất gần.

“Mẹ tôi là người chứng kiến khoảnh khắc đêm hôm ấy của ông. Bà cũng đã ghi trong chính hồi ký của mình như thế này: “Đêm hôm ấy, tôi thấy anh bồi hồi khác thường, trên tay cầm mẩu giấy và chiếc bút chì ra đứng đầu cầu thang, nơi đó có một bóng đèn chiếu sáng, ngoài trời lâm thâm mưa.

Anh cứ đứng đó ghi xong cả giai điệu và lời ca của bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng để không phá giấc ngủ của vợ con (vì nhà rất chật)”, con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên tiết lộ.

Trong dòng chảy cảm xúc, chị Tuyến cho hay, nhạc sĩ đã kể cho chị và mọi người nghe về khoảnh khắc lịch sử đó. Nghĩ đến chiến thắng đã cận kề gang tấc, lòng ông trào dâng niềm vui. Và trong sự hân hoan đó, ông chợt nhớ đến lời trong bài thơ chúc Tết của Bác Hồ: “Bắc, Nam sum họp Xuân nào vui hơn” và nghĩ, nếu còn sống, chắc hẳn Bác Hồ cũng sẽ rất vui.

Ngay trong đêm, không một bản phác thảo dàn dựng công phu nào, ông đã viết nên một bài hát giản dị, xúc động.

Chị Phạm Hồng Tuyến kể: “Bố tôi nói rằng, với những tình cảm dồn nén, từ lúc 21h30 đến 23h30 ngày 28/4/1975, ông đã viết xong bài hát Như có Bác trong ngày vui đại thắng mà không phải sửa một chữ nào”.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên và bản chép tay ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng”.

Để nhấn mạnh chiều sâu của khoảnh khắc ấy, chị lặp lại lời nhạc sĩ từng tâm sự: “Bài này được sinh ra từ khoảnh khắc đó cộng với cả cuộc đời tôi cộng lại, mới có thể viết nhanh như thế”.

Khoảnh khắc thu thanh bài hát cũng đặc biệt như một phép màu. Ngày 30/4/1975, khi bản tin chiến thắng vang lên hào sảng trên làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng Biên tập Trần Lâm sốt sắng hỏi nhạc sĩ: “Anh có tác phẩm gì chưa? Có kịp không? Tôi đưa lên Đài?”.

Khi ấy, theo lời chị Tuyến thuật lại từ câu chuyện của bố mình, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã lập tức hát ngay bản thảo Như có Bác trong ngày đại thắng cho ông Lâm nghe. Và không chút chần chừ, quyết định thu thanh được đưa ra tức thì. Không chỉnh sửa, không biên tập cầu kỳ, tất cả lao vào ghi âm để kịp phát sóng trong bản tin thời sự đặc biệt 17h cùng ngày của Đài tiếng nói Việt Nam.

“Bố tôi kể rằng, chưa có một bài hát nào được dàn dựng, thu thanh và phát với một tốc độ nhanh như vậy. Cũng chưa từng có buổi thu thanh nào cảm xúc đến thế. Ai cũng khóc. Các cô chú nghệ sĩ hát vừa hát vừa khóc, nhạc công chơi đàn mà nước mắt rơi. Cả phòng thu hôm ấy chìm trong niềm hạnh phúc vỡ òa”, chị Tuyến chia sẻ.

Từ 17h30 đến nửa đêm ngày 30/4/1975, ca khúc được phát liên tục cùng bản tin chiến thắng. Chỉ vỏn vẹn chưa đầy 10 câu, với giai điệu và ca từ giản dị, dễ nhớ, Như có Bác trong ngày đại thắng nhanh chóng lan tỏa.

Ngay sáng hôm sau, từ trẻ nhỏ đến người lớn, ai ai cũng có thể ngân nga theo. Ở khu vực Bờ Hồ (Hà Nội), đoàn quân nhạc chơi khúc ca ấy gần như không ngừng nghỉ, giữa không khí tưng bừng của một ngày hội lớn chưa từng có.

Dù tuổi cao sức cũng đã yếu, không thể trò chuyện nhưng nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn còn minh mẫn, chăm chú lắng nghe.

Chị Tuyến chia sẻ thêm rằng, năm 1985 – tròn 10 năm sau ngày ca khúc ra đời – Như có Bác trong ngày đại thắng được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Với câu ghi trên Huân chương: Tặng thưởng nhạc sĩ Phạm Tuyên – đã có thành tích xuất sắc trong việc sáng tác bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng góp phần cổ vũ kịp thời cho ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Có một chuyện khác thật cảm động mà chị Tuyến được nghe mẹ chị kể lại rằng, sau ngày giải phóng miền Nam khoảng 10 năm, nhạc sĩ Phạm Tuyên về thăm Tây Ninh, nơi có chiến khu D nổi tiếng.

Trong một cuộc gặp mặt với các đồng chí và bà con địa phương thì bỗng nhiên có một em bé gái khoảng 10 tuổi đến khoanh tay trước mặt ông mà nói: “Con cảm ơn bác vì bác đã đặt tên cho con”. Nhạc sĩ Phạm Tuyên lúc đó rất ngạc nhiên, lần lại quá khứ thì rõ ràng chưa từng có sự việc ấy. Nhưng đó là câu chuyện có thực 100%.

Chuyện kể lại là, sau ngày miền Nam giải phóng, đồng chí Bảy Nứ (tức là Trần Văn Nứ) được điều động về Nam công tác (đồng chí ấy là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc từ năm 1954) đúng vào thời kỳ vợ chuẩn bị sinh con.

Khi chia tay chị ấy gặng hỏi chồng: “Nếu sinh con thì đặt tên gì?”. Bảy Nứ suy nghĩ một hồi rồi nói với vợ: “Nếu là con trai thì đặt tên là Đại Thắng, nhưng nếu là con gái thì em cứ hát bài Như có Bác trong ngày đại thắng, lần theo lời bài hát ấy nếu gặp chữ gì hay phù hợp với con gái thì đặt tên con bằng chữ ấy”.

Và chị đã sinh con gái, theo lời chồng chị đã làm như vậy, chị nhẩm lời hát bài Như có Bác trong ngày đại thắng, đến câu: “Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng”.

Như bắt được vàng, chị lấy ngay chữ Huy Hoàng đặt tên cho con. Thế là cháu bé có tên là Huy Hoàng. Cháu Huy Hoàng là cô bé thông minh, hồi học lớp 5 đã đạt giải 3 cuộc thi Văn toàn quốc. Sau này, Huy Hoàng tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM.

Không chỉ vang lên trong các lễ hội, bài hát còn sống động trong những khoảnh khắc đời thường. Mới đây, chị Tuyến nhận được video từ một người bạn ghi lại tại ga metro TPHCM trong những ngày thành phố hợp luyện diễu binh. Trong lúc chờ tàu, không ai bảo ai, hàng trăm hành khách bỗng đồng thanh hát vang Như có Bác trong ngày đại thắng.

“Không có đạo diễn, không ai chỉ đạo. Chỉ đơn giản là cảm xúc bùng lên, tự nhiên và chân thành”, chị Tuyến xúc động kể.

Chị Phạm Hồng Tuyến chia sẻ những câu chuyện thú vị xoay quanh ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” của bố mình.

“Người chép sử” bằng âm nhạc

Trong khi âm vang của bản hùng ca Như có Bác trong ngày đại thắng vẫn còn ngân lên khắp phố phường mừng ngày thống nhất, chị Phạm Hồng Tuyến lặng lẽ dẫn chúng tôi đến bên một chiếc tủ sách cũ kỹ – nơi lưu giữ hàng trăm bản thảo âm nhạc mà nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết suốt cả cuộc đời mình.

Sinh năm 1930 tại Hà Nội, nhạc sĩ Phạm Tuyên lớn lên trong một không gian đậm đặc văn hóa, lịch sử và âm nhạc. Cha ông – học giả Phạm Quỳnh – là một trong những trí thức uyên bác và có ảnh hưởng sâu rộng của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Từ thuở nhỏ, Phạm Tuyên đã được nuôi dưỡng trong tình yêu với tiếng Việt, với truyền thống dân tộc và lòng tự hào về quê hương xứ sở.

Thế nhưng, cũng từ rất sớm, ông đã phải đối mặt với mất mát lớn lao. Năm 1945, trong biến động dữ dội của lịch sử, ông vĩnh viễn mất cha khi mới vừa tròn 15 tuổi.

Biến cố ấy không chỉ là nỗi đau riêng tư, mà còn trở thành chất liệu hun đúc nên tinh thần tự lập, sự kiên cường và ý thức sâu sắc về trách nhiệm với đất nước – điều sau này in đậm trong từng giai điệu, từng ca từ mà ông viết ra.

“Bố tôi, từ rất sớm, đã không coi âm nhạc là phương tiện để làm đẹp cho riêng mình. Với bố, âm nhạc là cách để ghi lại từng nhịp đập của dân tộc, từng cảm xúc chung của nhân dân”, chị Tuyến chia sẻ.

Một góc nhỏ ở phòng khách trong căn nhà bình dị của nhạc sĩ Phạm Tuyên, lưu giữ nhiều tài liệu, hình ảnh gắn với cuộc đời sáng tác của ông. 

Suốt hành trình hơn nửa thế kỷ sáng tác, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã để lại kho tàng hơn 700 ca khúc. Nhưng giá trị lớn nhất trong di sản ấy không nằm ở số lượng, mà ở cách mỗi bài hát của ông gắn bó mật thiết với từng giai đoạn thăng trầm của lịch sử đất nước.

Ông không chạy theo những bản tình ca cá nhân, cũng không tìm kiếm ánh hào quang cho riêng mình. Từ Chiến đấu vì độc lập tự do, Gửi nắng cho em cho đến Như có Bác trong ngày đại thắng, mỗi ca khúc đều như những mốc son ghi lại những bước ngoặt dân tộc .

Điều kỳ diệu ở nhạc sĩ Phạm Tuyên là, dù viết về những đề tài lớn lao, âm nhạc của ông không hề khô cứng. Trái lại, trong từng ca từ, từng giai điệu đều thấp thoáng hơi thở dung dị, gần gũi của con người Việt Nam.

Không chỉ có những bản anh hùng ca, nhạc sĩ Phạm Tuyên còn là người thắp sáng tuổi thơ Việt Nam qua những bài hát như: Chiếc đèn ông sao, Cánh én tuổi thơ, Tập tầm vông… Những ca khúc ấy đã trở thành ký ức không thể phai mờ trong lòng bao thế hệ .

Chị Phạm Hồng Tuyến nói: “Chúng tôi biên soạn tuyển tập 100 bài hát của bố và nhận ra, chủ đề của ông phong phú đến ngỡ ngàng. Cách mạng có, quê hương có, tuổi thơ, tình yêu, gia đình… Tất cả đều hiện diện đầy đủ trong kho tàng ấy”.

Với nhạc sĩ Phạm Tuyên, không hề có ranh giới giữa “nhạc lớn” và “nhạc nhỏ”. Đối với ông, một ca khúc chỉ thực sự có giá trị khi nó chạm được vào trái tim công chúng – dù đó là một hành khúc hùng tráng hay một khúc hát đồng dao ngọt ngào.

“Phạm Tuyên chép sử bằng âm nhạc” – lời nhận xét ấy không phải mỹ từ, mà là thực tế sống động được chứng minh qua từng tác phẩm ông để lại. Từ những năm tháng máu lửa, đến những mùa xuân hòa bình, âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã trở thành ký ức tập thể của dân tộc.

Con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên – chị Phạm Hồng Tuyến – đang trên con đường gìn giữ, phát huy di sản âm nhạc của bố mình.

Hành trình gìn giữ di sản

Ngồi bên chiếc bàn ngập những tập bản thảo cũ của bố mình, chị Phạm Hồng Tuyến lặng lẽ kể cho chúng tôi nghe về một hành trình dài – hành trình gìn giữ và tiếp nối di sản của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Dù tuổi đã cao và sức khỏe đã yếu đi nhiều, nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn âm thầm dõi theo đời sống âm nhạc, vẫn cảm nhận được tình yêu thương của công chúng qua ánh mắt, nụ cười.

“Bố tôi bây giờ không còn nói được nhiều nữa. Nhưng mỗi lần có người nhắc đến những bài hát của ông, ánh mắt của bố lại sáng lên. Ông rất vui, rất hạnh phúc, dù không còn diễn đạt được bằng lời. Chỉ cần nhìn ánh mắt và nụ cười ấy, chúng tôi đủ hiểu bố vẫn cảm nhận trọn vẹn sự yêu thương của mọi người”, chị Tuyến kể.

Trong mắt những người yêu nhạc, nhạc sĩ Phạm Tuyên là một tượng đài. Nhưng với gia đình, ông vẫn luôn là người cha giản dị, khiêm nhường, không bao giờ đặt nặng danh vị hay hào quang cá nhân.

Chị Tuyến nhắc lại một cách trân trọng: “Ông luôn tự hào vì đã nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012 – phần thưởng cao quý – dành cho những tác giả có đóng góp lớn lao cho nền văn hóa nước nhà”.

“Âm nhạc của bố tôi không phải để phô diễn, mà để đồng hành cùng nhân dân, cùng lịch sử”.

Nhà báo Phạm Hồng Tuyến

Tuy vậy, với nhạc sĩ Phạm Tuyên, điều quan trọng nhất không nằm ở những tấm bằng khen, mà ở việc những bài hát của ông đã trở thành một phần ký ức chung của bao thế hệ người Việt Nam. “Âm nhạc của bố tôi không phải để phô diễn, mà để đồng hành cùng nhân dân, cùng lịch sử”, chị Tuyến xúc động nói.

Hiểu rõ giá trị di sản ấy, gia đình đã dành nhiều tâm huyết lưu giữ từng trang bản thảo, từng nét bút nắn nót của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Không chỉ cẩn thận bảo quản, chị Phạm Hồng Tuyến còn cùng các cộng sự phục dựng, hệ thống hóa toàn bộ sáng tác của ông, lập thư mục chi tiết theo vần ABC và theo từng giai đoạn sáng tác .

Chị chia sẻ: “Chúng tôi nghĩ rằng, di sản không chỉ để cất giữ trong ngăn tủ. Chúng tôi muốn đưa âm nhạc của bố tôi đến gần hơn với thế hệ trẻ. Vì thế, bên cạnh sách, chúng tôi làm thêm audio, video, tích hợp mã QR để các bạn nhỏ có thể dễ dàng nghe, xem, cảm nhận bằng điện thoại thông minh”.

Ở tuổi xế chiều, dù không còn có thể tự mình đi lại hay trò chuyện, trong ánh mắt của ông vẫn lấp lánh niềm vui mỗi khi nghe tiếng hát thân quen…

Không dừng lại ở việc biên soạn sách nhạc, chị còn triển khai các dự án đồng dao cho trẻ em, những tập sách kể chuyện gắn với âm nhạc, kết nối với các chương trình dạy tiếng Việt cho trẻ em gốc Việt ở nước ngoài .

Những bài đồng dao ấy, giản dị mà thấm đẫm tinh thần Việt, đang góp phần nuôi dưỡng tâm hồn Việt trong những đứa trẻ xa quê.

Bản thân nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng từng rất lo lắng cho việc lưu giữ những bản thảo quý. Có lần, khi chị Tuyến mang đi phục chế các tập bản thảo đã mục nát theo thời gian, ông đã hốt hoảng tìm kiếm khắp nhà vì sợ mất. Đối với ông, mỗi tờ giấy, mỗi dòng nhạc ấy đều là một phần máu thịt, không thể đánh mất .

Ở tuổi 95, dù không còn có thể tự mình đi lại hay trò chuyện như trước, trong ánh mắt lấp lánh niềm vui mỗi khi nghe tiếng hát thân quen, nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn đang lặng lẽ tiếp tục hành trình đồng hành cùng đất nước – bằng cách của riêng ông.

Ảnh: Nguyễn Hà Nam



Source link: https://dantri.com.vn/giai-tri/tiet-lo-thu-vi-ve-ca-khuc-nhu-co-bac-trong-ngay-dai-thang-cua-pham-tuyen-20250430035247287.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *