Từ “chảo lửa” bên sông Hàn đến khu đất hoang tàn
“Chảo lửa” Chi Lăng là ký ức khó quên của người hâm mộ đội bóng chủ nhà Quảng Nam – Đà Nẵng thời đỉnh cao đầu thập niên 1990. Khu đất “vàng” rộng hơn 55.000m2 nằm giữa trung tâm quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, bao quanh là 4 tuyến đường Lê Duẩn – Chi Lăng – Hùng Vương – Ngô Gia Tự.
Năm 2010, sân vận động này được Đà Nẵng bán cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (lúc đó do ông Phạm Công Danh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị) để xây dựng khu phức hợp thương mại và dịch vụ cao tầng.
Hiện trạng sân vận động Chi Lăng (Ảnh: Hoài Sơn).
Sau khi giao đất, sân vận động được chia thành 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thế chấp để vay vốn ngân hàng.
Tháng 7/2014, sau khi ông Phạm Công Danh bị khởi tố, nhiều tài sản là bất động sản được yêu cầu kê biên, đảm bảo thi hành án, trong đó có sân vận động Chi Lăng.
Cục Thi hành án dân sự TPHCM đã ủy thác cho Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng thi hành bản án hình sự, xử lý tài sản thế chấp là các lô đất thuộc khu vực sân vận động Chi Lăng.
Từ năm 2018, sau khi bản án có hiệu lực, Đà Nẵng đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nêu rõ nguyện vọng xin phép giữ lại sân vận động Chi Lăng và hoàn số tiền Tập đoàn Thiên Thanh đã nộp vào ngân sách là 1.251 tỷ đồng.
Thời điểm đó, ngân hàng xác định số tiền mà Tập đoàn Thiên Thanh và ông Phạm Công Danh phải trả là 8.408 tỷ đồng. Trong đó, tiền đất là hơn 4.000 tỷ đồng và 4.408 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Vì vậy, thành phố Đà Nẵng và phía ngân hàng không đạt được thỏa thuận.
Trong lúc chờ thi hành án, sân vận động từng là niềm tự hào của đội bóng sông Hàn đã rơi vào cảnh hoang tàn, nhếch nhác, các hạng mục xuống cấp. Tại khu vực khán đài, hệ thống khung sắt mái che gỉ sét, các dãy ghế bị rêu phong bao phủ.
Hiện nay, ghi nhận cho thấy sân vận động Chi Lăng rơi vào tình cảnh hoang tàn, nhếch nhác (Ảnh: Hoài Sơn).
“Tôi còn nhớ rất rõ, trước đây, mỗi cuối tuần, sân Chi Lăng rất sôi động với những trận bóng. Nhưng bây giờ, nhìn sân vận động xuống cấp như thế này, chúng tôi cảm thấy xót xa”, ông Trần Văn Nam, trú tại quận Hải Châu, chia sẻ.
Tại buổi tiếp xúc cử tri cuối năm 2024, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết, thành phố đã trình Quốc hội tháo gỡ khó khăn của sân vận động Chi Lăng.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, thành phố có trách nhiệm điều chỉnh khu sân vận động Chi Lăng từ đất thể thao thành đất thương mại dịch vụ, đúng như tài sản khi thế chấp ngân hàng.
Định hướng của Bộ Chính trị và Chính phủ cho phép thành phố Đà Nẵng thi hành án đấu giá toàn bộ khu vực sân Chi Lăng, không chia nhỏ các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp. Sau khi đấu giá sẽ phân chia tỷ lệ theo giá trị tài sản đảm bảo tại ngân hàng.
Chờ ngày xóa đi “vết sẹo” giữa lòng thành phố
Ngày 30/11/2024, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết số 170 về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TPHCM, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.
Trong loạt dự án được “gỡ vướng” tại thành phố Đà Nẵng, có vấn đề liên quan đến Dự án Khu phức hợp thương mại và dịch vụ sân vận động Chi Lăng.
Như vậy, sau 15 năm, thành phố Đà Nẵng có cơ hội sửa sai cho dự án này. Nhưng cái giá phải trả không chỉ là tiền bạc, mà còn là ký ức, lòng tin của người dân vào sự phát triển có trách nhiệm.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Đà Nẵng, phương án tháo gỡ là tổ chức bán đấu giá nguyên khối khu phức hợp này. Người trúng đấu giá sẽ phải nộp tiền sử dụng đất còn thiếu, do trước đó, UBND thành phố Đà Nẵng đã thu nộp thấp hơn giá đất tại thời điểm giao đất.
Về thủ tục điều chỉnh thời hạn sử dụng đất từ đất ở về thời hạn 50 năm, Cục Thi hành án dân sự thành phố và các ngân hàng sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường để thực hiện điều chỉnh.
Cùng với đó, UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch phân khu và xác định chỉ tiêu quy hoạch.
Đến nay tất cả hồ sơ giải phóng mặt bằng xung quanh sân vận động Chi Lăng đã được giải quyết xong (Ảnh: Hoài Sơn).
Thời gian qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo ngành chức năng nhanh chóng hoàn thành các thủ tục và sớm đấu giá khu đất 4 mặt tiền đã bị bỏ hoang 15 năm qua.
Theo UBND quận Hải Châu, UBND thành phố Đà Nẵng đã giao Hội đồng Giải phóng mặt bằng quận Hải Châu hoàn thành giải phóng mặt bằng khu đất sân vận động Chi Lăng trước ngày 30/4. Đến nay tất cả hồ sơ giải phóng mặt bằng đã được giải quyết xong.
Theo kế hoạch của UBND thành phố Đà Nẵng, Sở Xây dựng hoàn thành tham mưu điều chỉnh quy hoạch Dự án Khu phức hợp thương mại và dịch vụ sân vận động Chi Lăng và được phê duyệt từ đất “thể dục thể thao” về đất “kinh doanh thương mại”. UBND thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch dự án này.
Sân vận động Chi Lăng là tài sản từng liên quan trong vụ án Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thiên Thanh (Ảnh: Hoài Sơn).
Các cơ quan chức năng điều chỉnh quy hoạch phân khu, xác định chỉ tiêu quy hoạch dự án và UBND quận Hải Châu hoàn thành việc đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng và bàn giao đất sạch cho dự án.
Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng và các ngân hàng có liên quan thực hiện thủ tục điều chỉnh thời hạn sử dụng từ đất ở về thời hạn 50 năm.
Sau khi nhận được giấy tờ, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ thực hiện điều chỉnh và Cục Thi hành án dân sự thành phố sẽ tổ chức phát mãi nguyên khối Dự án Khu phức hợp thương mại và dịch vụ sân vận động Chi Lăng.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/du-an-san-chi-lang-o-da-nang-se-duoc-go-vuong-sau-15-nam-bo-hoang-20250429163846309.htm