Nhà văn hóa lỗi lạc Hữu Ngọc qua đời, thọ 107 tuổi

Nhà văn hóa lỗi lạc Hữu Ngọc qua đời, thọ 107 tuổi


Trên trang cá nhân, nhà báo Nguyễn Như Mai chia sẻ: “Ngày 24/12/2024, tôi đến chúc mừng sinh nhật cụ, nhưng khi ấy cụ đã thiêm thiếp, không còn nghe nói được nữa.

Cụ Hữu Ngọc là một nhà văn hóa lớn của đất nước, là tác gia và chứng nhân của lịch sử. Là thành viên của Quỹ Văn hóa Hữu Ngọc, tôi mạn phép thông báo cho những ai quen thân, bạn hữu và độc giả yêu quý cụ được biết. Lễ tang của cụ được cử hành vào lúc 13h ngày 5/5 tại Nhà tang lễ Bệnh viện 198 Trần Bình, Cầu Giấy, Hà Nội”.

Nhà văn hóa lỗi lạc Hữu Ngọc qua đời, thọ 107 tuổi - 1

Nhà văn hóa Hữu Ngọc (Ảnh: Facebook nhà báo Nguyễn Như Mai).

Nhà văn hóa Hữu Ngọc sinh ngày 22/12/1918 tại Hà Nội (quê gốc ở Thuận Thành, Bắc Ninh) là một trí thức hiếm có, người đã dành cả cuộc đời để giới thiệu, gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam đến với thế giới.

Ông là tấm gương sáng về tinh thần lao động chữ nghĩa miệt mài, bền bỉ, khiêm nhường mà sâu sắc, qua hàng trăm bài viết, tác phẩm và hoạt động đối thoại văn hóa Đông – Tây.

Với vốn ngoại ngữ uyên thâm, tinh thông tiếng Pháp, Anh, Đức, đọc hiểu chữ Hán, nhà văn hóa Hữu Ngọc là tác giả của hàng chục đầu sách giá trị về văn hóa Việt Nam, được viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, góp phần đưa hình ảnh và chiều sâu văn hóa dân tộc ra thế giới.

Đồng thời, ông còn dịch nhiều tác phẩm văn học, văn hóa nước ngoài sang tiếng Việt, góp phần làm giàu thêm đời sống tinh thần trong nước.

Suốt cuộc đời cầm bút miệt mài, ông được ví như “cây cầu văn hóa Đông – Tây”, là người không chỉ đi qua các nền văn hóa, mà còn kết nối chúng bằng hiểu biết sâu sắc, bằng đối thoại bình tĩnh và nhân văn.

Hữu Ngọc cũng từng đảm nhiệm chức vụ tổng biên tập nhiều tờ báo tiếng nước ngoài do Việt Nam xuất bản như tờ Tia lửa (tiếng Pháp), Việt Nam tiến bước (tiếng Anh, Pháp, Quốc tế ngữ), Nghiên cứu Việt Nam (tiếng Anh, tiếng Pháp) và vai trò Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn của Việt Nam trong nhiều năm.

Những cống hiến không mệt mỏi ấy của ông đã được ghi nhận và tôn vinh qua nhiều giải thưởng của Việt Nam và nước ngoài như: Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công, Huân chương Cành cọ Hàn lâm (Pháp), Huân chương Bắc Đẩu (Thụy Điển), Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái – vì tình yêu Hà Nội năm 2017, Giải thưởng Sách Quốc gia Việt Nam…

Nhà văn hóa Hữu Ngọc đã viết và biên soạn trên 30 cuốn sách, trong đó có nhiều tác phẩm về văn hóa Việt Nam và các nước, cụ thể như: Di sản Văn hóa Việt Nam (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức); Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội (tiếng Anh, tiếng Pháp), 1997; Lãng du trong văn hóa Việt Nam (tiếng Việt, tiếng Anh), 2006; Vietnam: Tradition and Change (tiếng Anh), 2017…

Ngay cả khi đã bước qua tuổi 100, nhà văn hóa Hữu Ngọc vẫn không ngừng viết, không ngừng suy ngẫm, dịch chuyển trong thế giới tri thức.

Năm 2020, ở tuổi 102, ông cho ra mắt bộ sách Cảo thơm lần giở gồm 2 cuốn, dày gần 1.000 trang. Đây không chỉ là một công trình đồ sộ về mặt học thuật, mà còn là thành quả kết tinh của cả đời lao động chữ nghĩa và “xuất – nhập khẩu” văn hóa.

Cảo thơm lần giở giới thiệu cuộc đời và tư duy của 180 danh nhân thế giới, trải rộng trên nhiều lĩnh vực: Tôn giáo, triết học, văn hóa, khoa học, văn học nghệ thuật, xã hội học, lịch sử, chính trị học…

Nhưng sâu xa hơn, đó là cuộc hành hương tâm tưởng của chính tác giả – một trí thức Việt Nam – luôn thao thức đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi căn cốt nhất về đời người.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc từng bộc bạch: “Trong quá trình hồi tưởng, tác giả luôn băn khoăn về ý nghĩa các sự việc đã qua, rồi từ đó suy ngẫm về ý nghĩa đời người và phận người…

Có phải ai cũng như danh họa Gauguin để có thể dùng một bức họa giải đáp mấy câu hỏi siêu hình muôn thuở: Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta là ai? Chúng ta đi đâu? Cuộc hành hương của tác giả rẽ sang ngả khác: Qua thư tịch, đi “gõ cửa” các danh nhân thế giới để tìm những giải đáp cho câu hỏi trên. Thành quả “tầm sư” ấy là cuốn sách này”.

Với Cảo thơm lần giở, Hữu Ngọc không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò là “cây cầu văn hóa Đông – Tây”, mà còn để lại một di sản trí tuệ đáng quý cho các thế hệ sau – những người đang và sẽ tiếp tục câu chuyện đối thoại văn hóa, vượt qua những biên giới về ngôn ngữ, thời gian và không gian.



Source link: https://dantri.com.vn/giai-tri/nha-van-hoa-loi-lac-huu-ngoc-qua-doi-tho-107-tuoi-20250504015516170.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *