Ngày 6/5, tin từ UBND huyện Long Mỹ cho biết, cơ quan này đã có báo cáo về việc bồi thường tiền cho 62 hộ dân ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang), đây là những hộ có lúa trồng cạnh cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và bị thiệt hại.
Theo lãnh đạo UBND huyện Long Mỹ, đến nay liên danh nhà thầu hoàn tất bồi thường cho nông dân trồng lúa tại 2 xã Lương Tâm, Lương Nghĩa bị thiệt hại trong quá trình bơm cát đắp nền đường cao tốc đoạn qua địa bàn huyện.

Lúa của các hộ dân ở xã Lương Nghĩa bị thiệt hại (Ảnh: Trần Linh).
Trong số này, xã Lương Nghĩa có 56 hộ trồng lúa bị thiệt hại với diện tích 34,42ha; xã Lương Tâm 6 hộ, với 2,5ha. Tổng số 62 hộ dân ở 2 địa phương này được bồi thường hơn 940 triệu đồng.
Ông Trần Thông Minh, một trong 62 hộ dân bị ảnh hưởng cho biết, ngày 30/4 vừa rồi ông đến UBND xã Lương Nghĩa nhận hơn 18 triệu đồng tiền bồi thường.
“Tôi có hơn 1,5ha lúa, trong đó có 5.000m2 lúa chết trắng nên được bồi thường, số còn lại không được hỗ trợ. Tuy nhiên chi phí đầu tư mỗi công (1.000m2) là khoảng 5 triệu đồng, số tiền này vẫn còn thiếu để trả vật tư, phân thuốc…”, ông Minh nói.
Theo lãnh đạo UBND huyện Long Mỹ, đối với việc xử lý đất để xuống giống vụ mới, UBND huyện đề nghị các đơn vị liên quan hướng dẫn người dân xử lý rửa phèn, mặn trên đồng ruộng để xuống giống vụ lúa hè thu an toàn, hiệu quả.
Ngoài ra, phía nhà thầu cũng đang khơi thông kênh rạch, điều chỉnh giải pháp bơm cát tránh rò rỉ nước ra ruộng của dân.
Trước đó, vào tháng 2, nhiều hộ dân ở xã Lương Nghĩa “kêu cứu” vì số diện tích lúa trồng cạnh công trường cao tốc đang thi công bị chết bất thường. Lúa thối rễ, chết cháy và hư hỏng, nhiều diện tích mất trắng.
Theo các hộ dân bị ảnh hưởng, tình trạng lúa chết xảy ra sau khi công trình cao tốc bơm cát đắp nền. Do cặp bên cao tốc không có mương thoát nước nên phèn, nước mặn tràn, thấm xuống ruộng của dân gây thiệt hại.
Sau đó, địa phương đo độ mặn trên ruộng lúa trồng hai bên cao tốc là 7 đến 11‰, trong khi lúa chỉ sống khi đất có độ mặn từ 2‰ trở xuống.
Liên quan vụ việc, nhà thầu cho biết, dự án qua khu vực này sử dụng cát sông. Tuy nhiên thời điểm các sà lan chở cát về tập kết tại sông ở địa phương thì nước sông nơi bị nhiễm mặn (từ tháng 1 đến 4 hàng năm). Khi lấy nước từ sông này vào sà lan cát để pha loãng cát rồi bơm vào công trường cao tốc (cách hơn 1km), nước mặn cùng phèn trong cát rỉ xuống ruộng lúa của dân.
Sau khi báo chí phản ánh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo bộ ngành và địa phương làm rõ nguyên nhân lúa chết bất thường, kịp thời có các giải pháp khắc phục, không để xảy ra thiệt hại đối với sản xuất của người dân. Cùng đó, nhà thầu có giải pháp khắc phục, không để tái diễn, thống kê và bồi thường thiệt hại cho người dân.
Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau dài hơn 110km, đi qua Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau; tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng toàn tuyến, cơ bản tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về vật liệu.
Dự án đang đạt tiến độ 66%, chậm nhất khánh thành vào ngày 19/12.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/62-ho-dan-co-lua-chet-canh-cao-toc-can-tho-ca-mau-duoc-boi-thuong-20250506101913511.htm