Nội tạng chứa nhiều chất béo và cholesterol xấu
Nội tạng động vật bao gồm óc, tim, gan, thận, dạ dày, lòng… phần lớn đều giàu chất dinh dưỡng, chứa nhiều đạm, vitamin A, sắt… Tuy nhiên, loại thực phẩm này cũng chứa nhiều chất béo và cholesterol xấu, gây bệnh rối loạn chuyển hóa.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nội tạng cung cấp sắt, giúp chống thiếu máu cho trẻ em và phụ nữ mang thai cũng như phụ nữ lứa tuổi sinh nở. Các loại thực phẩm này cũng cung cấp nhiều vitamin A, giúp bổ mắt, tăng cường sức đề kháng và tăng trưởng ở trẻ em.
Mặc dù vậy, nhóm này chỉ nên ăn nội tạng ở mức vừa phải (2 – 3 lần/tuần). Mỗi lần, người lớn nên ăn 50-70g, trẻ em chỉ ăn 30-50g.
Ngoài ra, nội tạng động vật chứa nhiều cholesterol. Người cao tuổi, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, gout, bệnh thận, người thừa cân – béo phì… nên hạn chế ăn món này.
Dù là món ăn quen thuộc với nhiều người Việt, nội tạng có thể trở thành tác nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người nếu không đảm bảo nguồn gốc và chế biến không hợp vệ sinh.
Nguy cơ lây lan vi khuẩn từ lòng, dạ dày
Lòng, dạ dày không được sơ chế kỹ, chưa nấu chín có thể làm lây lan vi khuẩn E. coli, Salmonella, Shigella… sang người. Đây là nguyên nhân gây các bệnh tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn.
Bên cạnh đó, khi ăn nội tạng nhiễm trứng hoặc ấu trùng chưa được nấu chín kỹ, người dùng có thể nhiễm ký sinh trùng đường ruột như giun đũa, giun xoắn, sán dây, sán chó…, gây tổn thương não, gan, cơ, mắt và các cơ quan khác.
Óc bò, nếu không rõ nguồn gốc, có thể mang mầm bệnh não xốp bò (hay bệnh bò điên). Bệnh có thể truyền sang người, gây thoái hóa thần kinh nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong.
Gan động vật, đặc biệt là gan bò và lợn, nếu được nuôi bằng nguồn thức ăn nhiễm nấm mốc, có thể chứa Aflatoxin – một loại độc tố do nấm Aspergillus flavus tiết ra. Nếu tích tụ trong cơ thể thời gian dài, chất này có thể gây ung thư gan.
Ngoài ra, liên cầu khuẩn lợn có thể tồn tại trong máu, lòng, nội tạng và thịt của lợn, kể cả ở con vật khỏe mạnh. Khi ăn sản phẩm chế biến từ lợn chưa chín như tiết canh, nem chua, người ăn có thể nhiễm liên cầu khuẩn. Bệnh có thể gây viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm khớp, xuất huyết nội tạng, thậm chí tử vong.
Do đó, khi mua nội tạng, người dân nên chọn loại còn tươi, đàn hồi tốt, bề mặt nhẵn, không mua thực phẩm có màu vàng, tím sẫm hay có mùi hôi, tuyệt đối không ăn nội tạng sống, tái (như tiết canh, lòng luộc tái, nem chua).
Người dùng nên mua nội tạng có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch, tốt nhất là tại các siêu thị hoặc cơ sở uy tín.
Thành phần một số chất dinh dưỡng có nhiều trong các phủ tạng (hàm lượng có trong 100g thực phẩm ăn được)
STT | Tên thực phẩm | Chất đạm (g) | Chất béo (g) | Cholesterol (mg) | Vitamin A (mcg) | Sắt (g) |
1 | Óc lợn | 9 | 9,5 | 2500 | 1,6 | |
2 | Tim gà | 16 | 5,5 | 5,3 | ||
3 | Tim lợn | 15,1 | 3,2 | 140 | 8 | 5,9 |
4 | Tim bò | 15 | 3 | 150 | 6 | 5,4 |
5 | Gan bò | 17,4 | 3,1 | 5000 | 9 | |
6 | Gan gà | 18,2 | 3,4 | 440 | 6960 | 8,2 |
7 | Gan vịt | 17,1 | 4,7 | 400 | 2960 | 4,8 |
8 | Gan lợn | 18,8 | 3,6 | 300 | 6000 | 12 |
9 | Thận lợn | 13 | 3,1 | 375 | 150 | 8 |
10 | Thận bò | 12,5 | 1,8 | 400 | 330 | 7,1 |
11 | Lưỡi lợn | 14,2 | 12,8 | 2,4 |
Source link: https://dantri.com.vn/suc-khoe/su-dung-long-lon-tiem-an-nhieu-nguy-co-suc-khoe-neu-khong-dung-cach-20250507171954200.htm