Sự kiện được triển khai nhằm hưởng ứng chiến dịch quốc gia “Vì một Việt Nam không gánh nặng bởi HPV” do Bộ Y tế phát động vào ngày 29/3, nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy phòng ngừa các bệnh lý do HPV gây ra.
Tăng cường hợp tác đa chuyên khoa trong dự phòng HPV
Hội nghị thu hút hơn 1.000 cán bộ y tế từ 5 chuyên khoa: y học dự phòng, sản phụ khoa, nhi khoa, da liễu và ung thư, đến từ các bệnh viện đầu ngành tại Hà Nội và TPHCM.
Sự kiện quy tụ 14 diễn giả trong và ngoài nước, chia sẻ những cập nhật khoa học mới nhất về vai trò phòng ngừa HPV trong các lĩnh vực điều trị và dự phòng. Lần đầu tiên, hơn 20 nghiên cứu về HPV từ khắp các tuyến y tế trên cả nước, được trưng bày trong “Triển lãm Poster Khoa học”, tạo nền tảng lan tỏa tri thức và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu.
Hội nghị quy tụ hơn 1.000 cán bộ y tế từ 5 chuyên khoa: y học dự phòng, sản phụ khoa, nhi khoa, da liễu và ung thư, đến từ các bệnh viện đầu ngành tại Hà Nội và TPHCM.
GS.TS.BS. Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Chủ tịch Hội Y học dự phòng Việt Nam cho biết, HPV là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều loại ung thư nguy hiểm, đặc biệt là ung thư cổ tử cung – loại ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ toàn cầu. Ngoài ra, HPV còn gây ung thư hậu môn, âm hộ, âm đạo, dương vật và hầu họng, ảnh hưởng đến cả nam và nữ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2019, trên toàn cầu ước tính 690.000 ca ung thư mới do HPV, trong đó 620.000 ca ở nữ và 70.000 ca ở nam. Tuy đã có biện pháp chủ động dự phòng hiệu quả bằng vaccine và tầm soát định kỳ, nhiều người ở các nước thu nhập thấp và trung bình vẫn chưa tiếp cận được các biện pháp bảo vệ này, khiến HPV tiếp tục là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
Cũng theo GS.TS.BS. Phan Trọng Lân, đối với cán bộ y tế, mở rộng tiếp cận dự phòng, điều trị, đa chuyên khoa và liên tục cập nhật kiến thức, bằng chứng khoa học, củng cố năng lực tư vấn và đồng hành trong việc nâng cao nhận thức, tăng tỷ lệ bao phủ tiêm chủng phòng HPV trong cộng đồng.
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS.BS. Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Chủ tịch Hội Y học dự phòng Việt Nam nhấn mạnh vai trò của biện pháp dự phòng chủ động bằng vaccine và mở rộng tiếp cận, dự phòng, điều trị, đa chuyên khoa của các cán bộ y tế.
Hai phiên thảo luận chuyên đề tại hội nghị tập trung làm rõ gánh nặng HPV ở cả nam và nữ, nhấn mạnh tính cần thiết và vai trò tư vấn đa chuyên khoa trên cả hai giới.
Các báo cáo trình bày cho thấy, HPV là một trong những virus lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất trên toàn cầu. Hầu hết người trưởng thành có hoạt động tình dục đều từng nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời, dù không phải ai cũng nhận biết mình từng bị nhiễm. Tình trạng lây nhiễm âm thầm này tạo ra gánh nặng sức khỏe không chỉ cho cá nhân mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng và hệ thống y tế.
Triển lãm Poster khoa học – Kết nối tri thức, lan tỏa giá trị
Triển lãm Poster là điểm nhấn quan trọng của hội nghị, thúc đẩy nghiên cứu và vinh danh những đóng góp sáng tạo từ các tuyến y tế cơ sở. Hơn 20 nghiên cứu tiêu biểu được lựa chọn, tập trung vào các chủ đề như: nhận thức cộng đồng về HPV, hành vi tiêm chủng, khảo sát dịch tễ học, truyền thông sức khỏe.
Một số đề tài tiêu biểu có thể kể đến như: “Thực trạng kiến thức và nhu cầu tiêm phòng HPV ở nữ giới 27-45 tuổi tại Hà Nội năm 2024”, “Thực hành về tiêm vaccine phòng HPV của nam sinh viên khối Y học dự phòng Trường Đại học Y Hà Nội năm 2024”, “Nghiên cứu tỷ lệ nhiễm Human Papilloma virus và một số yếu tố liên quan của phụ nữ từ 18 đến 69 tuổi tại thành phố Cần Thơ”… Những poster xuất sắc sẽ được hội đồng chuyên gia thẩm định và tuyên dương.
Bên cạnh các giải pháp y tế, người dân được khuyến khích thay đổi hành vi, lối sống, như quan hệ tình dục an toàn, không hút thuốc lá, tăng cường vận động thể chất và duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, cũng như chủ động tìm hiểu thông tin chính thống.
Bên cạnh đó, người dân cũng nên tham vấn về các biện pháp dự phòng HPV, các bệnh lý và ung thư liên quan tại các cơ sở y tế uy tín.
Source link: https://dantri.com.vn/suc-khoe/hoi-nghi-khoa-hoc-da-chuyen-khoa-vi-mot-viet-nam-khong-ganh-nang-boi-hpv-20250509165753910.htm