Đội chi phí cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng
Thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật sáng 10/5, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho biết, hiện nay có khoảng 20 hiệp hội đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp thành viên.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học phân tích, đánh giá, làm rõ tác động của quy định về công bố hợp quy với sản phẩm hàng hóa.
“Họ có chung kiến nghị là bãi bỏ quy định về công bố hợp quy với sản phẩm hàng hóa”, bà Vân cho hay.
Nữ đại biểu cho rằng, khi có quá nhiều ý kiến phản ánh bất cập, phiền hà, lãng phí từ thực tiễn trong áp dụng pháp luật, cùng với tham khảo kinh nghiệm quốc tế thì cần tiếp thu vấn đề này.
Đại biểu tiếp tục đề nghị bãi bỏ hẳn quy định về công bố hợp quy, chứ không giữ lại một phần như trong báo cáo thẩm tra dự luật.
Đại biểu Trần Thị Vân (Ảnh: QH).
Lý giải cho đề xuất này, bà Trần Thị Vân cho rằng quy định về công bố hợp quy chỉ là quy định mang tính hình thức, chồng chéo và không cần thiết. Các sản phẩm nhóm 2 vốn là hàng hóa sản xuất kinh doanh có điều kiện đã được đánh giá và cấp giấy chứng nhận đầy đủ theo quy định của pháp luật và quốc tế.
Khi đã đạt tiêu chuẩn này, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã đảm bảo các điều kiện về quy trình sản xuất chất lượng, đại biểu nói thêm.
“Việc một doanh nghiệp lặp lại toàn bộ quy trình kiểm tra, lấy mẫu, đánh giá để công bố hợp quy chỉ nhằm xác nhận lại những gì đã được xác nhận là vô lý và lãng phí”, đại biểu Bắc Ninh nhấn mạnh.
Hơn nữa, những quy định công bố hợp quy hiện nay chỉ tập trung vào kiểm soát các hoạt động đơn lẻ, thông qua một mẫu mà doanh nghiệp đi kiểm nghiệm.
Theo đại biểu, điều này dẫn đến doanh nghiệp có thể đối phó bằng cách làm mẫu tốt mang đi kiểm nghiệm, nhưng sản xuất đại trà mẫu không tốt. Đây là kẽ hở để một bộ phận doanh nghiệp gian dối đưa ra thị trường hàng hóa dưới chuẩn công bố như vụ việc gần 600 nhãn sữa giả vừa qua.
Cùng với đó, công bố hợp quy sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, gia tăng chi phí, thời gian chờ đợi, giảm mức độ cạnh tranh của hàng hóa doanh nghiệp trong nước.
Đại biểu dẫn chứng chỉ để hoàn tất một thủ tục công bố hợp quy trong một sản phẩm, doanh nghiệp phải chi trả trung bình 3-5 triệu đồng, thậm chí có trường hợp lên tới 15-30 triệu đồng.
“Đáng nói, thủ tục này phải tái thực hiện 3 năm/lần, tạo ra chu kỳ lãng phí liên tục. Đơn cử với một nhà máy 300-500 sản phẩm, chi phí có thể đội lên 1,5-2 tỷ đồng”, bà Vân nhấn mạnh.
Bổ sung trường hợp loại trừ không phải công bố hợp quy
Cũng thảo luận về công bố hợp quy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) lại đồng tình với việc bổ sung nguyên tắc mỗi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình hoặc môi trường chỉ được điều chỉnh bởi một quy chuẩn kỹ thuật thống nhất trên phạm vi toàn quốc, trừ trường hợp được phân cấp, phân quyền theo quy định của pháp luật trong dự thảo luật.
Bên cạnh đó, dự luật cũng quy định về trường hợp không phải công bố hợp quy khi đã đảm bảo yêu cầu, biện pháp quản lý tương ứng trong các luật chuyên ngành.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Ảnh: QH).
Bà Nga cho rằng, quy định sẽ khắc phục tình trạng phải thực hiện đồng thời 2 thủ tục, giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, đồng thời cũng đề nghị rà soát quy định tại Điều 69 và bổ sung quy định về trường hợp loại trừ không phải công bố hợp quy tại Điều 48.
Về áp dụng pháp luật, đại biểu đồng tình với việc bổ sung khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật nhằm khắc phục tình trạng phải thực hiện đồng thời 2 quy trình theo Luật này và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, bà Nga đề nghị Chính phủ khi quy định chi tiết cần quy định rõ trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp, tuân thủ quy định của Hiệp định TBT, các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/ke-ho-de-gan-600-loai-sua-gia-cho-nguoi-gia-tre-em-tuon-ra-thi-truong-20250510110533824.htm