Từ buồng bệnh đến đường chạy: “Nghề điều dưỡng dạy tôi nhiều điều trân quý”

Từ buồng bệnh đến đường chạy: "Nghề điều dưỡng dạy tôi nhiều điều trân quý"


Đội ngũ điều dưỡng luôn có vai trò rất quan trọng trong chăm sóc sức khỏe. Ngày Quốc tế Điều dưỡng (12/5) là dịp để tôn vinh những đóng góp thầm lặng nhưng không thể thiếu của đội ngũ điều dưỡng trên toàn cầu, đồng thời là cơ hội thúc đẩy các chính sách phát triển nghề điều dưỡng một cách chuyên nghiệp và bền vững.

Dưới đây là câu chuyện về chị Vũ Hoàng Anh, nguyên điều dưỡng trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức về hành trình 35 năm gắn bó với nghề.

Từ những ngày đầu còn bỡ ngỡ phải đi luộc bơm tiêm, mài kim tiêm…

Sinh ra và lớn lên tại thủ đô Hà Nội, chị Vũ Hoàng Anh đã có hành trình hơn ba thập kỷ gắn bó với ngành điều dưỡng – một nghề không phải là sự lựa chọn ban đầu lúc còn ngồi ghế nhà trường, nhưng sau cùng lại trở thành sứ mệnh cả đời chị theo đuổi và trân trọng. Ở tuổi 57, chị đã có hơn 35 năm làm điều dưỡng viên.

Tốt nghiệp trường Trung cấp Y, nay là trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, tháng 9/1989 chị bắt đầu công tác tại khoa Xương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ngành y lúc đó đối mặt với muôn vàn khó khăn, từ điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị lạc hậu cho đến môi trường làm việc là những dãy nhà cổ được xây dựng từ thời Pháp thuộc đã xuống cấp.

Chị chia sẻ: “Bơm tiêm thời đó làm bằng thủy tinh, kim tiêm được mài sắc luộc lại để tái sử dụng cho bệnh nhân.

Những vật dụng như gạc, bông đều phải tự chế và hấp sấy thô sơ, dẫn lưu sử dụng bằng chai thủy tinh rửa đi rửa lại, ngâm phooc-môn để dùng nhiều lần, chuẩn bị mổ phải dùng ca nhôm – phễu để thụt tháo cho bệnh nhân. Tất cả đều khó khăn, thiếu thốn, không có dụng cụ dùng một lần tiệt khuẩn sẵn như bây giờ”.

Với chị Hoàng Anh, nghề điều dưỡng không phải lựa chọn đầu tiên, nhưng lại trở thành con đường mà chị dành trọn cả cuộc đời để cống hiến và yêu thương (Ảnh: NVCC).

Thế nhưng chính những ngày tháng vượt qua khó khăn ấy đã rèn giũa chị trở nên mạnh mẽ, bản lĩnh hơn. Thời điểm đó, chị nhớ rõ có những đồng nghiệp vì quá nghèo mà phải bán máu nuôi con, nhưng vẫn luôn hết mình trong công việc.

“Tôi luôn trân quý những lúc khó khăn đấy vì nó dạy cho tôi nhiều thứ, để tôi trưởng thành lên trong công việc, cuộc sống. Và dù sau này có đối mặt với bất kỳ khó khăn nào, tôi cũng coi đó là chuyện nhỏ, bản thân có thể vượt qua được, đừng bao giờ nghĩ khó khăn là điều để nản chí. Khó khăn đôi khi là vốn quý, khi vượt qua được thì mình sẽ trưởng thành lên rất nhiều”, chị tâm sự.

Giai đoạn từ năm 2008 đến khi nghỉ hưu, chị đảm nhiệm chức vụ điều dưỡng trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, Viện chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ, chị lần lượt hoàn thành chương trình Cử nhân Điều dưỡng tại Đại học Y Hà Nội (2009), Thạc sĩ Quản lý bệnh viện (2015), tiếp tục học Cử nhân Sư phạm Tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội (2020) và Điều dưỡng chuyên khoa I tại Đại học Điều dưỡng Nam Định (2020).

Chính những ngày tháng vượt qua khó khăn đã rèn giũa tôi trở nên mạnh mẽ, bản lĩnh hơn. Khó khăn đôi khi là vốn quý, khi mình vượt qua được thì mình sẽ trưởng thành lên rất nhiều.

Chị Vũ Hoàng Anh Nguyên điều dưỡng trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

“Công việc đã dạy cho tôi rất nhiều thứ, dạy cho tôi sự quan tâm chia sẻ, dạy cho tôi cách ứng xử và giao tiếp trong xã hội linh hoạt, cho tôi kiến thức để chăm sóc sức khỏe cho người khác, biết quan tâm và chia sẻ với những người xung quanh.

Người ta vẫn nói một người làm nghề y cả họ được nhờ. Điều đó có phần nào đúng. Nhưng trước mắt mình phải phục vụ xã hội. Đây là nghề làm phúc cho mọi người, là nghề gieo hạnh phúc và tiếng cười cho người bệnh”, chị nói.

Dù ở bất kỳ vị trí nào, điều dưỡng viên hay điều dưỡng trưởng, chị luôn xác định rõ các thứ tự ưu tiên.

Việc đầu tiên là ở đâu cũng phải chấp hành quy định pháp luật, lấy tôn chỉ hoạt động của ngành y tế, của bệnh viện là đầu tiên, tiếp theo ưu tiên số 2 là người bệnh, số 3 là khoa phòng nơi mình làm việc và đồng nghiệp là số 4, cuối cùng mới là bản thân mình. Lợi ích của tập thể của người bệnh là trên hết.

Đến “người gác cửa” rắn rỏi, mạnh mẽ của khoa Phẫu thuật Cột sống

Khoa Phẫu thuật Cột sống – nơi chị công tác – là một trong những khoa chuyên sâu và có khối lượng công việc lớn nhất tại bệnh viện. Ba năm gần nhất, khoa tiếp nhận hơn hàng chục nghìn lượt người bệnh đến khám, thực hiện hơn 6.000 ca mổ phiên và 600-700 ca cấp cứu.

Chị Hoàng Anh (ngoài cùng bên phải) trong một lần cùng các bác sĩ khoa Phẫu thuật Cột sống thăm hỏi bệnh nhân (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trong khi đó, phẫu thuật cột sống là phẫu thuật chuyên khoa sâu, người bệnh thường có tâm lý mổ sợ bị liệt hay để lại di chứng. Vì thế, ngoài bác sĩ phẫu thuật giỏi, thì đội ngũ điều dưỡng cũng phải chuyên sâu, thành thạo chăm sóc trước, trong và sau mổ để chăm sóc theo dõi, phục hồi vận động và hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân.

Trong quá trình công tác, chị từng không ít lần đối diện với các tình huống căng thẳng, từ sự quá khích của người nhà bệnh nhân đến các hiểu lầm về y đức. Gần như mọi vụ việc xảy ra, người điều dưỡng là người đầu tiên phải đối mặt.

“Vì thế, mình phải đủ tâm lý, mềm mỏng để tháo gỡ bức xúc, giúp người bệnh và người nhà an tâm điều trị, lấy người bệnh là trung tâm. Dù người nhà có thể mất kiểm soát, to tiếng, nhưng điều dưỡng không được phép phản ứng tiêu cực. Có lúc mềm, có lúc phải cương quyết nhưng tuyệt đối không được mất đi sự văn hóa, chuẩn mực trong ứng xử”, chị nói.  

Trong 35 năm công tác trong nghề, chị đã nhận được nhiều bằng khen của Bộ Y tế, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, trong đó tấm bằng khen chị trân quý là bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế – Bằng khen và thư khen Chủ tịch UBND TPHCM vì thành tích chống dịch Covid-19. Với chị đó là quãng thời gian ý nghĩa không bao giờ quên.

Một tháng rưỡi tham gia chống dịch Covid-19 tại TPHCM là quãng thời gian chị sẽ không bao giờ quên (Ảnh: N.P). 

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Y tế và Giám đốc bệnh viện, cùng với hàng trăm cán bộ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chị xung phong đi tuyến đầu chống dịch với tâm nguyện mang kinh nghiệm chuyên môn và nhiệt huyết người cán bộ y tế cống hiến cho xã hội.

Chị vẫn nhớ như in cảm xúc của buổi tối đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất. TPHCM khi ấy không còn là đô thị náo nhiệt quen thuộc, mà như một thành phố “tắt đèn”. Không một bóng người, sân bay im lìm như bị bỏ hoang. Hình ảnh ấy in sâu vào tâm trí chị như một thước phim đen trắng.

Suốt một tháng rưỡi ở TPHCM, chị và các đồng nghiệp không có ngày nghỉ. Mỗi ngày làm việc từ 6h sáng đến 6h tối, không kể thứ bảy hay chủ nhật.

Trung tâm điều trị có hơn 600 người, công việc của chị không chỉ là chăm sóc bệnh nhân mà còn đảm nhiệm vai trò quản lý, điều phối, đảm bảo an toàn phòng dịch. Và chị luôn tự hào khi với sự góp sức của mình đã đảm bảo an toàn cho đoàn công tác và hoàn thành nhiệm vụ.

Và “chiến binh” truyền cảm hứng cho những bệnh nhân ung thư vú khác

Hành trình sống chung với ung thư khiến chị nhận ra sứ mệnh mới đó là đồng hành, chia sẻ, tiếp thêm sức mạnh với những người bệnh khác (Ảnh: NVCC).

Năm 2022, chị phát hiện mắc ung thư vú khi khám sức khỏe định kỳ tại bệnh viện.

“Ngày 15/8/2022, có kết quả sinh thiết, bác sĩ nói chắc chắn là ung thư vú. Lúc đó, tôi không hề sợ, không một chút hoảng loạn. Có lẽ vì tôi từng trải qua nhiều điều trong cuộc sống, trong nghề nghiệp, nên học được cách bình tĩnh đối mặt”, chị chia sẻ.

Là nhân viên y tế, chị may mắn được sự quan tâm của các đồng nghiệp và nhanh chóng quyết định phẫu thuật. Ngày 23/8 lên bàn mổ, 31/8 ra viện và chỉ sau một tháng, chị bắt đầu bước vào giai đoạn điều trị tại Bệnh viện K3.

Quãng thời gian vừa làm nhân viên y tế, vừa là bệnh nhân ung thư là giai đoạn đặc biệt với chị. Không chỉ điều trị, chị còn dành thời gian đọc thêm tài liệu, nghiên cứu kiến thức chuyên môn và quan trọng hơn cả chia sẻ trải nghiệm thật của mình đến những bệnh nhân ung thư vú khác.

Một điểm đặc biệt ở chị là sự gắn bó với thể thao, yếu tố chị coi là không thể thiếu để chiến thắng bệnh tật. Từ khi điều trị xong, chị tích cực luyện tập nhiều bộ môn như chạy bộ, đạp xe, nhảy dây, bơi lội, dân vũ… Chị tranh thủ tập mọi lúc có thể, ít nhất 60-120 phút/ngày.

Với chị Hoàng Anh, tập luyện thể thao là yếu tố không thể thiếu để chiến thắng bệnh tật (Ảnh: N.P). 

Để vượt qua bản thân chị đăng ký các giải chạy bộ. Cách đây 2 năm, lần đầu tiên chị tham gia cự ly 10km. Đến nay chị đã hoàn thành 3 giải chạy 21km, một con số khiến nhiều người khỏe mạnh bình thường cũng phải nể phục.

Giờ đây, chị mang đam mê của mình để truyền tải cho những đồng bệnh, không chỉ để tập luyện mà còn để kết nối, động viên nhau cùng rèn luyện sức khỏe và giữ gìn tinh thần lạc quan tích cực.

Từ ngày 1/1/2025, chị bắt đầu nghỉ hưu. Nhưng với chị, nghỉ hưu không có nghĩa là dừng lại. Hành trình sống chung với ung thư khiến chị nhận ra sứ mệnh mới đó là đồng hành, chia sẻ, tiếp thêm sức mạnh cho những người phụ nữ đang hoang mang giữa ranh giới sống – chết của bệnh tật.

“Tôi không muốn ai phải cô đơn khi đối mặt với ung thư. Chỉ cần có người truyền cho họ niềm tin, họ sẽ có động lực vượt qua”, chị chia sẻ.

Vì vậy, nghỉ hưu không phải là kết thúc mà là mở ra một hành trình mới, chị sẽ vẫn tiếp tục cống hiến với nghề.



Source link: https://dantri.com.vn/suc-khoe/tu-buong-benh-den-duong-chay-nghe-dieu-duong-day-toi-nhieu-dieu-tran-quy-20250511204823271.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *