Chiếc túi cói mộc mạc, một mặt được vẽ hình cờ đỏ sao vàng, mặt còn lại thêu đậm dòng chữ “Độc lập” đã đồng hành cùng chị Phan Hậu, thành viên Trung đội 7 (tỉnh Nghệ An) thuộc Đoàn công tác số 16, Quân chủng Hải quân vùng II, rời thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An vượt hàng nghìn hải lý ra với quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Sản phẩm thủ công đặc biệt này được tạo nên từ những đôi bàn tay khéo léo của các em nhỏ chuyên biệt tại thành phố Vinh đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Chị Phan Hậu (cầm túi) chụp ảnh kỷ niệm ở đảo Sinh Tồn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Đây là một món quà chất chứa niềm tin, hy vọng và lòng biết ơn của các em khi được sống một cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do.
Theo chị Phan Hậu, ban đầu, chị chỉ nghĩ đơn giản là mang theo chiếc túi thời trang “thân thiện với môi trường” nhằm lan tỏa thông điệp tích cực, ý nghĩa do các em nhỏ gửi gắm trên từng nét vẽ.
Nhưng càng tới các đảo, chị càng cảm nhận sâu sắc rằng chiếc túi không còn là một vật phẩm thông thường mà là một biểu tượng sống động của lòng yêu nước, nhịp cầu gắn kết giữa đất liền và biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong suốt hành trình, chiếc túi “Độc lập” đã in dấu trên nhiều đảo thuộc quần đảo Trường Sa như: Đá Thị, Sinh Tồn, Len Đao, Tây A, Cô Lin, Trường Sa Lớn…
Ở đâu chiếc túi cũng hiện diện bên sắc cờ đỏ sao vàng, trong các cuộc giao lưu, gặp gỡ với chiến sĩ và người dân, trong những ánh mắt rạng rỡ, nụ cười ấm áp giữa đảo xa.
Chị Phan Hậu chụp ảnh cùng với công dân nhí ở đảo Tây A (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Tại đảo Tây A, hình ảnh một em bé đạp xe dưới nắng vàng rực rỡ, trước giỏ xe là chiếc túi “Độc lập” khiến nhiều người xúc động. Một khoảnh khắc giản dị nhưng thấm đẫm cảm xúc, như một lời khẳng định rằng Trường Sa đang kiêu hãnh và vững chãi giữa trùng khơi.
Khi đoàn công tác tới Nhà giàn DK1 – nơi điều kiện sống và làm việc của những người lính đảo vô cùng khắc nghiệt, chiếc túi nhỏ tiếp tục được trân trọng, nâng niu. Những bức ảnh lưu giữ cùng chiếc túi trở thành một phần trong ký ức đời lính.
Giữa bốn bề sóng gió, dòng chữ “Độc lập” không còn là một khẩu hiệu, mà là nguồn sáng, khơi dậy niềm tin, tinh thần và sức mạnh nơi những người lính đang ngày đêm bám trụ giữa đại dương.
Kết thúc hành trình, chị Phan Hậu đã trao chiếc túi tới một chiến sĩ Hải quân để gửi về làm quà cho người vợ nơi hậu phương. Với chị, đó không chỉ là món quà nhỏ, mà là sự tiếp nối của một sứ mệnh, truyền đi thông điệp của lòng biết ơn, của yêu thương và niềm tự hào dân tộc.
Chị Phan Hậu bên chiếc túi ”Độc lập”, chụp ảnh với người lính Hải quân trên nhà giàn DK1 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
“Chúng tôi gọi chiếc túi ấy là ”Lá cờ mềm”, bởi nó không bay phấp phới như cờ Tổ quốc, nhưng đã “tung bay” khắp các đảo. Không có cán, nhưng lại cắm chặt trong tim người Việt.
Tôi đã trọn vẹn với tâm nguyện thay các bạn nhỏ đưa “Lá cờ mềm” này hiện hữu ở Trường Sa, trái tim thiêng liêng của Tổ quốc”, chị Hậu xúc động chia sẻ.
Không chỉ là một hành trình cùng chiếc túi ra đảo, đó còn là chuyến đi mang theo thông điệp thiêng liêng về “Độc lập” – như một sợi dây vô hình nối liền đất liền và biển đảo, gắn kết những trái tim yêu nước lặng lẽ mà bền bỉ, âm thầm mà sâu sắc.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/chiec-tui-doc-lap-va-hanh-trinh-tu-dat-lien-ra-truong-sa-20250513100733181.htm