Vùng đất loang lổ hố sâu, hoang hóa khi công ty khai thác khoáng sản rút đi

Vùng đất loang lổ hố sâu, hoang hóa khi công ty khai thác khoáng sản rút đi


“Xé nát” những cánh đồng xanh tốt

Thời gian qua, người dân thôn An Châu, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng phản ánh việc Công ty TNHH Hiệp Đại Hưng sau khi kết thúc khai thác đất sét đã gây sạt lở, làm nhiều diện tích đất của người dân bị mất hoặc không thể canh tác được.

Ghi nhận của phóng viên ngày 13/5, khu vực từng là cánh đồng lúa xanh tốt ở thôn An Châu nay có ít nhất 1ha trở nên hoang tàn, đất đã bị xé toạc thành từng mảng lớn sau nhiều đợt mưa.

Nơi từng là cánh đồng lúa xanh tốt tại thôn An Châu đã trở nên hoang tàn (Ảnh: Hoài Sơn).

Nhiều điểm xuất hiện các hố sâu quá đầu người, miệng hố rộng hàng chục mét. Mặt ruộng bị cắt xé tạo thành hàm ếch, đất màu bị rửa trôi, lộ ra tầng đất đá cằn cỗi phía dưới. Các tuyến dẫn nước phục vụ sản xuất trước đây cũng bị sạt đứt, ruộng đồng không thể canh tác.

Ông Nguyễn Phan Bốn, Trưởng thôn An Châu, cho biết, có gần 20 hộ dân địa phương bị ảnh hưởng và người dân đã nhiều lần phản ánh đến các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Theo ông Bốn, khu vực xảy ra sạt lở trước đây từng được cấp phép cho Công ty TNHH Hiệp Đại Hưng khai thác đất sét. Trong thời gian đầu, doanh nghiệp có hỗ trợ vụ mùa cho các hộ bị ảnh hưởng.

Đến năm 2022, công ty đã “cắt” khoản hỗ trợ này. Năm 2023, công ty rút toàn bộ máy móc, dừng hoạt động nhưng chưa hoàn thổ, chưa hoàn trả đường dân sinh, cũng không có biện pháp hỗ trợ vụ mùa hoặc khắc phục hiện trạng để người dân có đất canh tác.

Đôi bờ đất bị xé toạc sau nhiều đợt mưa (Ảnh: Hoài Sơn).

Không chỉ có ruộng đất bị bỏ hoang, ông Bốn còn lo ngại về nguy cơ sạt lở đang lan rộng, sẽ ảnh hưởng đến đường dây 500kV gần đó.

Không thể có chuyện lấy khoáng sản xong là phủi trách nhiệm

Theo thông tin của Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Đà Nẵng, Công ty TNHH Hiệp Đại Hưng đã có hồ sơ đề nghị phê duyệt đóng cửa mỏ khoáng sản đất sét thôn An Châu. Tuy nhiên, sau khi tổ chức họp thẩm định ngày 17/9/2024, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã yêu cầu công ty chỉnh sửa, bổ sung đề án.

Đến ngày 2/12/2024, công ty gửi văn bản phúc đáp cho biết đã phá sản và đang làm thủ tục phá sản. Trong khi đó, công ty vẫn chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về hoàn thổ, phục hồi môi trường và đất đai theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Môi trường đã đề nghị Sở Tài chính không chấp nhận việc doanh nghiệp đề nghị giải thể, nhằm buộc công ty hoàn tất các nghĩa vụ liên quan.

Tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 24/4, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết, mỏ đất sét tại thôn An Châu được UBND thành phố cấp phép (gia hạn) cho Công ty TNHH Hiệp Đại Hưng tháng 6/2022, thời hạn khai thác đến tháng 6/2023.

Nhiều điểm xuất hiện các hố sâu quá đầu người, miệng hố rộng hàng chục mét (Ảnh: Hoài Sơn).

Qua kiểm tra, khi kết thúc khai thác công ty chưa đảm bảo được các yêu cầu bồi hoàn, tái tạo mặt bằng và hỗ trợ các chính sách cho người dân. Thành phố đã chỉ đạo các cấp có thẩm quyền không chấp thuận giải thể doanh nghiệp khi chưa hoàn thành trách nhiệm.

Phó Chủ tịch thành phố Đà Nẵng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường làm việc với công ty này, bắt buộc thực hiện các nghĩa vụ để sớm đảm bảo quyền lợi của người dân.

Theo ông Cường, nếu doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ phục hồi môi trường, thành phố sẽ không cho phép tham gia bất kỳ hoạt động khai thác khoáng sản nào trong tương lai trên địa bàn thành phố.

“Không thể có chuyện khai thác, lấy khoáng sản xong, được lợi ích rồi đến lúc cuối cùng thực hiện các nghĩa vụ thì không làm”, ông Cường nhấn mạnh.



Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/vung-dat-loang-lo-ho-sau-hoang-hoa-khi-cong-ty-khai-thac-khoang-san-rut-di-20250513185708472.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *