Ông Nguyễn Hải Ninh nêu rõ quan điểm như vậy tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 do Bộ Tư pháp vừa tổ chức.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Thu Hằng).
Dẫn lại các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh khẳng định việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học với sự tham gia tích cực, đồng bộ của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học.
Chủ trương lần này, theo ông Ninh, chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm phục vụ sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ lấy ý kiến nhân dân như các cơ quan khác trong thời gian một tháng và có nhiệm vụ tổng hợp các ý kiến góp ý trình Chính phủ để trình Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, cho rằng quá trình chuẩn bị cho sửa đổi, bổ sung Hiến pháp được tiến hành rất kỹ lưỡng, các cơ quan phối hợp chặt chẽ và đã báo cáo cấp có thẩm quyền.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp tập trung vào 2 nhóm nội dung quan trọng. Một là các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội. Hai là các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Bên cạnh đó sẽ có quy định chuyển tiếp nhằm bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.
Tại hội nghị, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ gợi ý, nên chăng bổ sung thêm một khoản vào Điều 111 Hiến pháp như sau: Chính quyền địa phương chỉ tổ chức 2 cấp, gồm chính quyền cấp tỉnh và chính quyền cấp dưới tỉnh.
Như thế, theo ông Tuấn, dù chính quyền cấp dưới tỉnh có được chia thành phường, xã, liên phường, liên xã, đặc khu hay sau này tùy theo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội có thể có thêm phủ, trấn, thành phố… thì chính quyền địa phương được tổ chức ở đó cũng đều là chính quyền cấp dưới tỉnh (đang tạm gọi là cấp xã) và chỉ là một cấp.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nêu ý kiến tại hội nghị (Ảnh: Thu Hằng).
Theo Bộ Tư pháp, chậm nhất là ngày 30/5 các cơ quan, bộ, ngành, địa phương phải gửi báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến về sửa đổi Hiến pháp đến Chính phủ (qua Bộ Tư pháp) để tổng hợp chung.
Cần ghi nhận, tuyên dương cống hiến của cấp huyện
GS. TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, hoàn toàn tán thành chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để đáp ứng yêu cầu sắp xếp lại hệ thống tổ chức và bộ máy hành chính Nhà nước theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Khi bỏ cấp huyện, ông Lý cho rằng cần có hình thức ghi nhận, tuyên dương những cống hiến của cấp huyện trong suốt quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc vừa qua.
Ông đề nghị 2 cấp hành chính ở địa phương nên là cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở (cấp xã). Đồng thời, quy định khái niệm về UBND, HĐND một cách rộng hơn, chung hơn.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/sua-hien-phap-du-o-pham-vi-quy-mo-nao-cung-rat-he-trong-thieng-lieng-20250514205311918.htm