Thông tin được Bộ Y tế nêu trong báo cáo tổng kết thi hành pháp luật phòng chống mua bán người vừa gửi tới Bộ Tư pháp.
Phân tích về tình hình nạn nhân, Bộ Y tế cho biết chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm 90%) và đa số thuộc các dân tộc ít người (chiếm trên 80%), thường tập trung ở những vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, đa phần trong số đó có hoàn cảnh kinh tế khó khăn (hơn 80%), gặp những chuyện éo le về gia đình, tình cảm, trình độ học vấn thấp (không biết chữ chiếm 37%).
Cũng có một số cô gái trẻ, học sinh, sinh viên (6,8%) thích hưởng thụ, ăn chơi đua đòi, thiếu cảnh giác nên dễ tin theo lời hứa hẹn của các đối tượng về việc làm ổn định, thu nhập cao hoặc lấy chồng nước ngoài khá giả, dẫn đến bị lừa bán.

Có gần 8.500 nạn nhân mua bán người trong 13 năm qua (Ảnh minh họa: Báo điện tử ĐCS).
“Nạn nhân bị bán ra nước ngoài chiếm trên 98%, trong đó chủ yếu sang Trung Quốc chiếm trên 90%. Đa số nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bóc lột tình dục (80%)”, Bộ Y tế dẫn số liệu.
Thống kê cũng cho thấy, nạn nhân tự trở về Việt Nam chiếm 48%, qua giải cứu hoặc trao trả song phương chiếm gần 82%.
Được nhận định là loại tội phạm ẩn, Bộ Y tế cho rằng việc xác định nạn nhân rất khó khăn. Nhiều trường hợp nạn nhân sau khi bán ra nước ngoài bị giám sát chặt chẽ, nên không có cơ hội báo tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác, nên rất khó khăn trong việc giải cứu.
Báo cáo chưa đầy đủ từ các tỉnh thành phố ghi nhận từ năm 2012 đến đầu năm 2024 có gần 8.400 nạn nhân được hỗ trợ theo quy định. Số lượng nạn nhân bị mua bán được tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu tập trung tại tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang.
Các nạn nhân bị mua bán, sau khi tiếp nhận được lực lượng chức năng (công an, bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương) phối hợp bảo vệ, tổ chức bàn giao, cung cấp thông tin và thực hiện dịch vụ hỗ trợ để nạn nhân nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.
“Hiện nay, tại các địa phương 100% các trường hợp nạn nhân trở về chính thức, tự trở về hoặc được giải cứu nếu có nhu cầu đều nhận được sự hỗ trợ phù hợp. Các nội dung hỗ trợ chủ yếu là cung cấp nơi ăn, nghỉ tạm thời, tư vấn tâm lý xã hội. Đối với các trường hợp ốm đau, sức khỏe yếu được hỗ trợ chữa trị ban đầu; trợ cấp tiền tàu xe, tiền ăn khi trở về nơi cư trú. Các nạn nhân cũng được hỗ trợ pháp lý như làm thủ tục về hộ khẩu, cấp chứng minh nhân dân, giấy khai sinh, tham gia tố tụng”, Bộ Y tế thông tin.
Cả nước hiện có 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó 195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập, thuộc các loại hình cơ sở trợ giúp xã hội theo Nghị định 103/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.
Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống mua bán người vừa gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Y tế đề xuất tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống mua bán người sử dụng số điện thoại ngắn (111) của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em để tiếp nhận tố giác, tin báo về hành vi mua bán người.
Tổng đài hoạt động 24 giờ tất cả các ngày, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động. Tổng đài thực hiện ghi âm tự động và miễn cước phí đối với tất cả các cuộc gọi đến, gọi đi.
Cá nhân, cơ quan, tổ chức khi phát hiện hành vi mua bán người hoặc phát hiện bản thân mình có nguy cơ bị mua bán thì gọi đến số điện thoại của tổng đài để báo tin, tố giác.
Người tiếp nhận phải thông báo cho cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi mua bán người để giải quyết theo quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/gan-8500-nan-nhan-mua-ban-nguoi-trong-13-nam-qua-20250515081518772.htm