Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp ngày 5/2.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết việc sửa đổi luật nhằm tiếp tục đổi mới chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân quyền giữa cơ quan Nhà nước ở Trung ương với địa phương, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.
Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, dự thảo Luật quy định mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng mở rộng việc áp dụng mô hình chính quyền đô thị tại quận của TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng để áp dụng cho tất cả các quận của thành phố trực thuộc Trung ương.
Đối với đơn vị hành chính đô thị, dự thảo luật nêu phương án tổ chức cấp chính quyền địa phương đầy đủ gồm HĐND và UBND tại thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại quận, phường, xã thuộc đô thị, Chính phủ đề xuất không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức UBND là cơ quan hành chính tại địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý đây là dự án luật rất quan trọng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước, kịp thời tháo gỡ khó khăn về phân quyền, phân cấp, đổi mới quản lý.
Việc không tổ chức HĐND các xã trong đô thị, xã ở thị trấn, xã ở thành phố thuộc thành phố, theo ông Định, là vấn đề mới, khác hoàn toàn với hiện nay. “Vấn đề này chưa có chủ trương của Bộ Chính trị nên phải xin ý kiến Bộ Chính trị”, ông Định nói.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng nếu tổ chức theo mô hình phường, quận không thành lập HĐND sẽ giảm bớt trung gian và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, với mô hình tại các xã thuộc đô thị, ông đề nghị cần phải rà soát và thuyết minh, làm rõ hơn cơ sở chính trị và pháp lý, thực tiễn cũng như đánh giá tác động chính sách.
Liên quan đến mô hình tổ chức chính quyền ở địa phương, cụ thể hơn là việc đề xuất không tiếp tục tổ chức HĐND ở các đơn vị hành chính xã thuộc địa bàn đô thị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết đã có cơ sở thực tiễn khi thực hiện thí điểm ở cấp quận, phường trước đây.
“Chính phủ đã sơ kết, báo cáo Quốc hội cho thấy hiệu quả rất tốt, tác động tích cực là cơ bản”, ông Tùng nói và cho biết ủng hộ đề xuất này, bởi đây không phải bỏ HĐND ở tất cả đơn vị hành chính xã, mà chỉ ở xã thuộc địa bàn đô thị.
“Không tổ chức HĐND ở các xã thuộc địa bàn đô thị cũng là một hướng để thúc đẩy việc quản lý, điều hành, cũng như việc thực hiện các chủ trương, chính sách chuyển đổi dần dần từng bước hoàn toàn theo mô hình đô thị nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn”, ông Tùng nói.
Ông đánh giá đây là đổi mới có tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển cũng như thúc đẩy phương thức quản lý, ứng dụng những phương thức hiện đại, phù hợp với xu thế chung.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị đánh giá rõ những vấn đề được, chưa được khi không tổ chức HĐND ở các xã thuộc đô thị.
Phải đánh giá mặt được, chưa được, từ phân tích, so sánh đó trình ra Quốc hội mới thuyết phục được, theo lời ông Mẫn.
“Vấn đề gì cũng nói phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, dân biết, mà nhân dân dựa vào HĐND, dân bầu ra HĐND, không có HĐND ở những chỗ này thì phải lý giải, giải thích cho kỹ”, ông Mẫn nói.
Ủng hộ đề xuất của Chính phủ song Chủ tịch Quốc hội đề nghị có phân tích, giải thích hợp lý, thuyết phục.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị phân tích rõ ưu điểm, nhược điểm, cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn của từng phương án có tổ chức và không tổ chức HDNĐ ở các xã thuộc đô thị, để trình Bộ Chính trị cho ý kiến.
Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều, giảm 84 điều so với Luật hiện hành. Dự thảo Luật dự kiến được thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khóa XV.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/chinh-phu-de-xuat-bo-hdnd-o-cac-xa-thuoc-do-thi-20250205151712666.htm