Sáng 1/7, huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũ) chính thức trở thành đặc khu Côn Đảo trực thuộc TPHCM mới. Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công đặc khu Côn Đảo, rất đông người dân và doanh nghiệp đến từ sớm để giải quyết các thủ tục hành chính.
Nâng cấp hạ tầng, máy móc phục vụ người dân
Trong ngày đầu Côn Đảo trở thành đặc khu thuộc TPHCM, anh Nguyễn Hoàng Phương (khu dân cư số 5, đặc khu Côn Đảo) đến Trung tâm Phục vụ hành chính công đặc khu Côn Đảo làm thủ tục hành chính từ sớm. Tại khu vực một cửa, anh Phương cho biết, cán bộ tiếp nhận và xử lý hồ sơ hỗ trợ anh rất nhiệt tình, chu đáo, nhờ đó đã giải quyết xong công việc nhanh chóng.
Người dân đặc khu Côn Đảo được cán bộ tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục hành chính sáng 1/7 (Ảnh: Lý Huyền).
Trong thời khắc ý nghĩa khi ngày đầu quê hương Côn Đảo trực thuộc thành phố mang tên Bác, anh Phương hy vọng lãnh đạo thành phố quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho đặc khu Côn Đảo, để nơi đây sớm trở thành trung tâm du lịch quốc tế chất lượng cao. Anh mong TPHCM đầu tư thêm hệ thống giao thông kết nối để người dân Côn Đảo gần hơn với đất liền, đặc biệt trong những mùa thời tiết khắc nghiệt, biển động.
Ông Phan Trọng Hiền, Chủ tịch UBND đặc khu Côn Đảo cho biết, đặc khu Côn Đảo có diện tích tự nhiên là 75,79km2, quy mô dân số hơn 6.500 người. Những lần “chạy” thử mô hình 2 cấp, trung tâm hành chính công đã vận hành trơn tru, đúng quy trình, nên cán bộ không bỡ ngỡ.
Trụ sở Đảng ủy đặc khu Côn Đảo (Ảnh: Lý Huyền).
Trong ngày làm việc đầu tiên khi trở thành đặc khu, cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công đã đến cơ quan từ sớm, sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính.
Nhằm đẩy mạnh công tác làm việc trực tuyến, chính quyền đặc khu Côn Đảo đã nâng cấp tốc độ đường truyền lên nhanh gấp 3 lần so với trước. Đồng thời, đơn vị đã trang bị thêm nhiều máy móc, phương tiện để trung tâm hành chính công hoạt động thông suốt khi trở thành đặc khu.
Kỳ vọng Côn Đảo sớm bứt phá
Ông Cao Vũ Linh (ngụ tổ dân cư số 7) cho biết, Côn Đảo từng là đặc khu thuộc Vũng Tàu – Côn Đảo, nay khi trở thành đặc khu Côn Đảo thuộc TPHCM, ông kỳ vọng quê hương sẽ phát triển giàu mạnh hơn.
“Côn Đảo đang là tâm điểm phát triển du lịch xanh, có đầy đủ tiềm năng phát triển du lịch chất lượng cao. Khi trực thuộc siêu đô thị TPHCM, chắc chắn đặc khu Côn Đảo sẽ có sự phát triển cao hơn, mạnh hơn, bền vững hơn vì thành phố mang tên Bác có đủ tiềm lực, sự năng động để đáp ứng yêu cầu”, ông Linh kỳ vọng.
Anh Nguyễn Hoàng Phương tại Trung tâm Phục vụ hành chính công đặc khu Côn Đảo (Ảnh: Lý Huyền).
Theo ông Linh, những năm qua, cơ sở hạ tầng từ đường sá đến trường học, chợ, bệnh viện ở Côn Đảo được đầu tư mạnh mẽ, phát triển rất tốt. Đặc biệt, ngành du lịch ở Côn Đảo đang phát triển rất mạnh. Hiện, các phương tiện giao thông kết nối Côn Đảo với Cần Thơ, TPHCM phát triển cả đường thủy và hàng không. Tàu cao tốc đi lại giữa đảo và đất liền được mở nhiều tuyến, rút ngắn thời gian cho người dân, cán bộ đi công tác cũng dễ dàng hơn.
Ngoài ra, trên địa bàn Côn Đảo, hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng, công viên… được đầu tư, giúp tiện nghi xã hội dành cho người dân đầy đủ hơn. Khi trở thành đặc khu của TPHCM, người dân Côn Đảo kỳ vọng sẽ được hưởng thêm các chế độ, chính sách an sinh, phúc lợi xã hội.
Anh Đoàn Hải Đăng (Ảnh: NVCC).
Anh Đoàn Hải Đăng (24 tuổi, hướng dẫn viên tự do tại Côn Đảo) sinh ra và lớn lên ở Côn Đảo, chia sẻ, những ngày này anh trải qua chuỗi cảm xúc đa dạng, đan xen giữa niềm vui, kỳ vọng. Khi quê hương được sáp nhập vào TPHCM, anh Đăng mong chờ đường sá, cảng biển, sân bay được nâng cấp, giúp việc giao thương và du lịch thuận tiện hơn. Người dân trên đảo có thêm nhiều cơ hội việc làm, dịch vụ y tế, giáo dục – văn hóa phát triển.
Theo anh Đăng, khi chuyển đổi mô hình hành chính mới sẽ mở ra cơ hội để cải cách mạnh mẽ nền hành chính, ứng dụng công nghệ vào quản lý và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn; đồng thời, đưa Côn Đảo tiếp cận gần hơn với tiêu chuẩn của một đô thị thông minh, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và hấp dẫn về du lịch.
Côn Đảo là tên một quần đảo ngoài khơi thuộc TPHCM, cách phường Vũng Tàu (TPHCM) 97 hải lý và cách sông Hậu 45 hải lý. Côn Đảo có diện tích tự nhiên là 75,79km2 và quy mô dân số hơn 6.500 người.
Năm 1977, Quốc hội quyết định tên gọi chính thức là Côn Đảo. Côn Đảo cũng là đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũ, nay trở thành đặc khu Côn Đảo thuộc TPHCM. Côn Đảo có cùng một kinh độ với trung tâm TPHCM (106°36′) và cùng một vĩ độ với tỉnh Cà Mau (8°36′).
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/ky-vong-dac-khu-con-dao-phat-trien-vuot-bac-khi-thuoc-sieu-do-thi-tphcm-20250701095815930.htm