Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai: Phải nghĩ lớn, làm lớn

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai: Phải nghĩ lớn, làm lớn


Hội tụ đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa

Sau sáp nhập, tỉnh Gia Lai hiện sở hữu diện tích tự nhiên hơn 21.576km2, trở thành địa phương lớn thứ hai cả nước (sau Lâm Đồng), với dân số hơn 3,5 triệu người và 135 đơn vị hành chính cấp xã, phường.

Theo ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, quy mô diện tích và dân số lớn đã hội tụ cho tỉnh những tiềm năng, lợi thế chiến lược để phát triển nhanh và bền vững.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai (bên phải) trò chuyện với cán bộ tỉnh Gia Lai cũ trong ngày sáp nhập tỉnh (Ảnh: Doãn Công).

Với vị trí địa lý đặc biệt, nằm ở trung tâm liên kết vùng giữa Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, theo ông Dũng, Gia Lai được kỳ vọng sẽ đóng vai trò đầu mối giao thương, là cửa ngõ kết nối cảng biển quốc tế Quy Nhơn với cao nguyên Pleiku và khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia.

Ông cho biết, hạ tầng kinh tế – xã hội của tỉnh đang từng bước được đầu tư đồng bộ, với hệ thống sân bay, cảng biển, đường bộ và cửa khẩu quốc tế hiện hữu. Trong tương lai gần, việc hình thành sân bay quốc tế, các tuyến cao tốc, đường sắt tốc độ cao và cảng nước sâu Phù Mỹ sẽ tạo điều kiện thuận lợi vượt trội cho phát triển thương mại, logistics, công nghiệp chế biến và du lịch.

Gia Lai còn sở hữu dư địa lớn về đất đai, tài nguyên thiên nhiên phong phú, tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào và nguồn nhân lực trẻ, năng động. Nền tảng nông – lâm nghiệp bền vững, công nghiệp đang chuyển dịch theo hướng hiện đại cùng tiềm năng du lịch – dịch vụ đa dạng là những lợi thế cạnh tranh nổi bật của tỉnh.

Người dân đến giải quyết công việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Gia Lai (Ảnh: Doãn Công).

“Hiếm địa phương nào có tiềm năng, lợi thế như Gia Lai khi sở hữu một vùng cao nguyên rộng lớn, bờ biển dài 134km, có cả vùng đồng bằng trù phú, 2 sân bay, cảng biển… Có thể nói, tỉnh gần như là đất nước Việt Nam thu nhỏ, hội tụ đủ các điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Vấn đề là làm sao phát huy được những tiềm năng này, đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của khu vực”, ông Dũng nhấn mạnh.

Thách thức và định hướng phát triển

Bên cạnh những tiềm năng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, thách thức mới đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị.

Ông Dũng chỉ ra rằng, hiện hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô nhỏ, chưa có doanh nghiệp đầu tàu hay dự án lớn đủ sức tạo động lực đột phá cho sự phát triển của tỉnh.

Dù quy mô nền kinh tế sau sáp nhập đạt hơn 255.000 tỷ đồng, đứng top giữa cả nước, nhưng nếu không biết cách khai thác tiềm năng và thu hút các doanh nghiệp dẫn dắt, tỉnh sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo ông, hạ tầng kinh tế – xã hội, đặc biệt là mạng lưới giao thông và hạ tầng logistics mang tính liên kết vùng (giữa Gia Lai và Bình Định trước đây) còn yếu. Một số tuyến đường bộ biên giới chưa đáp ứng yêu cầu vận tải đa phương thức và hệ thống thủy lợi, tưới tiêu ở nhiều vùng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, nguồn lực đầu tư cho phát triển còn hạn chế, thu ngân sách thấp, ảnh hưởng đến chi đầu tư phát triển.

“So với quy mô diện tích, dân số lớn thì trách nhiệm càng lớn nên phải xác định việc nào ưu tiên làm trước, việc nào làm sau. Bây giờ là một nhà, phải chung sức, đồng lòng. Phải nghĩ lớn, làm lớn, làm những việc có lợi cho sự phát triển quê hương Gia Lai. Không có tư tưởng ưu tiên đầu tư cho xã này, phường kia”, ông Dũng nhấn mạnh.

Núi lửa Chư Đăng Ya là một trong những điểm đến thú vị bậc nhất của Gia Lai (Nguồn: Shutterstock).

Với tư cách là người đứng đầu tỉnh, ông Dũng cam kết sẽ là trung tâm đoàn kết, khai thác tốt nhất nguồn lực đầu tư cho phát triển.

Ông cũng yêu cầu Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh cần đánh giá lại hai quy hoạch hiện có (của Bình Định và Gia Lai cũ) để tránh chồng chéo, đảm bảo quy hoạch tỉnh Gia Lai mới phải sát với tiềm năng, thế mạnh, đúng với dư địa và nguồn lực, từ đó có chiến lược đầu tư trọng tâm, phát triển bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho biết sắp tới tỉnh sẽ giao chỉ tiêu cụ thể cho cán bộ của 135 xã, phường, làm cơ sở để đánh giá cán bộ. Tất cả Bí thư, Chủ tịch các xã, phường phải điều hành theo chỉ tiêu, tinh thần “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ sản phẩm, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm.



Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/bi-thu-tinh-uy-gia-lai-phai-nghi-lon-lam-lon-20250702201134435.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *