Sáng 4/7, UBND TPHCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, và bàn nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2025. Đây là phiên họp kinh tế – xã hội đầu tiên của TPHCM sau khi hợp nhất với tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, được kết nối với 168 phường, xã, đặc khu.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được đề nghị các đại biểu nhìn nhận, đánh giá lại những ngày đầu tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Trong đó, lãnh đạo thành phố đề nghị các đại biểu không kể lại kết quả đã đạt được mà đi thẳng vào những tồn tại, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được (Ảnh: HMC).
“Trong những ngày qua, việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp có gì vướng mắc, việc vận hành chính quyền cấp xã có gì khó khăn, các chức năng, nhiệm vụ được phân công xuống phường, xã có trơn tru? Đề nghị các điểm cầu thông tin về tỷ lệ người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tăng hay giảm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức ra sao? Người dân có hài lòng hay không?”, Chủ tịch UBND TPHCM định hướng.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM cũng đề nghị Trung tâm Chuyển đổi số thành phố xem lại đường truyền phục vụ chính quyền phường, xã, các phần mềm phục vụ công việc. Trong đó, lãnh đạo thành phố đề cập tới việc giải quyết hồ sơ hành chính phi địa giới khi hợp nhất 3 địa phương.
Chủ tịch Nguyễn Văn Được cũng cho biết, quy hoạch trước đây của TPHCM được thực hiện ở góc nhìn hẹp của từng địa phương. Sau khi sáp nhập, TPHCM mới có tâm thế mới, dư địa mới, sự phân công và tầm nhìn chiến lược mới.
“Phân vùng chức năng của 3 địa phương đặt ra vấn đề cần quy hoạch lại. Vấn đề đặt ra là cần điều chỉnh, cập nhật, làm mới lại quy hoạch ở góc độ thành phố mới để tận dụng tối đa lợi thế 3 địa phương, cắt gọt những gì từng giao thoa, chồng lấn trước đây”, Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo.
TPHCM sẽ điều chỉnh, cập nhật quy hoạch sau khi hợp nhất với Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu (Ảnh: T.T.).
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Nguyễn Công Vinh thông tin, tổng quan 6 tháng đầu năm, TPHCM có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Tăng trưởng GRDP của TPHCM mới (tính chung 3 tỉnh, thành phố) tăng 5,56%, nếu không tính dầu thô tăng 7,49%. Trong đó, TPHCM trước đây tăng 7,82%, Bình Dương tăng 8,3%, Bà Rịa – Vũng Tàu âm 2,2%.
Về tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), TPHCM mới có tổng cộng 945 dự án cấp mới trong 6 tháng đầu năm với tổng vốn 4,72 tỷ USD, tăng hơn 32% so với cùng kỳ. TPHCM mới đặt mục tiêu phấn đấu thu hút đầu tư nước ngoài cả năm đạt 10,44 tỷ USD.
Về mặt tồn tại, hạn chế, công tác tham mưu một số nhiệm vụ của thành phố đối với công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn có phần bị động do khối lượng công việc tại một thời điểm quá lớn. Công tác huy động nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế – xã hội còn chậm, các quỹ đất lớn sẵn sàng mời gọi đầu tư vẫn chưa có, hoặc chưa hoàn thiện về mặt pháp lý.
Bên cạnh đó, nhiều công trình cấp bách, trọng điểm chưa đảm bảo tiến độ do thiếu cát san lấp. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm, công tác phối hợp, đôn đốc giữa các chủ đầu tư và UBND các quận, huyện trước đây trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn có nơi chưa đáp ứng yêu cầu.
Một vấn đề khác được UBND TPHCM đề cập tới là tỷ lệ giải ngân kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ còn thấp. Tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản còn diễn biến phức tạp với nhiều hình thức.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/tphcm-danh-gia-nhung-ngay-dau-hop-nhat-van-hanh-mo-hinh-chinh-quyen-moi-20250704091609973.htm