Từ thực tiễn cho thấy, rất nên áp dụng drone vào công tác cứu người

Từ thực tiễn cho thấy, rất nên áp dụng drone vào công tác cứu người


Ngày 4/7, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, đã ký quyết định tặng Bằng khen đối với anh Trần Văn Nghĩa vì có thành tích đặc biệt trong công tác cứu hộ, cứu nạn.

Theo đó, anh Nghĩa (30 tuổi, trú tại xã Chư Sê) là người nhanh trí dùng drone (máy bay không người lái) chuyên phun thuốc trừ sâu, bón phân, để giải cứu 2 em nhỏ bị kẹt giữa dòng nước chảy xiết trên sông Ba, Gia Lai vào ngày 3/7.

Anh Trần Văn Nghĩa cùng chiếc drone dùng để cứu 2 cháu nhỏ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Sau khi thông tin anh Nghĩa dùng drone để cứu người được đăng tải, rất nhiều ý kiến thắc mắc, hiện nay drone đã được áp dụng trong công tác cứu nạn cứu hộ chưa, đã có khung pháp lý nào quy định việc sử dụng drone để cứu người chưa?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, một chuyên gia PCCC&CNCH nhấn mạnh, trước hết, hành động của anh Nghĩa dùng drone để cứu người là một hành động rất đáng khen, và hành động đó cũng rất may mắn là không để xảy ra sự cố đáng tiếc nào.

Theo vị chuyên gia, hiện nay tại nước ta chưa có văn bản hay khung pháp lý nào quy định về việc sử dụng drone để cứu người, mà mới chỉ dừng lại ở việc cảnh sát sử dụng để trinh sát đám cháy. Tuy nhiên phía quân đội và một số nước trên thế giới đã sử dụng trực thăng trong công tác cứu nạn, cứu hộ.

Cháu nhỏ được anh nông dân sử dụng drone để giải cứu thoát dòng nước lũ (Ảnh: Cắt từ clip).

“Tất cả các lý luận hay văn bản quy phạm pháp luật cũng đều xuất phát từ thực tiễn, và cụ thể như vụ anh Nghĩa dùng drone để cứu 2 cháu bé ở Gia Lai vừa qua. Trong tình huống khẩn cấp, đây là một sự lựa chọn tốt nhất để cứu người và có thể áp dụng drone để cứu nạn, cứu hộ”, vị chuyên gia nói.

Cũng theo vị chuyên gia, dưới góc độ khung pháp lý, trong thời gian tới, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu nên được áp dụng, mua sắm hoặc sản xuất các trang thiết bị drone để có thể áp dụng như tình huống của anh Nghĩa nêu trên. Từ đó có thể xây dựng căn cứ, cơ sở pháp lý và áp dụng trong thực tiễn.

Nói về việc, trong thời gian tới, cơ quan chức năng có nên áp dụng drone vào công tác cứu nạn, cứu hộ không?, vị chuyên gia PCCC&CNCH khẳng định: “Từ thực tiễn cho thấy, rất nên áp dụng drone vào công tác cứu người”.

Một thiết bị bay trình diễn chữa cháy trực tiếp tại triển lãm PCCC năm 2023 diễn ra ở Hà Nội (Ảnh: Hữu Nghị).

Vị chuyên gia lý giải, tất cả lý luận hay văn bản pháp luật cũng đều xuất phát từ những phát sinh trong thực tiễn, và đây sẽ là căn cứ để các cơ quan chức năng, các trung tâm đào tạo nghiên cứu có thể hoàn thiện dưới góc độ kỹ thuật, công nghệ… để áp dụng trong việc ứng cứu con người.

“Từ những kết quả nghiên cứu đã thành công, cơ quan chức năng sẽ xây dựng các khung pháp lý để áp dụng việc sử dụng drone vào công tác cứu nạn, cứu hộ. Tại sao hiện nay công nghệ phát triển mà mình không áp dụng vào thực tiễn thì nó rất phí phạm.

Đặc biệt là thiết bị drone hiện nay không chỉ được áp dụng trong quân sự, sản xuất nông nghiệp, mà đây cũng sẽ là một hướng gợi mở để có thể áp dụng vào công tác cứu nạn cứu hộ”, vị chuyên gia PCCC&CNCH chia sẻ thêm.



Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/tu-thuc-tien-cho-thay-rat-nen-ap-dung-drone-vao-cong-tac-cuu-nguoi-20250704190050573.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *