Sẽ trình Chính phủ đề án thí điểm phục hồi các dòng sông

Sẽ trình Chính phủ đề án thí điểm phục hồi các dòng sông


Theo ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Đề án thí điểm phục hồi các dòng sông sẽ được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trước tháng 1/2026.

“Đây là một chương trình tổng thể, hướng tới phục hồi nguồn nước một cách bền vững, thông qua rà soát và đánh giá lại tình hình sử dụng nước, thu gom và xử lý triệt để nước thải. Đồng thời đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình phù hợp với điều kiện từng địa phương”, ông Hiếu cho hay.

Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Ảnh: Hoài Nguyễn).

Việt Nam hiện có khoảng 3.450 con sông, phân bố trên ba lưu vực sông lớn và các khu vực sông ven biển. Dưới áp lực của quá trình phát triển kinh tế – xã hội, nhiều dòng sông ở nước ta đang bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau, đặc biệt là tại khu vực trung và hạ lưu, nơi có mật độ dân cư đông và nhiều hoạt động sản xuất, đô thị.

Điển hình, theo ông Hiếu, có thể kể đến như sông Cầu đoạn qua Thái Nguyên, sông Sài Gòn qua TPHCM. Kênh rạch nội đô tại các đô thị lớn như Hà Nội TPHCM hiện nay không còn đúng nghĩa là dòng sông tự nhiên mà trở thành nơi dẫn nước thải.

Một số hệ thống sông liên vùng, liên huyện, liên tỉnh như Bắc Hưng Hải, Nhuệ – Đáy qua Hà Nội, Ninh Bình… cũng đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Các ao hồ trong khu vực đô thị vốn trước đây có vai trò tạo cảnh quan và điều tiết sinh thái, theo ông Hiếu, hiện nay cũng trở thành nơi chứa chất thải, có mức độ ô nhiễm đáng báo động.

Tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trước tiên do xử lý nước thải sinh hoạt ở đô thị hiện nay. “Lượng nước thải sinh hoạt sơ bộ lên tới hơn 9 triệu m3/ngày, trong khi hệ thống xử lý nước thải đô thị hiện có khoảng 80 trạm, với tổng công suất thiết kế chỉ khoảng 1,5 triệu m3/ngày; thực tế mới xử lý được khoảng 17% lượng nước thải”, ông Hiếu dẫn chứng.

Hà Nội đang thực hiện nhiều dự án để hồi sinh “dòng sông chết” Tô Lịch (Ảnh: Nguyễn Đông).

Trong khi đó, tình trạng nước thải từ các khu công nghiệp, làng nghề cũng gây ra nhiều lo lắng. Hiện có gần 300 khu công nghiệp trên toàn quốc, trong đó khoảng hơn 270 khu đang được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung; phần còn lại chủ yếu là các cơ sở sản xuất nhỏ vẫn xử lý nước thải phân tán tại chỗ, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm cao.

Việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi thiếu kiểm soát, dẫn đến tồn dư hóa chất chảy ra môi trường nước. Chất thải rắn còn được đổ bừa bãi trên hệ thống kênh, sông, ao, hồ làm gia tăng ô nhiễm nghiêm trọng.

Hoạt động khai thác cát, sỏi quá mức và các hoạt động khác cũng khiến nhiều dòng sông bị suy giảm nghiêm trọng về lưu lượng nước, dòng chảy bị gián đoạn hoặc không còn. Khi mùa khô kéo dài, lượng mưa giảm hoặc mưa lớn gây ngập úng cũng làm cho mức độ ô nhiễm tích tụ và gia tăng.

Ông Hiếu nói Đề án thí điểm phục hồi các dòng sông sẽ đề xuất nhóm giải pháp nhằm rà soát, đánh giá và điều chỉnh quy trình vận hành của hệ thống công trình thủy lợi hiện có – trước đây được xây dựng theo hướng đơn mục tiêu, nay cần phục vụ đa mục tiêu.

Bên cạnh đó sẽ xây dựng và ban hành mô hình tổ chức lưu vực sông, từng bước thực hiện thí điểm để phục hồi các nguồn nước. Đề án còn dự tính đầu tư vào hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải triệt để và xây dựng các công trình điều tiết nhằm đảm bảo dòng chảy.

“Chúng ta hoàn toàn có thể từng bước làm sống lại những dòng sông đang bị tổn thương nghiêm trọng, trả lại sức sống cho nguồn nước và sinh kế bền vững cho người dân”, ông Hiếu tin tưởng.



Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/se-trinh-chinh-phu-de-an-thi-diem-phuc-hoi-cac-dong-song-20250712110756551.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *