Sáng 18/7, tại Hà Nội, báo Dân trí phối hợp với Văn phòng UBND TP Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chuyển đổi xe máy xăng ở nội đô: Vì một Hà Nội xanh”.
“Chính sách hỗ trợ nào cũng phải đặt quyền lợi người dân lên hàng đầu”
Trao đổi tại buổi tọa đàm, ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, theo tinh thần chỉ đạo của TP Hà Nội, đơn vị đang phải khẩn cấp triển khai ngay các điều kiện cần thiết để từ 1/7/2026, chính thức cấm toàn bộ phương tiện xe máy chạy nhiên liệu hoá thạch di chuyển trong phạm vi Vành đai 1.
Những ngày qua, phòng Kế hoạch – Tài chính Sở Xây dựng Hà Nội thường xuyên theo dõi các nền tảng xã hội cũng như lắng nghe tất cả các thông tin, chia sẻ của người dân.
“Một điều tôi cho rằng rất mừng là hầu hết người dân ủng hộ chủ trương này. Song bên cạnh đó, người dân cũng có những băn khoăn. Tôi cho rằng những băn khoăn này là những nội dung rất cần thiết mà cơ quan chuyên môn của TP Hà Nội phải giải quyết”, ông Phan Trường Thành nói.
Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá, có những chính sách tác động cụ thể đến người dân, đặc biệt là những người yếu thế.
Trong mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội có chia sẻ về việc Hà Nội dự kiến hỗ trợ cho người dân 3-5 triệu đồng để chuyển đổi xe máy từ xe xăng sang xe điện.
Về thông tin này, ông Phan Trường Thành khẳng định, đây mới là sản phẩm nghiên cứu của đơn vị tư vấn, đề xuất trong dự thảo nghị quyết với một loạt các cơ chế, chính sách đi kèm.
Đây chưa phải là nội dung kết luận cuối cùng cũng như quyết định của TP Hà Nội, bởi nội dung này phải sử dụng ngân sách nên phải qua nhiều quy trình, thủ tục.
Quang cảnh buổi tọa đàm (Ảnh: Thành Đông).
“Xây dựng một nghị quyết sử dụng ngân sách của thành phố qua 17 bước, từ cấp cơ sở lên rồi qua thẩm định các bước, lấy ý kiến phản biện xã hội, thông qua Mặt trận Tổ quốc, thẩm định các ban của uỷ ban thành phố mới đến Hội đồng nhân dân thành phố biểu quyết để đưa ra mức cuối cùng”, ông Phan Trường Thành nói và cho rằng mức hỗ trợ nào cũng phải đặt người dân lên hàng đầu.
Ngoài việc hỗ trợ người dân, Hà Nội cũng cần khẩn trương hoàn thiện cơ sở hạ tầng về trạm sạc và đây cũng là nội dung rất quan trọng trong dự thảo nghị quyết lần này.
Để giải quyết được câu chuyện cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch lưu thông trong Vành đai 1 từ 1/7/2026, Hà Nội phải giải mã được tất cả những vấn đề mà người dân còn đang băn khoăn.
Trong đó, người dân sẽ đặt câu hỏi đầu tiên là: “Cấm xe máy, tôi sẽ đi bằng phương tiện gì?”. Trách nhiệm của Hà Nội là phải bố trí lại toàn bộ mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Trong Vành đai 1 hiện nay có 45 tuyến buýt hoạt động. Theo chỉ đạo mới nhất của lãnh đạo Sở Xây dựng, trong thời gian tới Phòng Kế hoạch – Tài chính sẽ đưa bổ sung một loạt xe buýt điện cỡ nhỏ để có thể phù hợp với kết cấu mặt cắt đường của các tuyến đường giúp người dân tiếp cận một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất.
Theo ông Phan Trường Thành, để người dân tiếp cận được xe buýt phải có điểm dừng đỗ. Tại các điểm dừng đỗ này phải có trạm sạc và các dịch vụ cho thuê xe máy điện. Song đây chỉ là các biện pháp trước mắt còn về lâu dài chúng ta phải xây dựng mạng lưới tàu điện.
“Không thể chậm trễ được nữa”
Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, Chỉ thị 20 trọn thời điểm tháng 7/2026 để cấm xe máy sử dụng nguyên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1 là vừa đủ, cần thiết và không thể chậm trễ được nữa.
Lý giải về điều này, ông Phan Trường Thành cho biết, trước đây chúng ta xây dựng một mạng lưới đường sắt đô thị mất 15-19 năm mới hoàn thành, thủ tục đầu tư trải dài.
Ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính Sở Xây dựng Hà Nội (Ảnh: Thành Đông).
Thời gian qua Bộ Chính trị, Trung ương đã nhận thức được vấn đề này và yêu cầu Hà Nội, TPHCM phải xây dựng 2 đề án phục vụ cho phát triển đường sắt đô thị tại 2 thành phố lớn này.
Quốc hội cũng đã ra Nghị quyết 188 với một loạt cơ chế, chính sách tất cả là chỉ định thầu, lựa chọn đặc biệt chứ không thông qua các thủ tục, quy trình như trước đây.
“Một điều mà tôi cho rằng quan trọng đó là điểm nghẽn của điểm nghẽn trước đây là thể chế thì nay lại là động lực và nguồn lực.
Đặc biệt là một loạt các cơ chế, chính sách mà Đảng và Nhà nước thay đổi vừa rồi đã cắt bỏ mọi thủ tục rườm rà để chúng ta triển khai thực hiện”, ông Phan Trường Thành nói.
Ông cho biết thêm, thông điệp của Hà Nội là mong muốn người dân ủng hộ những chính sách lớn của thành phố đã, đang và sẽ làm trong thời gian tới.
Điều quan trọng nhất là xây dựng Hà Nội xanh, sạch, đẹp, văn minh và giải quyết được 2 vấn đề lớn mà Tổng Bí thư, Đảng, Nhà nước giao cho là tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Tại buổi tọa đàm, thông tin về Vành đai 1, ông Phan Trường Thành cho biết, đây là vành đai lõi đô thị trung tâm của Hà Nội bao gồm cả địa giới hành chính mới và cũ.
Theo đó, lộ trình hướng tuyến khép kín của Vành đai 1 bắt đầu từ Trần Khát Chân về đến Đại Cồ Việt – Xã Đàn – Đê La Thành – Cầu Giấy – Bưởi – Lạc Long Quân – dọc đê Yên Phụ – Trần Quang Khải – Nguyễn Khoái với chiều dài khoảng 23km, diện tích khoảng 26km2.
Trong đó, bao gồm cả diện tích của hồ Tây khoảng 5km2; Vành đai 1 đi qua khoảng 5 quận cũ, còn theo chính quyền địa phương 2 cấp hiện nay thì đi qua 9 phường.
Ranh giới về mặt địa lý có 6 phường nằm trọn trong Vành đai 1, có 3 phường nằm một phần.
Người dân định cư trong Vành đai 1 theo số liệu thống kê ban đầu khoảng 600.000 với khoảng 450.000 phương tiện xe máy các loại đang di chuyển, sinh hoạt. Số phương tiện này hiện mới chỉ tính trong Vành đai 1.
Trong Vành đai 1 có 7 tuyến đường hướng tâm chính quan trọng, gọi là xuyên tâm.
Ông Phan Trường Thành đánh giá, 7 tuyến này là rất quan trọng bởi toàn bộ lượng phương tiện gồm cả ô tô, xe máy sẽ tập trung rất lớn vào khu vực trung tâm của Hà Nội.
Trong đó, khu vực phía Nam sông Hồng chúng ta có 5 tuyến hướng tâm đến Vành đai 1, chủ yếu bám theo các tuyến quốc lộ như Đại lộ Thăng Long, quốc lộ 32, quốc lộ 6,…
Bên phía Bắc sông Hồng có 2 trục chính dẫn thẳng đến Vành đai 1 là qua cầu Chương Dương và cầu Long Biên và sau này sẽ có thêm cầu Tứ Liên.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/ha-noi-ho-tro-nguoi-dan-3-trieu-dong-de-chuyen-doi-xe-may-chi-la-de-xuat-20250718102220215.htm