Tối 25/7, đêm nhạc Dòng thời gian – Bài ca đi cùng năm tháng số tháng 7 với chủ đề Quê hương tuổi thơ tôi diễn ra tại Hà Nội và được phát sóng trực tiếp trên Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội.
Ca sĩ Mộc Ân, Quán quân cuộc thi Tiếng hát Hà Nội 2024 thể hiện ca khúc “Quê hương” trong đêm nhạc, tạo nên khoảnh khắc sâu lắng và đầy cảm xúc (Ảnh: Ban tổ chức).
Góp mặt trong đêm nhạc là các nghệ sĩ trẻ từng ghi dấu tại Tiếng hát Hà Nội 2024 như Mộc An – Quán quân Tiếng hát Hà Nội 2024, Chou Tú Ngọc – Á quân dòng nhạc nhẹ, Ninh Trịnh Quang Minh – Giải nhất dòng nhạc nhẹ. Bên cạnh đó là sự tham gia của nhiều nghệ sĩ như: Vy Anh, Bích Ngọc, Khánh Chi, Nam Giang, Thu Thủy.
Chương trình còn có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp như: Nghệ sĩ cello Bùi Hà Miên, nghệ sĩ piano Bùi Đăng Khánh, nghệ sĩ flute Hồng Ánh, nghệ sĩ saxophone Lê Duy Mạnh, nghệ sĩ guitar Xuân Thịnh… với những bản phối kết hợp giữa hàn lâm và đương đại.
Nghệ sĩ saxophone Lê Duy Mạnh (vest đen) và Ninh Trịnh Quang Minh (bên phải), Giải nhất dòng nhạc nhẹ Tiếng hát Hà Nội 2024 mang đến không gian âm nhạc mang đậm hơi thở hoài niệm (Ảnh: Ban tổ chức).
Đêm nhạc mở màn bằng bản hòa tấu Ký ức tuổi thơ (sáng tác Nguyễn Hữu Tuấn), được trình diễn bởi dàn nhạc Dòng thời gian cùng nghệ sĩ piano Bùi Đăng Khánh và nghệ sĩ cello Bùi Hà Miên. Những thanh âm mở đầu đã đặt khán giả vào một không gian trầm lắng và sâu lắng, mở ra hành trình âm nhạc về tuổi thơ.
Phần I của chương trình mang tên Kỷ niệm tuổi thơ, tái hiện những hình ảnh, âm thanh gắn bó với bao thế hệ. Mở đầu với phóng sự ngắn về vùng đất Vĩnh Cát, tiếp đến là ca khúc Reo vang bình minh, thể hiện bởi Vy Anh, CLB Sao tuổi thơ và dàn nhạc Dòng thời gian, khán giả như được trở lại với những buổi sớm tinh khôi, trong vắt của thời thơ ấu.
Ca sĩ Bích Ngọc trình bày ca khúc “Em đi giữa biển vàng”, mang đến không khí trữ tình và sâu lắng trong đêm nhạc (Ảnh: Ban tổ chức).
Ngay sau đó, ca khúc Em đi giữa biển vàng xuất hiện với 2 phiên bản. Trước hết là bản hát do ca sĩ Bích Ngọc thể hiện cùng vũ đoàn Hà Nội Trẻ, tiếp đến là bản khí nhạc, phối theo phong cách giao hưởng với phần trình diễn của nghệ sĩ piano Bùi Đăng Khánh và nghệ sĩ flute Hồng Ánh – tạo nên một góc nhìn khác, tinh tế hơn cho tác phẩm quen thuộc.
Tiếp nối là Đưa cơm cho mẹ đi cày (sáng tác Hàn Ngọc Bích) do Khánh Chi thể hiện cùng phần solo saxophone của nghệ sĩ Lê Duy Mạnh và guitar của nghệ sĩ Xuân Thịnh, gợi nhắc hình ảnh bình dị, gần gũi nơi làng quê.
Loạt tiết mục tiếp theo như: Đi học (thơ Hoàng Minh Chính, sáng tác Bùi Đình Thảo) được dựng theo 2 bản phối, một phiên bản truyền thống do Nam Giang trình bày cùng CLB Sao tuổi thơ, một phiên bản swing jazz do Ninh Trịnh Quang Minh thể hiện. Tất cả tạo nên sự đối thoại giữa hoài niệm và hiện đại ngay trên cùng một sân khấu.
Ca sĩ Nam Giang (áo trắng) thể hiện ca khúc “Đi học”, gợi lại những ký ức trong trẻo của tuổi thơ qua giai điệu quen thuộc, da diết (Ảnh: Ban tổ chức).
Ca khúc Hạt gạo làng ta, một tác phẩm gắn bó với bao thế hệ học sinh cũng được dựng song song 2 phiên bản. Bản hát do Bích Ngọc thể hiện cùng thiếu nhi và dàn nhạc, bản jazz do Chou Tú Ngọc trình bày cùng nghệ sĩ piano Bùi Đăng Khánh và saxophone Lê Duy Mạnh.
Không chỉ là đêm nhạc đơn thuần, chương trình còn lồng ghép các phóng sự tài liệu về tác giả Hoàng Minh Chính, hoàn cảnh ra đời bài thơ Đi học, chân dung nhà thơ Trần Đăng Khoa và hành trình sáng tác Hạt gạo làng ta… Những thước phim được dàn dựng khéo léo, góp phần tạo nên dòng chảy ký ức liền mạch, sâu lắng và giàu cảm xúc.
Phần II mang tên Miền quê trong ký ức, mở đầu với Quê hương tuổi thơ tôi (sáng tác Từ Huy) do Thu Thủy thể hiện, gợi nhớ những hình ảnh gần gũi như dòng sông, mái đình, bến nước, cây đa…
Ca sĩ Thu Thủy (váy trắng) cùng nghệ sĩ guitar Xuân Thịnh thể hiện “Quê hương tuổi thơ tôi” với phần trình diễn mộc mạc, gợi lên những hình ảnh trong trẻo và thân thuộc về quê hương thời niên thiếu (Ảnh: Ban tổ chức).
Ca khúc Giấc mơ trưa (sáng tác Giáng Son) được trình bày dưới dạng khí nhạc với phần trình diễn cello của nghệ sĩ Bùi Hà Miên, tạo nên cảm xúc man mác, thân thuộc như một giấc mộng tuổi thơ.
Tiếp nối là các ca khúc Quê tôi (sáng tác Anh Minh), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (sáng tác Châu Đăng Khoa) và Mong ước kỷ niệm xưa (sáng tác Xuân Phương) lần lượt khắc họa những miền ký ức về quê hương.
Từ sự gần gũi của làng quê Việt đến cảm xúc dịu dàng của lứa tuổi học trò, chương trình khép lại bằng một tiết mục hợp xướng kết hợp vũ đạo với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ…
Source link: https://dantri.com.vn/giai-tri/thi-sinh-tieng-hat-ha-noi-hoi-ngo-tai-hien-ky-uc-tuoi-tho-bang-nhac-jazz-20250726124618204.htm