Bệnh viện Vinmec Central Park (TPHCM) vừa công bố thành công ca điều trị động kinh kháng trị ở trẻ em bằng công nghệ robot định vị AutoGuide, đánh dấu lần đầu tiên kỹ thuật này được triển khai tại Việt Nam.
Bệnh nhi B.Q.K. (sinh năm 2016, Hà Nội) được chẩn đoán mắc bệnh động kinh từ năm 2021. Ban đầu, bé đáp ứng tốt với thuốc, nhưng đến năm 2024, tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Chị C.L.V, mẹ bé, chia sẻ: “Dù đã tăng liều và kết hợp nhiều loại thuốc, con vẫn lên cơn thường xuyên, có ngày hàng chục lần bị co giật.”
Các cơn co giật kéo dài không chỉ đe dọa sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển trí tuệ của bé. Gia đình đã tìm kiếm phương pháp điều trị ở nhiều nơi, kể cả nước ngoài, với mong muốn con có thể sống khỏe mạnh và có giấc ngủ trọn vẹn.
Với hệ thống robot thông minh giúp bác sĩ định vị và đưa điện cực vào não bộ một cách chính xác, nhanh chóng, hạn chế tối đa xâm lấn, với vết mổ chỉ vài milimet… (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
ThS.BS Trương Văn Trí, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, cho biết trường hợp của bé K. rất phức tạp.
Các kỹ thuật chẩn đoán thông thường như điện não đồ da đầu, cộng hưởng từ (MRI) hay PET scan đều không thể xác định rõ ổ động kinh. Bệnh nhi đã sử dụng thuốc tối đa liều nhưng không kiểm soát được bệnh.
Sau khi hội chẩn đa chuyên khoa, các bác sĩ quyết định áp dụng kỹ thuật đặt điện cực nội sọ dưới định vị của Robot AutoGuide. Đây là công nghệ tiên tiến chưa từng được triển khai tại Việt Nam.
“Việc đặt điện cực nội sọ và ghi điện não đồ nội sọ (SEEG) liên tục nhiều ngày sẽ giúp xác định chính xác ổ động kinh. Đây là kỹ thuật chuyên sâu, đòi hỏi độ chính xác gần như tuyệt đối, không làm tổn thương các cấu trúc thần kinh và mạch máu quan trọng”, bác sĩ Trí thông tin.
Bác sĩ cho biết, trước đây, việc định vị đặt điện cực chủ yếu dựa vào tay nghề và kinh nghiệm của phẫu thuật viên. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của robot dẫn đường thông minh, quá trình này trở nên chính xác, nhanh chóng hơn, hạn chế tối đa xâm lấn với vết mổ chỉ vài milimet.
Sau 7 ngày theo dõi điện não đồ nội sọ, các bác sĩ đã xác định được ổ động kinh của bé K. nằm sâu tại vùng trán ổ mắt phải và thùy trán dưới, nơi tập trung nhiều dây thần kinh và mạch máu lớn như thị giác, khứu giác.
Ngày 17/6, ca phẫu thuật loại bỏ ổ động kinh đã được thực hiện. Nhờ định vị chính xác từ robot, ca mổ diễn ra an toàn, hạn chế mất máu, thời gian can thiệp ngắn và không để lại di chứng thần kinh.
Hơn một tháng sau phẫu thuật, bé B.Q.K. đã hồi phục tốt, sinh hoạt và vui chơi bình thường, không có bất kỳ khiếm khuyết thần kinh nào. Số cơn co giật giảm đáng kể, chỉ còn 2 cơn nhẹ trong khi ngủ so với hàng chục cơn mỗi ngày trước đó.
Một tháng sau phẫu thuật, bệnh nhi hồi phục tốt (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Theo y văn, phẫu thuật động kinh có thể giúp 60-80% bệnh nhân kiểm soát hoặc hết hoàn toàn co giật nếu thực hiện đúng chỉ định và kỹ thuật.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính khoảng 30% bệnh nhân động kinh không đáp ứng với điều trị bằng thuốc.
Trong những trường hợp này, phẫu thuật loại bỏ ổ động kinh là một trong những lựa chọn hiệu quả nhất, dù việc xác định chính xác vị trí tổn thương trong não thường rất khó khăn, đặc biệt khi vùng bệnh nằm sâu hoặc lan rộng.
Source link: https://dantri.com.vn/suc-khoe/be-gai-9-tuoi-thoat-canh-co-giat-chuc-lan-moi-ngay-nho-ky-thuat-dac-biet-20250725174657236.htm