Chuyện tình ở lại nơi mái nhà điều dưỡng

Chuyện tình ở lại nơi mái nhà điều dưỡng


Giữa những dãy phòng lặng lẽ của Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất (xã Long Hải, TPHCM), tình yêu và sự gắn bó vẫn âm thầm hiện diện. Không ồn ào, không phô trương, những mối quan hệ ấy bền bỉ theo năm tháng như một phần đời tiếp nối sau chiến tranh.

Ở nơi đang chăm sóc những phận đời mang theo thương tích và ký ức chiến tranh, người ta vẫn tìm thấy nhau, đồng hành và san sẻ như cách họ đã cùng vượt qua những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc đời.

Em gái thay chị làm… vợ

Tại phòng số 19 của Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất, một cụ bà tóc bạc đang cẩn thận đút từng thìa sữa cho người đàn ông nằm trên giường bệnh.

Cụ bà là Lê Thị Điểu (SN 1946, quê An Giang cũ), còn cụ ông là Ngô Văn Trao (SN 1940, quê Tây Ninh cũ). Họ là vợ chồng, nhưng ít ai ngờ rằng, mối duyên giữa hai người lại bắt đầu từ một câu chuyện hiếm gặp.

Cụ Điểu kể, ông Trao bị thương ở chân trong một trận chiến năm 1969. Sau giải phóng 1975, ông chuyển đến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sinh sống và quen bà Lê Thị Ánh (chị ruột của cụ Điểu) khi bà đang buôn bán dạo tại địa phương. Tình cảm nảy nở, hai người nên duyên vợ chồng và có với nhau một con gái. Tuy nhiên, di chứng chiến tranh khiến sức khỏe ông Trao ngày một yếu, và ông được đưa vào điều trị dài hạn tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất.

Năm 1988, bà Ánh đột ngột qua đời do bạo bệnh. Mất vợ, cụ Trao vừa đau buồn vừa đối mặt với nỗi cô đơn trên giường bệnh.

37 năm qua, cụ Điểu luôn bên cạnh chồng, chăm lo cho ông Trao từng miếng ăn, giấc ngủ (Ảnh: Xuân Đoàn).

Không lâu sau đó, cụ Điểu tìm đến trung tâm. “Năm đó tôi 42 tuổi, chưa lập gia đình. Tôi đến chăm sóc anh rể vì nghĩ ông ấy nằm một mình sẽ buồn, mà chị Ánh cũng ra đi không được thanh thản nếu chồng không ai bên cạnh”, cụ kể.

Những ngày đầu, cụ Điểu chỉ coi việc chăm sóc ông Trao là cách thay chị gái hoàn thành một lời hứa thầm lặng. Thời gian trôi qua, sự tận tâm và gắn bó của cụ khiến các y bác sĩ, đồng đội thương binh và gia đình đều cảm nhận được một điều gì đó hơn cả tình thân. Mọi người khuyên hai người nên thành vợ chồng để nương tựa tuổi già.

“Lúc đầu tôi cũng ngại, nhưng thấy ai cũng động viên. Tôi chưa từng lập gia đình, mà cũng chăm ông Trao chẳng khác gì vợ chăm chồng. Sau đó, chúng tôi đăng ký kết hôn. Từ đó đến giờ đã 37 năm”, cụ Điểu chia sẻ.

Gần bốn thập kỷ qua, cụ Điểu luôn túc trực bên giường bệnh, là chỗ dựa lặng lẽ cho người chồng thương binh. Hai năm gần đây, sức khỏe ông Trao yếu dần do tuổi cao và vết thương cũ tái phát, thường xuyên phải nhập viện tuyến trên. Tuy vất vả, nhưng cụ Điểu vẫn kiên trì chăm sóc, động viên chồng vượt qua khó khăn.

Tình thân không ranh giới

Sát bên phòng của cụ Trao là phòng của vợ chồng ông Mai Văn Hương (SN 1963, quê Hà Nội) và bà Lê Thị Hồng Nga (SN 1969) – con gái ông Trao và người vợ đầu.

Trong suốt thời gian cha điều trị tại trung tâm, bà Nga thường xuyên lui tới thăm nom, cùng mẹ kế chăm sóc cha. Không chỉ là mối dây kết nối giữa hai thế hệ, bà Nga còn là một phần đặc biệt trong mối duyên hiếm có của cha mình và người phụ nữ từng là em gái của mẹ.

Bà Nga chăm sóc chồng (Ảnh: Xuân Đoàn).

Thời điểm ấy, ông Mai Văn Hương cũng đang điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất. Ông Hương cho biết, mình bị thương trong chiến dịch tại Campuchia năm 1984. Sau khi về nước, ông trải qua nhiều đợt điều trị tại các cơ sở khác nhau trước khi được chuyển về trung tâm này. Di chứng chiến tranh khiến ông phải gắn bó với xe lăn suốt quãng đời còn lại.

Qua những lần trò chuyện, hỏi han, bà Lê Thị Hồng Nga (con gái cụ Trao) biết được ông Hương không còn người thân bên cạnh, chỉ có vài người cháu họ ở quê xa, ít có dịp lui tới. Nhìn thấy ông Hương sống lặng lẽ một mình, bà dần nảy sinh tình cảm và sau đó, hai người quyết định gắn bó với nhau như vợ chồng, cùng chung sống tại trung tâm với cụ Trao và cụ Điểu.

“Thời điểm đó cũng có nhiều người bàn ra tán vào, vì tôi khỏe mạnh, còn anh Hương thì đau ốm. Nhưng tôi chọn theo con tim của mình. Tôi thấy mẹ Điểu dành cả đời chăm sóc ba tôi, thì bản thân tôi chẳng có lý do gì để ngại. Người ngoài có thể nói gì cũng được, còn tôi sống với quyết định của chính mình”, bà Nga chia sẻ.

Những năm đầu chung sống, ông Hương vẫn còn đủ sức tự chăm sóc bản thân. Dù phải ngồi xe lăn, đôi tay còn khỏe nên ông vẫn có thể đi lại trong khuôn viên trung tâm. Nhờ vậy, bà Nga có thể ra ngoài làm công nhân tại Bình Dương, mỗi 1-2 tuần lại về trung tâm thăm chồng.

Khoảng ba năm trở lại đây, ông Hương bị tai biến, tay chân yếu dần, không còn khả năng tự phục vụ. Bà Nga quyết định nghỉ làm để ở lại trung tâm chăm sóc chồng toàn thời gian.

Ngồi tựa trên giường bệnh, ông Hương nghẹn ngào nói: “Tôi biết ơn bà Nga nhiều lắm. Nếu không có bà, chắc tôi không sống nổi tới giờ. Tôi bị tai biến mấy lần, may mà lúc nào bà cũng bên cạnh. Thỉnh thoảng trái gió trở trời, tâm lý tôi không ổn nên có lỡ lời với vợ, nhưng trong lòng tôi thương bà lắm. Tôi mang ơn bà suốt đời”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thăm hỏi, động viên thương binh Mai Văn Hương nhân dịp Ngày Thương binh – Liệt sỹ (Ảnh: Xuân Đoàn).

Chỗ dựa hậu phương

Tại đây, phóng viên còn gặp vợ chồng ông Nguyễn Công Thắng (SN 1960) và bà Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1980). Đây cũng là một trường hợp điển hình của tình yêu và sự đồng hành, khi người vợ khỏe mạnh trở thành chỗ dựa vững chắc cho chồng thương binh, tương tự câu chuyện của bà Nga và ông Hương.

Ông Thắng chia sẻ, ông nhập ngũ năm 1978, đến năm 1979 thì được điều động sang chiến trường Campuchia. Cuối năm 1980, trong một trận truy quét, ông vướng phải bẫy mìn và bị cụt cả hai chân. Sau khi được chuyển về nước điều trị, ông đến Trung tâm Long Đất vào cuối năm 1982.

Tại đây, ông quen và kết hôn với một giáo viên mầm non. Hai người có với nhau hai con trai, nay đều đã trưởng thành. Năm 2019, vợ ông qua đời vì bệnh.

Khoảng năm 2021, ông Thắng gặp bà Loan – cũng là một giáo viên mầm non. Qua vài lần trò chuyện, họ cảm mến nhau rồi quyết định gắn bó như vợ chồng.

“Anh Thắng mất hai chân, tôi còn đủ hai chân thì coi như mình là chỗ dựa cho anh”, bà Loan chia sẻ. Bà cho biết gia đình mình cũng có ông nội và bác là thương binh, nên bà dễ đồng cảm với hoàn cảnh của ông Thắng và không hề e ngại khi quyết định kết hôn.

Những câu chuyện tình của cụ Điểu và cụ Trao, của bà Nga và ông Hương, hay của vợ chồng ông Thắng bà Loan tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất là minh chứng cho tình yêu bền bỉ, thủy chung trong đời thực. Dù cuộc sống gắn liền với thương tật, bệnh tật và những di chứng chiến tranh, họ vẫn dành cho nhau sự chăm sóc, bao dung và gắn bó, để lại nhiều xúc động cho những người từng gặp gỡ và chứng kiến.



Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/chuyen-tinh-o-lai-noi-mai-nha-dieu-duong-20250726180716581.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *