Ngày 10/11/2021 14:20 PM (GMT+7)
Việc ăn lẩu với thời gian quá lâu, đun nấu liên tục ở nhiệt độ cao, ăn đồ cay nóng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe mà nhiều người không hề hay biết.
Lấy nhiều đồ ăn đun cho ngọt nước lẩu là một sai lầm
Lẩu là món ăn rất quen thuộc, nhất là ở thời điểm miền Bắc đang là mùa đông nên món ăn này được nhiều gia đình lựa chọn. Ngoài lợi thế là đồ ăn nóng, lẩu còn có sự đa dạng trong thực phẩm, thậm chí còn có thể lựa chọn theo ý thích của mỗi người.
Tuy nhiên, việc ăn lẩu cũng cần có những lưu ý nhất định, nếu không sẽ gây hại với cơ thể, không tận dụng được chất dinh dưỡng có trong thực phẩm, ảnh hưởng cả đến hệ tiêu hóa.
Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào – Phó khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, nếu ăn lẩu một cách khoa học thì sẽ rất tốt, nhất là về mặt dinh dưỡng. Ví dụ như các đồ ăn đa số không bị chiên rán qua nhiều dầu mỡ, đồ ăn tươi, đa dạng thực phẩm… Ngoài ra, ăn lẩu thường có đông người, đây cũng là thời điểm gia đình quây quần bên nhau, không khí ấm cúng, tạo ra được nhiều giá trị tinh thần.
Lợi ích lớn nhất khi ăn lẩu là đa dạng thực phẩm, đồ ăn luôn nóng hổi. (Ảnh minh họa)
Khi ăn lẩu, có một số thói quen bác sĩ Anh Đào khuyến cáo người dân nên từ bỏ, đó là việc ngồi ăn quá lâu và cho quá nhiều thực phẩm vào nồi lẩu cùng một lúc. “Ăn lẩu dù đa dạng về thực phẩm, nhưng nếu không biết cách chế biến sẽ làm mất đi toàn bộ giá trị dinh dưỡng”, bác sĩ Anh Đào tư vấn.
Theo đó, nhiều gia đình khi ăn lẩu ngay từ đầu đã cho nhiều thực phẩm vào cùng một lúc, với mục đích để nước lẩu ngon ngọt hơn. Bác sĩ Đào cho biết, đây là thói quen cần phải loại bỏ ngay, thực phẩm khi bị nấu sôi quá lâu, giá trị dinh dưỡng bị hao hụt và không còn nhiều khi đưa vào cơ thể, đặc biệt là các loại rau, cá…
“Khi bị đun sôi trong thời gian lâu, lượng vitamin trong rau sẽ giảm đi rất nhanh, khi đó rau chỉ còn chất xơ không có các vitamin và khoáng chất. Hay như các loại thịt cá, nếu đun trong nồi lẩu quá lâu, các protein bị chia cắt nhỏ. Khi ăn những thực phẩm này, cơ thể hấp thu được rất ít dinh dưỡng”, bác sĩ Anh Đào phân tích.
Ăn lẩu không cho quá nhiều thực phẩm cùng một lúc, nên ăn đến đâu cho đến đó. (Ảnh minh họa)
Vị bác sĩ này khuyến cáo, tốt nhất khi ăn lẩu nên cắt cử một người ngồi “đầu nồi” chuyên có trách nhiệm phân phối đồ ăn cho những người trong mâm. Đồ ăn chỉ nên cho vào lượng vừa đủ, đun đủ chín vớt ra và sử dụng ngay. Thức ăn đã chín không nên để nguội, xong nhúng lại cho nóng rồi mới sử dụng. Ngoài ra, cũng không nên ăn các thực phẩm khi mới chín tái, vì ngoài ảnh hưởng tiêu hóa, nguy cơ nhiễm ký sinh trùng rất cao.
Ăn lẩu quá lâu gây áp lực lớn cho hệ tiêu hóa
Bác sĩ Anh Đào cho biết có nhiều người chuẩn bị nồi lẩu ra ăn chỉ với mục đích là để ngồi lai rai được lâu hơn bữa cơm bình thường. Điều này là không nên, khi ăn lẩu không nên ngồi lâu quá 2 tiếng.
“Khi ăn lẩu cũng chỉ nên ngồi trong vòng khoảng trên dưới 1 tiếng. Thời gian kéo dài, chất lượng bữa ăn không ngon vì không có nồi nước lẩu nào đun 2 tiếng mà vẫn đầy, tươi ngon, các thực phẩm không ăn kịp sẽ bị nhũn…
Đáng lưu ý hơn việc ngồi lâu sẽ gây áp lực lên hệ tiêu hóa rất lớn. Thông thường bữa ăn hàng ngày chỉ kéo dài khoảng 30 phút, hệ tiêu hóa đã quen với nhịp sinh học đó. Nếu ngồi ăn lẩu kéo dài đến vài tiếng sẽ khiến hệ tiêu hóa hoạt động nhiều, có thể gây quá tải, rối loạn tiêu hóa…”, bác sĩ Đào khuyên.
Ăn lẩu quá lâu, ăn đồ quá nóng, uống rượu bia khi ăn lẩu gây ảnh hưởng lớn đến hệ tiêu hóa. (Ảnh minh họa)
TS.BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cũng tư vấn, các gia đình không nên ngồi ăn lẩu quá lâu, trên 2 giờ. Bởi khi ngồi ăn lâu như vậy, dạ dày sẽ phải làm việc liên tục để tiết ra dịch vị nhằm tiêu hóa thức ăn, điều này là hoàn toàn không tốt. Khi phải làm việc liên tục, lượng dịch vị tiêu hóa tiết ra sẽ bị giảm, từ đó gây rối loạn tiêu hóa.
Ngoài ra, tính chất của việc ăn lẩu là ăn nóng, trong khi ngồi ăn thời gian quá lâu, liên tục đưa các chất cay nóng (nước lẩu, gia vị, rượu bia, thực phẩm nóng…) vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng, thậm chí tổn thương niêm mạc miệng, thực quản, dạ dày…
Khi ăn lẩu tốt nhất nên khống chế thời gian khoảng một tiếng, nên ăn đồ đã được nấu chín, hạn chế đồ cay nóng, nhất là không nên uống rượu bia khi ăn lẩu.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/vi-sao-bua-lau-dung-lau-qua-2-tieng-giai-dap-khien…
Thời tiết mùa đông rất thích hợp để ăn các món ấm nóng như lẩu. Tuy nhiên khi ăn lẩu cần phải chú ý không ăn khi quá nóng nếu không sẽ tự hại chính…
Theo Lê Phương. (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)