Danh sách thuốc giả mà Công an tỉnh Thanh Hóa thu giữ trong vụ án Nguyễn Tiến Đạt và đồng bọn vừa công bố bao gồm nhiều tên thuốc quen thuộc: Tetracyclin, Clorocid, Neo-Codion… và hàng loạt thuốc xương khớp được quảng cáo là thuốc ngoại nhập, với bao bì bắt mắt, ghi mác công ty tại Hồng Kông, Malaysia, Singapore.
Lực lượng công an kiểm tra số thuốc giả (Ảnh: Công an Thanh Hóa).
Điều đáng lo ngại là các loại thuốc này chủ yếu được tiêu thụ qua mạng xã hội, chợ thuốc tự do hoặc bán trực tiếp cho người dân, không cần đơn của bác sĩ.
Người bệnh mất cơ hội sống
Trao đổi với Dân trí, ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam khẳng định: “Sử dụng thuốc giả là hành vi nguy hiểm không khác gì ‘đánh bạc’ với sức khỏe và tính mạng chính mình”.
Theo BS Mạnh, một trong những mối nguy lớn nhất của thuốc giả là che giấu triệu chứng thật, làm trì hoãn chẩn đoán và điều trị đúng hướng, khiến bệnh âm thầm tiến triển, dẫn tới biến chứng khó lường.
ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).
Đặc biệt, trong các bệnh lý mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, xương khớp…, hậu quả có thể nghiêm trọng hơn nếu người bệnh chủ quan hoặc tin vào “thuốc ngoại xách tay”, “thuốc gia truyền”.
Ví dụ như bệnh nhân tăng huyết áp hoặc suy tim uống phải thuốc giả có thể làm nặng tình trạng suy tim hoặc huyết áp dẫn đến đột quỵ nguy hiểm tính mạng.
“Người bệnh nghĩ mình đang được điều trị, nhưng thực chất không có bất kỳ hoạt chất nào tác động. Trong thời gian đó, bệnh diễn tiến âm thầm, tổn thương mô – cơ – khớp không ngừng tăng lên. Đến khi họ quay lại bệnh viện, tình trạng đã ở giai đoạn muộn, khó cứu chữa”, BS Mạnh thông tin.
Không chỉ vậy, nhiều loại thuốc giả được sản xuất thủ công, pha trộn từ thảo mộc không rõ nguồn gốc, bột màu công nghiệp, thậm chí có lẫn kim loại nặng như chì, thủy ngân.
Một số loại thuốc trong đường dây thuốc giả (Ảnh: Công an Thanh Hóa).
Nếu tích tụ lâu dài, các chất này có thể gây độc gan, suy thận, rối loạn tiêu hóa, rối loạn thần kinh và tổn thương mạch máu – hậu quả không chỉ dừng lại ở hiệu quả điều trị, mà tác động trực tiếp lên toàn bộ cơ thể người dùng.
Từ danh sách thuốc giả bị Công an Thanh Hóa thu giữ, BS Mạnh đặc biệt quan tâm đến nhóm thuốc điều trị xương khớp, vốn được tiêu thụ rất phổ biến trong cộng đồng người cao tuổi tại Việt Nam.
Theo BS Mạnh, các loại thuốc xương khớp giả thường hay trộn corticoid liều cao để nhanh giảm bớt các triệu chứng. Tuy nhiên, điều này sẽ gây biến chứng ở người lớn tuổi như suy tuyến thượng thận, tăng huyết áp, tiểu đường, suy tim… cực kỳ nguy hiểm.
“Nguy hiểm ở chỗ, các sản phẩm này đánh trúng tâm lý của người cao tuổi: sợ tác dụng phụ, ngại điều trị lâu dài, thiếu kiến thức y tế nên rất dễ bị thao túng bởi những quảng cáo thần kỳ”, BS Mạnh phân tích.
Các kênh truyền thông và bệnh viện đã cảnh báo, có nhiều bệnh nhân lớn tuổi nhập viện trong tình trạng biến dạng khớp, thoái hóa nặng, hoại tử vô mạch xương do bỏ điều trị, chuyển sang dùng thuốc “gia truyền” hoặc “xách tay” nhiều tháng trời.
Điểm chung của các bệnh nhân này là đều mua thuốc qua mạng hoặc các hiệu thuốc nhỏ, không hóa đơn, không nhãn phụ tiếng Việt, không rõ nhà nhập khẩu.
Điều khiến BS Mạnh lo ngại nhất là có những trường hợp thuốc không gây tác dụng phụ rõ rệt, người bệnh vẫn cảm thấy “đỡ đau” nhờ hiệu ứng tâm lý, trong khi tổn thương thật vẫn tiếp tục âm thầm diễn tiến.
Clorocid và Tetracyclin giả: Mối nguy kép
Trong số các loại thuốc bị làm giả, Clorocid (chloramphenicol) và Tetracyclin đều là kháng sinh phổ biến trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt ở trẻ em và người lớn tuổi. Tuy nhiên, nếu sử dụng phải thuốc giả, hậu quả có thể vượt xa tưởng tượng.
BSCKI Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khẳng định: “Kháng sinh giả là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng nhiễm khuẩn ban đầu không được kiểm soát, từ đó dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như nhiễm khuẩn huyết, nhiễm trùng lan rộng, thậm chí tử vong”.
BSCKI Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Quang Trường).
Theo BS Thiệu, Tetracyclin là một trong những kháng sinh phổ biến dùng điều trị các nhiễm trùng da, tiết niệu, hô hấp.
Khi người bệnh dùng Tetracyclin giả – tức là không có hoạt chất kháng sinh, hoặc chứa tạp chất – vi khuẩn sẽ không bị tiêu diệt mà tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
“Vi khuẩn không bị kiểm soát sẽ sinh sôi nhanh, lan vào máu, phổi hoặc các cơ quan nội tạng. Đó là lúc nhiễm khuẩn huyết xảy ra. Một tình trạng rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao nếu không được xử lý kịp thời.
Điều đáng nói là bệnh nhân vẫn nghĩ mình đang dùng thuốc, nên không đi khám sớm. Đến khi vào viện thì đã muộn”, BS Thiệu phân tích.
Clorocid, một loại kháng sinh được dùng nhiều trong điều trị các bệnh lý hô hấp ở trẻ em, cũng nằm trong danh sách thuốc bị làm giả.
BS Thiệu nhấn mạnh, Clorocid nếu dùng không đúng chỉ định đã tiềm ẩn nguy cơ gây suy tủy xương, nhưng nếu là thuốc giả thì nguy cơ càng nghiêm trọng hơn do không kiểm soát được thành phần, liều lượng hay nguồn gốc hóa chất.
“Với trẻ nhỏ đang bị viêm phổi, viêm màng não hay nhiễm trùng huyết, dùng kháng sinh giả là gạt bỏ hoàn toàn cơ hội sống còn”, BS Thiệu nhấn mạnh.
BS Thiệu cảnh báo, thói quen dùng kháng sinh theo “truyền miệng”, “mua theo bạn bè”, cộng với sự xuất hiện của thuốc giả trên thị trường, đang tạo thành một “vòng xoáy nguy hiểm”: Người dân tự điều trị – bệnh không khỏi – chuyển nặng – nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Người cao tuổi, trẻ em là nạn nhân lớn nhất
Khác với thuốc kê đơn chỉ bán tại bệnh viện hoặc nhà thuốc lớn, nhóm thuốc xương khớp thường được lưu hành tự do, không yêu cầu đơn bác sĩ. Điều này khiến thuốc giả càng dễ len lỏi vào tủ thuốc gia đình.
Theo các chuyên gia, người cao tuổi là nhóm chịu rủi ro cao nhất vì:
– Thiếu khả năng phân biệt thuốc thật – giả.
– Dễ tin vào quảng cáo.
– Ngại đến bệnh viện tái khám vì sợ phiền phức hoặc chi phí.
– Có nhiều bệnh nền khiến hậu quả khi dùng thuốc giả càng nghiêm trọng.
Một viên thuốc giả không chỉ là sản phẩm gian dối thương mại. Đó là một bẫy độc lừa người bệnh, cướp đi cơ hội sống khỏe và khiến những nỗ lực điều trị chuyên môn bị phá vỡ.
Trước tình trạng thuốc giả tràn lan, chuyên gia y tế khuyến cáo người dân:
– Chỉ mua thuốc từ nhà thuốc uy tín, có dược sĩ tư vấn.
– Không sử dụng thuốc “xách tay” không rõ nguồn gốc hoặc sản phẩm quảng cáo trôi nổi trên mạng.
– Luôn giữ lại vỏ hộp thuốc, tem mác, hóa đơn để đối chiếu khi có bất thường.
– Không tự ý ngừng hoặc thay đổi đơn thuốc của bác sĩ.
Danh mục các loại thuốc giả công an thu giữ:
44 hộp thuốc Tetracyclin
40 hộp Clorocid
49 hộp Pharcoter
52 hộp Neo-Codion
1.232 hộp Nhức khớp tê bại hoàn
4.122 hộp Tui Hua Shen Jing Tong (thường gọi là thuốc thoái hóa Singapore)
2.285 hộp Trùng thảo sâm nhung bổ tỳ khai vị đại bổ hoàn
1.923 hộp Professor’s Pill (thường gọi là “khớp xanh”)
5.172 hộp Mujarhabat Kapsul (cũng thường gọi là “khớp xanh”)
2.017 hộp Gai cốt hoàn
930 hộp Tọa cốt thiên ma thống phong hoàn
6.612 hộp Tuyết liên thiên ma bảo khớp hoàn
1.014 hộp Phong tê nhức Bạch Xà Vương
4.743 hộp Phong tê nhức Hổ Cốt Hoàn
845 hộp Đa xoang mũi
4.012 hộp Viên vai cổ
2.413 hộp Yuan Bone
834 hộp Thoái cốt hoàn Plus
515 hộp Thoái hóa nhức khớp hoàn Plus
657 hộp Thoát hóa tọa cốt đơn
Source link: https://dantri.com.vn/suc-khoe/bac-si-thuoc-gia-la-bay-doc-dac-biet-doi-voi-tre-em-va-nguoi-gia-20250418074749903.htm