Bé gái bị đột quỵ đi cấp cứu rất sớm vẫn tử vong: Chuyên gia chỉ ra bất cập

Bé gái bị đột quỵ đi cấp cứu rất sớm vẫn tử vong: Chuyên gia chỉ ra bất cập


Đi cấp cứu sớm nhưng sai địa chỉ, bé gái đột quỵ tử vong

Theo thống kê của Hoa Kỳ, cứ 10 người bị đột quỵ thì 7 người khó có thể quay lại làm việc như trước đây. Điều này tạo ra gánh nặng rất lớn cho gia đình và cho xã hội.

Tại Việt Nam, mỗi năm có 200.000 ca đột quỵ mới. So với các nước có nền kinh tế tương đương, Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ tử vong vì đột quỵ cao nhất.

Tại hội thảo “Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động”, do báo Tiền Phong phối hợp cùng các đơn vị tổ chức ngày 20/4 ở TPHCM, Phó Giáo sư Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM cho biết, đột quỵ được xem là bệnh lý hàng đầu gây ra tàn phế.

Bác sĩ Thắng nhấn mạnh, đột quỵ không phải là căn bệnh “trời kêu ai nấy dạ”, vì đến 90% các trường hợp đột quỵ đều có yếu tố nguy cơ. Do đó, việc tốt nhất là kiểm soát yếu tố nguy cơ, chứ không phải uống một viên thuốc có thể phòng ngừa điều trị suốt đời.

Phó Giáo sư Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM (Ảnh: BTC).

Dẫn chứng một ca lâm sàng, Phó Giáo sư Thắng cho biết, nơi ông làm việc từng tiếp nhận một ca lâm sàng là bé gái 14 tuổi, không có tiền sử bệnh trước đó. Bé đột ngột yếu liệt nửa người trái và nhà của bệnh nhân này cách TPHCM 20 km.

Ban đầu, bệnh nhân được đưa đến Trung tâm Y tế huyện cách nhà 2km. Đơn vị này nghi ngờ đột quỵ nên chuyển bệnh nhân lên tuyến tỉnh, thêm khoảng cách di chuyển 5km. Sau đó, bệnh viện tỉnh chụp CT, chẩn đoán đột quỵ mới chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115, quãng đường di chuyển 27 km.

“Khi tôi tiếp nhận, thời gian đã kéo dài 24 tiếng. Bệnh nhân đã chết não nên chúng tôi không thể làm gì thêm. Nếu cô bé được chuyển đến chúng tôi ngay từ đầu thì có thể đã khác. Tại sao chúng ta không đưa bệnh nhân đến trung tâm điều trị ngắn nhất?

Thực trạng ở Việt Nam, 80% bệnh nhân khi được đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa điều trị đột quỵ đã vượt quá thời gian vàng (4,5 giờ)”, bác sĩ Thắng trăn trở.

Một trường hợp bệnh nhân đột quỵ điều trị ở Bệnh viện Nhân dân 115 (Ảnh: BS).

Một vấn đề khác được Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM chỉ ra là chỉ 1/5 bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện bằng hệ thống EMS (dịch vụ y tế khẩn cấp), còn đa phần đi cấp cứu đột quỵ bằng phương tiện cá nhân, taxi, thậm chí là xe ôm.

Bên cạnh đó, số lượng xe cấp cứu có hệ thống EMS tại các địa phương cũng còn hạn chế. Ngoài ra, việc ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn khiến xe cấp cứu khó tiếp cận bệnh nhân đúng thời gian vàng, làm giảm hiệu quả điều trị tái thông.

Bài toán nan giải “giờ vàng”

Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, thành viên Hội Can thiệp Thần kinh Thế giới, cho rằng thực tế việc can thiệp các bệnh nhân đột quỵ trong giờ vàng vẫn là bài toán nan giải.

Trong đó, kiến thức cộng đồng là vấn đề lớn nhất, tiếp đến là khoảng cách từ nhà bệnh nhân đến trung tâm đột quỵ, khả năng chuyên môn của bệnh viện, trang thiết bị điều trị… Chi phí điều trị đột quỵ cao cũng gây khó khăn cho những bệnh nhân nghèo.

Bác sĩ Cường khẳng định, Việt Nam đủ khả năng điều trị đột quỵ theo chuẩn quốc tế. Vấn đề hiện tại không nằm ở thiếu năng lực, mà cần đồng bộ hóa hệ thống y tế, tăng cường truyền thông và thay đổi nhận thức cộng đồng.

Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM đề xuất cần thực thi nghiêm túc các chính sách quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá, rượu bia và an toàn vệ sinh thực phẩm – những nguyên nhân gián tiếp làm gia tăng nguy cơ đột quỵ và nhiều bệnh không lây nhiễm khác.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức (Ảnh: BTC).

Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức – Thứ trưởng Bộ Y tế – kêu gọi cộng đồng không nên để “nỗi sợ đột quỵ” lấn át lý trí:

“Chúng ta không nên sợ hãi đến mức ăn gì cũng sợ đột quỵ, đi đâu cũng lo bị đột quỵ. Điều quan trọng là hiểu đúng, biết rõ yếu tố nguy cơ như hút thuốc, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu hay lối sống thiếu vận động, từ đó chủ động phòng ngừa thay vì sợ hãi mơ hồ”.

Ông cũng lưu ý người dân cần biết đến và tiếp cận các cơ sở y tế uy tín trong phòng ngừa, tầm soát đột quỵ.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các cơ sở y tế cần ưu tiên việc khám lâm sàng kỹ lưỡng, tránh lạm dụng cận lâm sàng không cần thiết, giúp người bệnh tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đạt hiệu quả trong phòng ngừa và điều trị.



Source link: https://dantri.com.vn/suc-khoe/be-gai-bi-dot-quy-di-cap-cuu-rat-som-van-tu-vong-chuyen-gia-chi-ra-bat-cap-20250420110430206.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *