Bệnh viện, nhà thuốc nói gì về việc bán thuốc kiểm soát đặc biệt bất chấp?

Bệnh viện, nhà thuốc nói gì về việc bán thuốc kiểm soát đặc biệt bất chấp?


Liên quan đến tình trạng nhiều nhà thuốc trên địa bàn TPHCM và “chợ mạng” bán thuốc kê đơn, thuốc kiểm soát đặc biệt bất chấp quy định, nguồn tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin do báo Dân trí phản ánh, Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra hàng loạt nhà thuốc trên địa bàn.

Qua đó, cơ quan chức năng bước đầu phát hiện một số sai phạm tại các nhà thuốc và đang tiến hành các biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.

Nhà thuốc, công ty dược nói gì?

Trao đổi với phóng viên, đại diện FPT Long Châu cho biết, đơn vị này có mạng lưới hơn 2.025 nhà thuốc trên toàn quốc.

Đơn vị đã đầu tư kho tổng dược phẩm lớn ở phía Bắc và phía Nam, đáp ứng các tiêu chuẩn trong lĩnh vực dược phẩm như GDP, GPP, FM và đáp ứng các điều kiện trữ lạnh chuyên biệt của dược theo chuẩn GSP.

Hệ thống quản lý kho IMS theo dõi toàn bộ quá trình luân chuyển của hàng hóa theo thời gian thực, cùng hệ thống RWM quản lý toàn bộ hệ thống kho từ lúc nhập hàng, số lượng hàng hóa cần soạn mỗi ngày, kiểm soát số lượng hàng thực tế.

Người dân đến hệ thống FPT Long Châu mua thuốc (Ảnh: LC).

Về quy trình mua bán, khi tiếp nhận đơn thuốc hợp lệ từ bác sĩ, đội ngũ dược sĩ của Long Châu sẽ tiến hành tư vấn kỹ cho bệnh nhân, nhằm đảm bảo các tiêu chí: đúng bệnh, đúng thuốc, đúng liều lượng và đúng giá.

Đồng thời, hệ thống áp dụng AI cùng nhiều công nghệ để thực hiện việc kiểm tra, lưu trữ thông tin đơn thuốc, nhắc uống thuốc… chặt chẽ, nhằm đảm bảo tính hợp pháp và an toàn trong quá trình sử dụng.

Với thuốc không kê đơn, khách hàng có thể đặt qua website hoặc ứng dụng của hệ thống.

Để kiểm soát tốt tình trạng bán thuốc kê đơn và thuốc kiểm soát đặc biệt, FPT Long Châu cho rằng phải thực hiện đồng thời nhiều giải pháp. Song song với việc áp dụng chế tài, giải pháp cốt lõi và lâu dài là nâng cao nhận thức của người dân.

Theo đó, cần triển khai các chương trình truyền thông, giáo dục tại nhà trường, xã hội để người dân nắm rõ những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ và thuốc không rõ nguồn gốc.

Mặt khác, phía Long Châu kiến nghị áp dụng chuyển đổi số vào kiểm soát các loại thuốc lưu hành trên thị trường, như sử dụng mã QR code để truy xuất nguồn gốc, số lô, hạn dùng của từng sản phẩm.

Chuyển đổi số cũng nên được áp dụng toàn diện từ các khâu khám, điều trị, mua thuốc. Cùng với xu hướng chuyển đổi số, mô hình mua thuốc trực tuyến tích hợp định danh qua VNeID là một bước tiến quan trọng để hướng đến một hệ sinh thái y tế số an toàn – minh bạch – cá nhân hóa.

Thuốc không kê đơn đã được cho phép mua bán online (Ảnh minh họa: SYT).

Từ ngày 1/1, người dân có thể mua thuốc của FPT Long Châu trực tuyến tại VNeID, sau khi đơn vị này phối hợp với Bộ Công an triển khai dịch vụ xác thực điện tử qua ứng dụng trên.

“Chúng tôi tin rằng, khi có sự phối hợp giữa doanh nghiệp, cơ quan chức năng và công nghệ định danh số như VNeID, việc mua thuốc online sẽ trở nên an toàn, hiệu quả và phục vụ tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng”, phía Long Châu chia sẻ.

Đại diện Công ty TNHH Dược Phẩm Y Đông cho biết, đơn vị thường xuyên phân phối thuốc cho các bệnh viện.

Để kiểm soát chất lượng thuốc, trong mỗi đợt kinh doanh, công ty luôn có kế hoạch gọi hàng từ nhà máy kỹ lưỡng, để làm sao bán hết lô hàng xuất kho trong vòng 3-6 tháng. Nếu kiểm tra phát hiện thuốc có hạn sử dụng dưới 6 tháng, cả công ty lẫn bệnh viện sẽ không nhận hàng.

“Công ty chúng tôi có 2 kho bảo quản thuốc thông thường, một kho bảo quản sinh phẩm. Các hàng sinh phẩm sẽ được giao thẳng từ nhà máy đến bệnh viện, có kèm theo nhiệt kế theo dõi và khi giao phải từ 2-8 độ C. Các kho thuốc luôn được kiểm tra rất kỹ để tránh việc xuất hàng hay mua bán tùy tiện”, phía đơn vị kinh doanh dược khẳng định.

Lãnh đạo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) kiểm tra một kho thuốc thời điểm đầu năm 2025 (Ảnh: BYT).

“Đừng để thuốc kê toa thành thuốc bán tự do”

Dược sĩ chuyên khoa 1 Phạm Ngọc Thảo Uyên, Trưởng khoa Dược tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết, để một loại thuốc được lưu hành hợp pháp trên thị trường bắt buộc phải trải qua quy trình đăng ký nghiêm ngặt và được cấp giấy phép lưu hành bởi Bộ Y tế.

Sau khi thuốc được cấp phép, các cơ sở sản xuất và kinh doanh vẫn phải chịu sự giám sát chặt chẽ từ Bộ Y tế, Sở Y tế cũng như các đoàn thanh kiểm tra chuyên ngành, bao gồm cả kiểm tra định kỳ lẫn đột xuất, nếu có phản ánh từ người dân hoặc cơ sở y tế.

Khoa Dược của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cam kết luôn tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn “Thực hành tốt bảo quản thuốc” (GSP) theo Thông tư 36/2018/TT-BYT của Bộ Y tế.

Bệnh viện cũng thực hiện chặt chẽ các quy định về quy trình quản lý thuốc, đặc biệt là thuốc kê đơn và thuốc kiểm soát đặc biệt.

Theo đó, thuốc kê đơn chỉ được bệnh viện cấp phát khi có đơn hợp lệ từ người hành nghề khám, chữa bệnh. Trước khi cấp phép, dược sĩ sẽ kiểm tra đơn thuốc về tính hợp lý của thuốc sử dụng, liều dùng, đường dùng, thời gian dùng thuốc, chống chỉ định và xác định đúng người bệnh trước khi cấp phát.

Đặc biệt, hệ thống phần mềm quản lý dược được thiết kế để không thể cấp phát thuốc kê toa, nếu không có đơn thuốc điện tử trong hệ thống.

Đối với thuốc kiểm soát đặc biệt nằm trong nhóm thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất sẽ được bảo quản tại kho, tủ riêng của bệnh viện, có khóa chắc chắn và có phân công người quản lý, cấp phát, theo dõi sổ sách.

Với thuốc dạng phối hợp trong nhóm kiểm soát đặc biệt sẽ được để khu vực riêng, không nhầm lẫn với các thuốc khác. Bệnh viện thực hiện báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của Sở Y tế về tình hình sử dụng thuốc kiểm soát đặc biệt.

Người dân chờ khám bệnh, lấy thuốc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn (Ảnh: Bệnh viện).

Dược sĩ Thảo Uyên nhận định, việc buôn bán thuốc giả, thuốc kiểm soát đặc biệt hay thuốc kê toa bất chấp quy định sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và ảnh hưởng đến uy tín của ngành dược.

Cụ thể, thuốc giả hoàn toàn không có tác dụng điều trị, nếu sử dụng có thể dẫn đến tình trạng bệnh trở nặng, kéo dài thời gian điều trị, thậm chí gây tử vong.

Với thuốc kiểm soát đặc biệt (như thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần) khi sử dụng không đúng chỉ định và không có sự giám sát của bác sĩ có thể gây nghiện, rối loạn tâm thần và các tác dụng phụ nguy hiểm khác.

Bên cạnh đó, việc bán thuốc kê toa không theo đơn sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng kháng sinh, gây kháng thuốc, làm giảm hiệu quả điều trị cho cả cộng đồng.

Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho rằng, để tiến hành các giải pháp ngăn chặn việc biến thuốc kê toa thành thuốc bán tự do, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế với các cơ quan chức năng và các cơ sở y tế.

Việc tăng cường giám sát, thanh tra định kỳ và xử lý nghiêm các vi phạm là cần thiết. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ các cơ sở y tế trong việc đào tạo nhân viên về quy trình cấp phát thuốc và nâng cao ý thức sử dụng thuốc an toàn của người dân.



Source link: https://dantri.com.vn/suc-khoe/benh-vien-nha-thuoc-noi-gi-ve-viec-ban-thuoc-kiem-soat-dac-biet-20250504132420184.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *