Bộ Y tế đã làm gì khi phát hiện số lượng lớn sữa giả, thuốc giả?

Bộ Y tế đã làm gì khi phát hiện số lượng lớn sữa giả, thuốc giả?


Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nêu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra chiều 6/5.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đánh giá, vụ việc phát hiện sữa giả, thuốc giả thời gian qua là rất nghiêm trọng, đặc biệt các sản phẩm làm giả có liên quan trực tiếp đến trẻ nhỏ, người bệnh.

Đây là vấn đề vi phạm đạo đức kinh doanh rất nghiêm trọng, các tổ chức cá nhân vì lợi nhuận mà bất chấp, bắt tay nhau lập thành đường dây có tổ chức để trục lợi trong việc làm giả. 

Họ đã bất chấp quy định của pháp luật, coi thường sức khỏe người dân để thu lợi bất chính. Đây là những hành vi đáng lên án, cần xử lý nghiêm để làm bài học cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng. 

Ông Thuấn cho biết, chúng ta có 3 loại thực phẩm là bổ sung, dinh dưỡng và chuyên biệt.

Theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm 2010 và Nghị định 15/2018, thực phẩm bổ sung được phép tự công bố còn thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm cho thức ăn đặc biệt và thực phẩm dinh dưỡng trẻ em buộc phải đăng ký bản công bố sản phẩm. 

Bộ Y tế đã làm gì khi phát hiện số lượng lớn sữa giả, thuốc giả? - 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn (Ảnh: Vũ Phương).

Chủ trương tự công bố nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và đây cũng là hướng quản lý tiếp cận với mô hình tiên tiến của các nước phát triển. 

Tuy nhiên, trong thực tế một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng cơ chế này để sản xuất, kinh doanh sản phẩm kém chất lượng. 

Bộ Y tế ngay sau khi phát hiện vụ việc đã ban hành công văn 832 ngày 23/4, chỉ đạo các tỉnh, thành phố rà soát, kiểm tra và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền địa phương tiến hành thu hồi 12 sản phẩm dinh dưỡng dạng sữa bột là hàng giả. 

Đồng thời Bộ Y tế cũng phối hợp với cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xử lý vụ việc theo quy định, khuyến cáo người dân không nên sử dụng 72 sản phẩm sữa đang được tiếp tục điều tra cho đến khi có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng. 

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định, Bộ Y tế cũng đã làm hết trách nhiệm trong vụ việc trên, ban hành đầy đủ các thông tư, trình Chính phủ các nghị định có liên quan.

Về quản lý giám sát, phần lớn Bộ Y tế đã phân cấp, ủy quyền cho các tỉnh, thành phố, Sở Y tế và Bộ Y tế chỉ có quyết định về tiêu chí, tiêu chuẩn. 

“Xảy ra một số vụ việc như vậy chúng tôi cho rằng có rất nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Chủ quan là do ý thức của người tham gia kinh doanh, đạo đức khi lợi dụng sức khỏe của người dân để trục lợi.

Do chúng ta tiến tới lộ trình quản lý tiên tiến nên một số sản phẩm để các doanh nghiệp tự công bố chất lượng và chính việc này dẫn đến doanh nghiệp làm không đúng”, ông Thuấn nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận, thời gian qua nguồn lực để chúng ta tham gia giám sát là không có và chưa đáp ứng được thực tế.

Để khắc phục điều này, Bộ Y tế đã và đang phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Công Thương cùng thực hiện.

Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ ban hành luật sửa đổi và sắp tới trình Chính phủ ban hành Luật An toàn thực phẩm cùng với các quy định liên quan để quản lý chặt chẽ nhất các sản phẩm liên quan sức khỏe người dân.

Theo ông Thuấn, trong năm 2024, ngành y tế (cả Trung ương và địa phương) đã kiểm tra hơn 354.000 cơ sở y tế, phát hiện hơn 22.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (chiếm hơn 6%) so với số cơ sở được kiểm tra; đã xử lý hơn 9.000 cơ sở vi phạm; phạt tiền hơn 6.600 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 33 tỷ đồng. 

Tại buổi họp báo chiều 6/5, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Người phát ngôn Bộ Công an, cho hay đối với vụ án sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, đến ngày 29/4 Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố, bắt tạm giam 15 đối tượng để điều tra hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, thực phẩm, vi phạm quy định kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đưa hối lộ và nhận hối lộ.

Đối với vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh tại Thanh Hóa và nhiều tỉnh thành trên toàn quốc, theo ông Tuyên, ngày 29/4 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 14 đối tượng về tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, chữa bệnh.

Về vụ việc sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sử dụng phiếu kết quả thử nghiệm giả mạo để đưa sản phẩm ra thị trường do Công ty TNHH công nghệ Herbitech sản xuất.

Ngày 28/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với bốn bị can gồm Phạm Vũ Khiêm, Giám đốc Công ty TNHH công nghệ Herbitech, Vương Thị Hoa, Lê Thị Hồng Vân và Bùi Thị Thu Hà đều là kế toán Công ty Herbitech các giai đoạn từ 2021 đến nay về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã xác định 2 sản phẩm bảo vệ sức khỏe MEDI KID CALCIUM K2 và Ăn ngon BABY SHARK do Công ty TNHH công nghệ Herbitech sản xuất là hàng giả.

Lực lượng chức năng cũng đã thu giữ 115 mẫu sản phẩm bảo vệ sức khỏe do Công ty Herbitech sản xuất có dấu hiệu hàng giả, đang chờ kết quả giám định đối với các mẫu sản phẩm này.



Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-y-te-da-lam-gi-khi-phat-hien-so-luong-lon-sua-gia-thuoc-gia-20250506182442012.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *