Nghệ An thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
Chiều 18/4, UBND tỉnh Nghệ An đã thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn tỉnh.
Theo phương án do Sở Nội vụ Nghệ An trình bày, sau khi sắp xếp, toàn tỉnh còn lại 130 đơn vị hành chính, giảm 282 đơn vị so với trước đây.
Cụ thể, có 9 đơn vị hành chính đủ tiêu chuẩn không cần sắp xếp, 29 đơn vị sẽ được sắp xếp bằng cách nhập 2 đơn vị với nhau và 92 đơn vị sẽ được sắp xếp bằng cách nhập từ 3 đơn vị trở lên.
Sau sắp xếp, trong 130 đơn vị hành chính (gồm 119 xã và 11 phường), có 126 đơn vị mới đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định và 4 đơn vị mới chưa đáp ứng tiêu chuẩn nhưng có các yếu tố đặc thù.
Nghệ An hiện có 12.721 cán bộ, công chức cấp huyện và cấp xã, trong đó có 2.517 cán bộ, công chức cấp huyện. Dự kiến, mỗi đơn vị hành chính cấp xã sẽ có 60 người. Sau sắp xếp, sẽ có 3.530 cán bộ, công chức cấp huyện và cấp xã dôi dư.
Đối với 1.391 viên chức cấp huyện, sẽ được bố trí theo hướng dẫn của Trung ương về tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập thuộc xã. Cán bộ không chuyên trách cấp xã sẽ kết thúc sử dụng từ ngày 1/8.
Tỉnh Nghệ An có 662 cơ sở vật chất sau sắp xếp. Theo phương án, 440 cơ sở sẽ tiếp tục sử dụng, 130 cơ sở sẽ được sử dụng vào mục đích khác, và 92 cơ sở sẽ được thanh lý, đấu giá.
Ông Lê Hồng Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nhấn mạnh việc đặt tên các xã sau sắp xếp cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo thuận tiện cho giao dịch, sinh hoạt của người dân, đồng thời giữ gìn yếu tố truyền thống, văn hóa, lịch sử của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan liên quan rà soát, bổ sung Đề án phương án bố trí số lượng trụ sở làm việc phù hợp cho các đơn vị hành chính cấp xã mới, đảm bảo đáp ứng nhu cầu công tác.
Ông Lê Hồng Vinh giao Sở Nội vụ Nghệ An phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh hoàn thiện dự thảo Đề án, gửi Văn phòng Đảng ủy UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua. Trên cơ sở đó, tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Đề án, để hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trước ngày 1/5.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng giao Sở Nội vụ hướng dẫn cấp huyện sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức phù hợp, minh bạch; tránh tình trạng sau sắp xếp, đơn vị hành chính có điều kiện thuận lợi nhiều cán bộ, công chức cấp huyện đến công tác, còn nơi khó khăn ít người đến.
Địa danh Đà Lạt được gắn sau tên gọi 5 phường
Cùng ngày, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Tỉnh này sắp xếp 137 xã, phường thành 51 đơn vị (giảm 86 đơn vị).
Theo Đề án, sắp xếp 12 phường, 4 xã của thành phố Đà Lạt với thị trấn Lạc Dương, xã Lát (huyện Lạc Dương) thành 5 phường (giảm 13 đơn vị so với trước).
5 phường mới sẽ có tên gọi gồm: phường Xuân Hương – Đà Lạt, phường Cam Ly – Đà Lạt, phường Lâm Viên – Đà Lạt, phường Xuân Trường – Đà Lạt và phường Lang Biang – Đà Lạt.
Một góc trung tâm thành phố Đà Lạt (Ảnh: Minh Hậu).
Trước đó, ngày 16/4, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch lấy ý kiến cử tri, đại diện hộ gia đình về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã trên địa bàn.
Việc này nhằm mục đích phục vụ cho kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp về việc sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn; đảm bảo công khai, dân chủ, đúng quy định pháp luật.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/bon-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-co-yeu-to-dac-thu-sau-sap-xep-20250418183811414.htm