Bữa cơm đặc biệt của những chiến sĩ trên tàu “có thể không bao giờ trở về”

Bữa cơm đặc biệt của những chiến sĩ trên tàu "có thể không bao giờ trở về"


Trung tá Hồ Đắc Thạnh (SN 1934) nguyên là Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân Việt Nam, là người con của mảnh đất Phú Yên.

Năm 15 tuổi, thiếu niên Hồ Đắc Thạnh đã dấn thân vào con đường cách mạng. Năm 1958, ông học tập, làm việc tại Quân chủng Hải quân. Tại đây, ông Thạnh đảm nhận vai trò thuyền trưởng, trực tiếp chỉ huy 12 chuyến tàu vượt biển, vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện vào miền Nam.

AHLLVTND Hồ Đắc Thạnh, nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân Việt Nam (Ảnh: Anh Thắng).

Trong từng chuyến hải trình sinh tử, ông và đồng đội luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó.

Với những cống hiến to lớn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trung tá Hồ Đắc Thạnh vinh dự được Nhà nước trao tặng nhiều Huân, Huy chương cao quý và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND).

Ông Hồ Đắc Thạnh được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2011 (Ảnh: Trung Thi).

Mâm cơm đặc biệt đẫm nước mắt

Năm nay đã ngoài 90 tuổi, dáng đi của vị thuyền trưởng tàu không số năm xưa vẫn vững chãi, đôi mắt tinh anh, giọng trầm ấm khi hồi tưởng về cuộc đời thủy thủ của mình. Ký ức của ông bắt đầu từ mâm cơm “tiễn biệt” vào tháng 9/1963, trước chuyến đi sinh tử cùng tàu 54 vận chuyển vũ khí vào Nam.

“Chỉ một quả pháo bắn vào tàu hay một cơn bão cấp 12 là cả tàu và hơn 21 cán bộ, chiến sĩ, cùng hàng chục tấn vũ khí đều có thể chìm xuống lòng biển cả”, giọng ông chùng xuống, chia sẻ.

Trung tá Hồ Đắc Thạnh giới thiệu về các loại vũ khí từng được vận chuyển trên tàu không số (Ảnh: Trung Thi).

Ông Thạnh nhớ lại, trong phòng ăn nhỏ, giữa không gian tĩnh lặng đến nghẹn ngào, lá cờ đỏ sao vàng được treo trang trọng trên tường, bên dưới là dòng chữ: “Lễ tiễn đưa tàu 54 lên đường chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam”. 

Trong ký ức của vị thuyền trưởng, thức ăn trên mâm được chuẩn bị từ những loại thực phẩm ngon. Nhưng điều đặc biệt nhất không phải là món ăn, mà là ánh mắt, là cái siết tay, là khoảng lặng giữa những người biết rằng có thể đây là lần cuối cùng họ ngồi bên nhau.

Khi ấy, Phó Thủ tướng Phạm Hùng, đại diện cho Đảng, Chính phủ đến để tiễn đưa và động viên từng người lính thủy.

“Chuyến đi của các đồng chí phải vượt qua muôn trùng khó khăn, đưa hàng vào đến bến và trở về miền Bắc an toàn. Nhưng cũng có thể tàu các đồng chí vĩnh viễn không bao giờ về… Nếu tàu các đồng chí không về được thì mâm cơm hôm nay sẽ như một lễ truy điệu sống”, vị thuyền trưởng nhớ lại những lời chia sẻ của Phó Thủ tướng Phạm Hùng trước bữa cơm.

Giọng như nghẹn lại, AHLLVTND Hồ Đắc Thạnh nói: “Ngay giây phút ấy, không ai nói gì, chỉ có những ánh mắt rưng rưng, những trái tim thắt lại”.

Hình ảnh con tàu không số, ngụy trang thành tàu đánh cá để vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam phục vụ chiến đấu giải phóng dân tộc (Ảnh: Do Hải quân Mỹ chụp).

Trong ký ức của ông Thạnh, Phó Thủ tướng lúc đó không chỉ đến tiễn, mà còn ở lại, bắt tay từng người, ôm từng chiến sĩ – những cái ôm siết chặt, như muốn truyền hơi ấm từ Đảng, từ Tổ quốc, từ triệu tấm lòng nhân dân gửi gắm.

Với ông Thạnh, mâm cơm tiễn biệt năm ấy chưa bao giờ phai. Đó không chỉ là một bữa ăn, mà là một nghi lễ thiêng liêng, một lời thề của những người lính.

Lần đầu vượt biển

Cuối năm 1963, lần đầu tiên ông Thạnh được giao nhiệm vụ chỉ huy chuyến tàu mang bí hiệu 41, chở 50 tấn hàng rời bến ở Hải Phòng, vượt biển hướng về miền Nam, điểm đến là bến Khâu Băng (Bến Tre).

Vị thuyền trưởng tàu không số thổ lộ, lần đầu tiên trực tiếp chỉ huy một con tàu trọng tải lớn, dù đã được huấn luyện và chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng trong ông vẫn không tránh khỏi cảm giác lo lắng, căng thẳng.

Trung tá Hồ Đắc Thạnh kể về những chuyến hải trình đầy hiểm nguy của mình (Ảnh: Trung Thi).

Tuy nhiên, với bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng, ông đã không để những lo lắng lấn át. Trong tâm trí ông, chỉ có một mục tiêu duy nhất là phải đưa con tàu vào miền Nam an toàn.

“Chuyến biển đầu tiên này sóng to lắm nên anh em không nấu cơm được. 7 ngày lênh đênh trên biển, thủy thủ đoàn chỉ ăn lương khô, uống nước lã”, ông kể.

Theo ông Thạnh, muốn vào Bến Tre phải vượt qua cửa sông Cổ Chiên. Cửa sông này vô cùng hiểm trở vì ở giữa có một cồn cát cao, thủy triều lên xuống khiến việc vượt qua nó trở thành thử thách sống còn.

Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể khiến con tàu mắc cạn, bị địch phát hiện, không chỉ mất hàng mà cả tính mạng của thủy thủ đoàn bị đe dọa. Ông quyết định tìm đến sự giúp đỡ của người dân địa phương.

Trung tá Hồ Đắc Thạnh cùng đồng đội trong một lần thăm đơn vị hải quân (Ảnh: Trần Quới).

Ông Thạnh nhớ lại, khi ấy gặp một cụ già trên chòi canh, ông chia sẻ về nhiệm vụ thiêng liêng mà mình đang gánh vác. Lúc đó ông hiểu rõ, từng lời nói, hành động không chỉ vì sự an toàn của con tàu mà còn là vì sinh mệnh của hàng chục cán bộ, chiến sĩ đang đặt niềm tin vào ông.

Nhờ sự chỉ dẫn của cụ già, tàu 41 đã vượt qua cửa sông, cập bến Bến Tre an toàn. Con tàu do ông làm thuyền trưởng hoàn thành sứ mệnh, mang theo 50 tấn vũ khí và thuốc men tiếp sức kịp thời cho phong trào kháng chiến của quân dân miền Nam.

Trung tá Hồ Đắc Thạnh nhìn nhận, chuyến đi đầu tiên không chỉ để lại cho ông những bài học quý giá về lòng tin vào nhân dân mà còn là minh chứng cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sự kiên cường và lòng quyết tâm. 

Chuyến tàu trở về quê hương và một đêm không ngủ

Sau 7 chuyến tàu vượt sóng, vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí vào chiến trường miền Nam, tháng 11/1964, ông Hồ Đắc Thạnh nhận lệnh từ cấp trên, mở đường đưa tàu không số cập bến Vũng Rô (Phú Yên).

Một góc di tích bến Vũng Rô, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên và phía trên bến là nhà tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh tại đây (Ảnh: Trung Thi).

Ông Thạnh kể, ngồi trước bàn chỉ huy, nghe cấp trên giao nhiệm vụ, trong lòng ông chợt dâng trào lên một cảm xúc kỳ lạ – hồi hộp, rộn ràng. Lần đầu tiên sau 10 năm xa xứ, ông không trở về để đoàn tụ, mà trở về với sứ mệnh cao cả – mang vũ khí, đạn dược tiếp sức cho quê hương đứng lên giành lại độc lập.

AHLLVTND Hồ Đắc Thạnh nhớ lại, thời điểm đó, khi nhận tin báo biển sẽ động, chỉ huy lực lượng hải quân quyết định cho tàu xuất bến vào giữa tháng 11/1964. Để giữ bí mật, cấp trên yêu cầu đoàn tàu chỉ được phép cập bờ trong khung giờ từ 23h đến 24h và buộc phải rời đi trước 3h hôm sau.

Tối 17/11/1964, tàu 41 lặng lẽ rời Hải Phòng len lỏi trong bóng tối, mang theo 63 tấn hàng và niềm tin sắt đá đi vào Vũng Rô.

“Khi đến vùng biển giáp tỉnh Phú Yên, máy bay của địch bất ngờ xuất hiện. Cánh quạt xoáy tung từng đợt sóng trắng xóa. Tôi vội ra lệnh kéo cờ địch lên đỉnh cột buồm để đánh lừa. Sau vài vòng lượn sát, chiếc máy bay đổi hướng, khuất dần về phía đất liền. Trận đấu trí không tiếng súng, nhưng căng như dây đàn”, ông nhớ lại giây phút hồi hộp ấy.

Nguyên thuyền trưởng tàu không số kể tiếp, 0h ngày 28/11/1964, tàu 41 âm thầm cập bến Vũng Rô, đón đoàn là anh “Sáu Râu” (cố Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Trần Suyền) – một người quen thân của ông thuở nhỏ. 

Thông tin về việc tiếp nhận vũ khí ở Vũng Rô, phía trên bên phải là hình ảnh của cố Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Trần Suyền, bên trái là Trung tá Hồ Đắc Thạnh (Ảnh: Trung Thi).

“Tôi chở 63 tấn vũ khí, nhiệm vụ của cấp trên là giao đủ cho đồng chí. Nhưng thời gian bốc dỡ chỉ đến 3h ngày mai, sau đó tàu phải rời bến ngay”, ông Thạnh thông báo.

Theo ông Thạnh, lúc đó nghe xong, ông Suyền sững sờ. Vị Bí thư Tỉnh ủy tưởng chỉ vài tấn hàng, chuẩn bị vài chục người, giờ đây con số 63 tấn. Các cán bộ chủ chốt trên tàu 41 và Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức cuộc họp khẩn ngay tại bến. Qua đó thống nhất sẽ để tàu lại bến, ngụy trang an toàn, chờ đến tối 29/11/1964 cùng bộ đội, dân quân địa phương đưa toàn bộ hàng hóa lên bờ.

“Quyết định đó là một canh bạc sinh tử. Nếu địch phát hiện sẽ có rất nhiều mất mát, hy sinh”, giọng nghiêm nghị, ông Thạnh nói.

May mắn, trong ngày 29/11/1963, địch không phát hiện nơi tàu 41 ẩn nấp. Tối đến, lần lượt 63 tấn vũ khí hàng hóa được đưa lên bờ an toàn.

Sau đó, ông Thạnh trở lại Vũng Rô thêm hai lần nữa, lặng lẽ như lần đầu mang tổng cộng gần 200 tấn vũ khí, đạn dược cho bộ đội. Nhờ số đạn dược ấy mà chiến sĩ của ta có vũ khí chống địch, có thuốc men để điều trị cho thương binh và cả tiền bạc phục vụ cho kháng chiến.



Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/bua-com-dac-biet-cua-nhung-chien-si-tren-tau-co-the-khong-bao-gio-tro-ve-20250420112459605.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *