Các hãng công nghệ Mỹ quay cuồng ứng phó mức thuế mới của ông Trump

Các hãng công nghệ Mỹ quay cuồng ứng phó mức thuế mới của ông Trump


Ngày 2/4, Tổng thống Donald Trump đã công bố áp dụng thuế đối ứng với toàn bộ các đối tác thương mại tại Mỹ.

Những mức thuế quan mới này có hiệu lực vào ngày 9/4 (theo giờ Mỹ), với hàng hóa từ các trung tâm sản xuất tại châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… sẽ phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu cao hơn trước đây rất nhiều.

Riêng với Trung Quốc, Tổng thống Trump cho biết sẽ áp dụng thêm 50% thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia này vào Mỹ, nâng tổng mức thuế cho hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc lên 104%. Đây là động thái của chính phủ Mỹ nhằm đáp trả việc Trung Quốc áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Trong khi một số quốc gia và khu vực cho biết họ đang tìm kiếm các thỏa thuận thương mại với Mỹ để loại bỏ thuế quan, chính quyền Bắc Kinh lại tuyên bố rằng quốc gia này sẽ “chiến đấu đến cùng” và sẽ thực hiện các biện pháp để đối phó với mức thuế tăng cao của Mỹ.

Tổng thống Donald Trump cho biết việc tăng thuế nhập khẩu từ hàng chục quốc gia và khu vực, với mức dao động từ 25% đến 54%, là động thái nhằm thúc đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ và bảo vệ người lao động của nước Mỹ.

Tuy nhiên, bộ phận nghiên cứu của tập đoàn tài chính Morgan Stanley đã gọi các mức thuế quan mới được áp dụng của chính quyền ông Trump là tình huống “đôi bên cùng thua” đối với các hãng công nghệ Mỹ, như Apple, Dell hay HP…

Trong khi đó, bản thân các hãng công nghệ cũng đang hối hả tìm những giải pháp riêng để ứng phó với mức thuế mới của ông Trump.

Apple cấp tập nhập hàng loạt sản phẩm trước khi mức thuế mới có hiệu lực

Apple là một trong những hãng công nghệ đã nhanh chóng đưa ra giải pháp để ứng phó với mức thuế nhập khẩu mới của chính quyền Tổng thống Trump.

Ngay từ cuối tháng 3, Apple đã huy động 5 chuyến bay vận tải để nhập hàng loạt iPhone, iPad, phụ kiện và các sản phẩm khác của hãng từ Trung Quốc, Ấn Độ về Mỹ để sẵn sàng cung ứng cho người dùng tại Mỹ.

Các nguồn tin cho biết lượng hàng đủ để Apple cung ứng cho người dùng tại Mỹ trong nhiều tháng, thậm chí đến thời điểm Apple ra mắt loạt iPhone mới.

Apple đã chuẩn bị sẵn hàng dự trữ để tránh phải tăng giá bán sản phẩm tại thị trường Mỹ do mức thuế mới (Ảnh: Getty).

Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng giá bán của iPhone tại Mỹ sẽ không tăng lên trong thời gian tới, khi lượng hàng trong kho dự trữ đã bán hết. Bên cạnh đó, việc tăng giá bán iPhone tại Mỹ cũng có thể làm tăng mức giá của sản phẩm tại các thị trường khác.

Các nhà phân tích thị trường cũng đưa ra kịch bản Apple chấp nhận gánh chịu mức thuế, giảm lợi nhuận trên mỗi sản phẩm bán ra để không làm tăng bán các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, kịch bản này được cho là khó trở thành hiện thực.

Dell và HP nhập hàng loạt sản phẩm giá trên 3.000 USD về Mỹ trước khi áp dụng mức thuế mới

Hai hãng máy tính Dell và HP đã có những sự thay đổi về chuỗi cung ứng sản phẩm từ năm 2018, nhiệm kỳ tổng thống Mỹ đầu tiên của ông Donald Trump, khi dần chuyển nhà sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận như Thái Lan và Việt Nam.

HP và Dell cũng đã gấp rút nhập những mẫu laptop cao cấp về Mỹ trước khi mức thuế mới có hiệu lực (Ảnh minh họa: Lifewire).

Tuy nhiên, Thái Lan và Việt Nam cũng là hai quốc gia chịu mức thuế đối ứng mới thuộc mức cao, lần lượt 36% và 46%.

Theo các nguồn tin, để đón đầu mức thuế nhập khẩu mới, hai hãng máy tính Dell và HP cũng đã gấp rút nhập về Mỹ hàng loạt mẫu máy tính cao cấp, đặc biệt những sản phẩm có giá trên 3.000 USD.

Điều này giúp các hãng máy tính vẫn đảm bảo mức lợi nhuận trên mỗi sản phẩm bán ra, hoặc các sản phẩm cao cấp không bị đẩy giá lên quá cao do ảnh hưởng bởi mức thuế nhập khẩu

Hai hãng máy tính tạm ngưng bán sản phẩm tại Mỹ để điều chỉnh mức giá

Hãng máy tính Razer đã tạm ngưng cho phép người dùng tại Mỹ đặt hàng laptop và các phụ kiện trên trang web chính thức của hãng.

Người dùng tại Mỹ khi truy cập vào gian hàng trực tuyến của Razer sẽ chỉ nhận được thông báo chưa sẵn sàng để đặt hàng hoặc thông tin giá bán các sản phẩm đã bị biến mất trên trang web. Nhiều sản phẩm cũng đã bị xóa khỏi gian hàng trực tuyến của Razer tại Mỹ.

Razer ẩn giá bán tất cả các sản phẩm trên gian hàng trực tuyến tại Mỹ (Ảnh chụp màn hình).

Trong khi đó, người dùng tại các quốc gia khác vẫn có thể truy cập và đặt hàng trên trang web chính thức của Razer.

Razer có các nhà máy sản xuất đặt tại Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Ngoài ra, một số linh kiện của hãng được sản xuất tại các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam và Malaysia… do vậy, mức thuế nhập khẩu các sản phẩm và linh kiện của Razer vào thị trường Mỹ sẽ rất cao.

Razer chưa đưa ra bình luận cho động thái của hãng, nhưng nhiều người cho rằng công ty đang chuẩn bị điều chỉnh lại mức giá bán các sản phẩm tại thị trường Mỹ để phù hợp với mức thuế nhập khẩu mới được áp dụng.

Ngoài Razer, một hãng máy tính khác của Mỹ là Framework cũng đã tạm ngưng bán sản phẩm của hãng ngay tại quê nhà.

Framework là hãng máy tính được thành lập vào năm 2020, nổi bật với việc bán ra các mẫu laptop thiết kế dạng mô-đun, cho phép người dùng dễ dàng thay thế và nâng cấp phần cứng bên trong.

Framework đặt nhà máy sản xuất tại Đài Loan (Trung Quốc), do vậy phải chịu mức thuế cao khi nhập khẩu sản phẩm xuất xưởng để bán tại thị trường Mỹ.

Chuyển nhà máy sản xuất về Mỹ có phải là giải pháp?

Các nhà nghiên cứu của Morgan Stanley cho rằng không có khả năng các hãng công nghệ sẽ chuyển nhà máy sản xuất về Mỹ để tránh hàng rào thuế quan. Sở dĩ có điều này vì giá nhân công đắt đỏ, thiếu hụt lực lượng lao động cũng như những sự thiếu nhất quán về chính sách giữa các đời tổng thống…

Chuyển các nhà máy sản xuất về Mỹ không được xem là giải pháp tối ưu cho các hãng công nghệ (Ảnh: PCMag).

Nếu chuyển nhà máy sản xuất về Mỹ, các hãng công nghệ sẽ tốn hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đô la để xây dựng mới nhà máy. Ngoài ra, việc xây mới nhà máy cũng sẽ phải mất nhiều tháng hoặc lên đến nhiều năm để có thể đi vào vận hành trơn tru. Chưa kể đến việc các nhà máy sản xuất tại châu Á luôn được ưu đãi về chi phí vận hành.

“Việc xây dựng nhà máy sản xuất tại Mỹ sẽ mất ít nhất 9 tháng cùng một khoản đầu tư lớn. Chưa kể quá trình này sẽ mất đến nhiều năm, tiếp đó là câu hỏi về lực lượng lao động có sẵn ở Mỹ.

Chúng tôi cho rằng ngay cả khi ứng dụng tự động hóa bằng robot vẫn sẽ không đủ nhân công lành nghề ở Mỹ để sẵn sàng làm việc”, các chuyên gia của Morgan Stanley nhận xét.

Tăng giá sẽ là giải pháp khả thi nhất?

Các chuyên gia của Morgan Stanley tin rằng tăng giá sản phẩm sẽ là giải pháp khả thi nhất cho các hãng công nghệ Mỹ để ứng phó với mức thuế nhập khẩu mới của chính quyền Tổng thống Trump.

“Có rất ít sự linh hoạt để tích trữ hàng tồn kho để tránh thuế, trong khi việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng sẽ mất rất nhiều thời gian. Tăng giá sản phẩm là giải pháp giảm thiểu thiệt hại có khả năng nhất, nhưng điều này sẽ gây lạm phát và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu của người dùng”, báo cáo của Morgan Stanley cho biết.

Theo thông báo mới nhất, Tổng thống Trump đã quyết định tạm hoãn áp mức thuế mới trong 90 ngày cho 75 quốc gia chấp nhận đàm phán về thuế với nước Mỹ. Trong khi đó, ông quyết định tăng mức thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc lên 125% để đáp lại hành động tăng thuế nhập khẩu từ Mỹ của quốc gia này.



Source link: https://dantri.com.vn/cong-nghe/cac-hang-cong-nghe-my-quay-cuong-ung-pho-muc-thue-moi-cua-ong-trump-20250410012426604.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *