Lãnh đạo Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm liên đới
Ngày 14/5, liên quan đến vụ nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cùng nhiều cán bộ bị khởi tố, trao đổi với phóng viên Dân trí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, cho biết trước đây ông đã nhiều lần đặt vấn đề về an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng.
Theo ông, đây là trách nhiệm của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương).
5 cán bộ, nguyên cán bộ Bộ Y tế vừa bị khởi tố (Ảnh: Bộ Công an).
Đại biểu cho rằng các vụ sữa giả, thuốc giả nếu không có sự “chống lưng” của cơ quan chức năng thì đã bị xử lý từ lâu chứ không phải đến bây giờ mới phát hiện.
“Các cơ quan liên quan cần kiểm tra, giám sát nghiêm đối với các cơ sở sản xuất, có thể đóng cửa hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy mức độ vi phạm. Đồng thời, cũng cần phải xem lại trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực này xem đã làm hết trách nhiệm, đã công tâm vô tư chưa hay chỗ thì quyết liệt nhưng có chỗ thì vẫn để các cơ sở ung dung ngoài vòng pháp luật”, ông Hòa nói.
Theo đại biểu, chỉ cần các cơ quan chức năng công tâm vô tư, khách quan, kiểm tra thường xuyên và quyết liệt với tất cả các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, cơ sở sản xuất thuốc hay cơ sở sản xuất sữa… thì tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, thuốc giả, sữa giả mới cải thiện.
Bên cạnh đó, Ủy viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cần vào cuộc và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt tình hình, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các đối tượng bao che, ngó lơ cho các cơ sở sản xuất thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, sữa giả…
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội (Ảnh: Quốc hội).
Đại biểu cho biết nhiều cử tri và người dân cho rằng những cán bộ nguyên và đang công tác tại Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế vừa bị Bộ Công an khởi tố là những người đã tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người dân.
“Những người này không khác gì gián tiếp đầu độc người dân”, ông Hòa nói.
Đại biểu cho rằng ngoài các cá nhân là cán bộ, nguyên cán bộ của Cục An toàn thực phẩm vừa bị khởi tố, còn có trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Y tế, trực tiếp là người được giao phụ trách Cục An toàn thực phẩm. Trách nhiệm liên đới cũng đã được quy định rõ.
Ông Hòa nhấn mạnh cơ quan chức năng sẽ tiếp tục điều tra mở rộng vụ án xem có ai tiếp tay và sẽ xử lý nghiêm, người nào sai phạm thì xử lý người đó nhưng sẽ phải có trách nhiệm liên đới. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh, cảnh báo cho cấp thẩm quyền của các bộ, ngành cũng như các cấp ở địa phương.
Làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan
Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai), Ủy viên chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội cho rằng nhìn ở góc độ quản lý Nhà nước, đây là sự việc hết sức nghiêm trọng.
Các mặt hàng như sữa, thuốc… liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân luôn là vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Theo ông An, trước hết công tác quản lý còn chưa thực sự hiệu quả. Khi vụ việc xảy ra rồi mới đi kiểm tra, xác minh, cho thấy công tác quản lý về an toàn thực phẩm “có vấn đề”. Bên cạnh đó, các vụ việc xảy ra cũng ngày càng tinh vi hơn, số lượng vi phạm ở mức độ lớn hơn.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội (Ảnh: Quốc hội).
Đại biểu cho rằng sự phối hợp giữa các lực lượng vẫn còn là điểm yếu. Cơ quan công an cũng không thể có đủ lực lượng để quản lý, theo dõi nên phải có sự phối hợp liên ngành để xử lý từ sớm.
Theo ông An, các vụ việc trên cũng cho thấy vấn đề đạo đức công vụ của đội ngũ làm công tác quản lý. Các hành vi nhận hối lộ, buông lỏng kiểm tra chính là nguyên nhân trực tiếp để xảy ra các vụ việc đáng tiếc như vừa qua. Điều này cần phải được đánh giá chung, phân cấp phân quyền, giao trách nhiệm cho các cơ quan quản lý nhưng các cơ quan vẫn còn thiếu công cụ giám sát đội ngũ thực thi công vụ này.
“Sai phạm xảy ra ở lĩnh vực nào thì lĩnh vực đó phải chịu trách nhiệm, an toàn thực phẩm ở khâu nào, lĩnh vực nông nghiệp, y tế ra sao… Phải thực sự rõ về trách nhiệm, không để đổ lỗi cho nhau”, ông An nêu ý kiến.
Về trách nhiệm liên quan, đại biểu cho rằng sự việc cần phải nhìn nhận một cách khách quan. Qua đó, cần phải có bộ lọc, loại bỏ doanh nghiệp không đúng đắn, cổ vũ cho các doanh nghiệp phát triển lành mạnh, đồng thời cần phải xử lý thật nghiêm để răn đe trừng trị các sai phạm để có được nền kinh tế lành mạnh.
“Phải làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý, có trách nhiệm tập thể và cả trách nhiệm cá nhân. Chúng ta phải phân định rõ trách nhiệm, xem từ khâu nào, trong xác định trách nhiệm pháp lý phải có những yếu tố cấu thành kể cả chủ quan và khách quan, đánh giá rất kỹ và toàn diện”, ông An nói.
Vị đại biểu cho rằng đây cũng là một bài học cho những người đứng đầu các bộ, ngành để siết lại công tác quản lý, nhất là những bộ, ngành liên quan trực tiếp đến người dân, đến xã hội, phải hết sức thận trọng trong quản lý, điều hành.
“Cơ quan thực thi công vụ cần trách nhiệm hơn, quyết liệt hơn, đặc biệt phải xử lý đúng người, đúng tội. Ai nhận hối lộ, ai nhận tiền, chắc chắn phải xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật”, ông An nêu rõ.
Trước đó, quá trình mở rộng điều tra vụ sản xuất và buôn bán hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả do Nguyễn Năng Mạnh (36 tuổi, Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch HĐQT Công ty MediUSA) cầm đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn, khám xét đối với 5 đối tượng thuộc Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế về hành vi Nhận hối lộ.
5 đối tượng này gồm Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng; Đinh Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm; Nguyễn Thị Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm; Lê Thị Hiên, chuyên viên 2 Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm; Cao Văn Trung, Phó trưởng phòng Giám sát ngộ độc.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/can-bo-cuc-an-toan-thuc-pham-nhan-hoi-lo-gian-tiep-dau-doc-nguoi-dan-20250514173446364.htm