Thực tế này được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu ra khi phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 10/5 về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tới đây, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải quy định rõ cơ chế phối hợp giữa bộ ngành, địa phương trong lập, thẩm định, thực hiện quy hoạch. Đặc biệt, cần tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quy hoạch.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 10/5 (Ảnh: Phạm Thắng).
Về phạm vi sửa đổi Luật Quy hoạch lần này, ông Mẫn nhấn mạnh phục vụ cho sắp xếp bộ máy hành chính theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Quốc hội sẽ quyết, Chính phủ, bộ ngành phân cấp xuống địa phương, chứ không phải một danh mục dự án Quốc hội quyết rồi, địa phương lại phải lên làm việc với bộ ngành.
“Lần này sửa luật Quy hoạch phải phân cấp, phân quyền mạnh. Quốc hội ban hành luật khung, Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn, bộ ngành ra thông tư để địa phương thực hiện, làm một cách đồng bộ”, ông Mẫn nói.
Điều Chủ tịch Quốc hội đặc biệt quan tâm là quy hoạch phải đảm bảo tính minh bạch và đồng bộ.
“Phải quy định rõ những việc như công khai thông tin quy hoạch, lấy ý kiến nhân dân, đặc biệt nhóm chịu tác động trực tiếp của quy hoạch; thiết lập cơ chế giám sát đảm bảo quy hoạch không bị điều chỉnh tùy tiện vì lợi ích cục bộ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nhắc đến bài học kinh nghiệm khi đi nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội cho biết mỗi tỉnh, thành phố ở các nước có sa bàn quy hoạch với tầm nhìn dài hạn và người dân được vào xem.
Trong khi đó, ở địa phương trong nước, nhiều khi bí thư, chủ tịch nhiệm kỳ này quy hoạch như thế nhưng nhiệm kỳ sau người khác lên lại thay đổi, bổ sung quy hoạch. Vì thế, quy hoạch không có tính minh bạch, công khai, đồng bộ do liên tục thay đổi.
Theo ông Mẫn, đây là vấn đề cần tính toán thật kỹ, cần tăng cường cơ chế thực thi và giám sát. Quy hoạch minh bạch, công khai dưới sự giám sát của nhân dân, được nhân dân đồng thuận thì triển khai sẽ tốt, khả thi, theo lời ông Mẫn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu trong phiên thảo luận tổ chiều 10/5 (Ảnh: Phạm Thắng).
Về trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh, theo Chủ tịch Quốc hội, việc rút ngắn theo hướng giản lược các bước, không phải xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch, không phải thực hiện đánh giá môi trường, sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ.
Tuy nhiên, ông lưu ý cần cân nhắc vì với những điều chỉnh làm thay đổi quy mô, nội dung lớn như thay đổi định hướng phát triển mục tiêu sử dụng đất mà không đánh giá môi trường chiến lược sẽ tác động xấu tới môi trường, tiềm ẩn rủi ro cho phát triển bền vững.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng dự luật Quy hoạch bổ sung các quy định để xử lý các vấn đề cấp bách cần tháo gỡ, đảm bảo điều chỉnh quy hoạch các cấp sau khi sắp xếp đơn vị hành chính có hiệu lực.
“Khi thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, sáp nhập các địa phương với nhau, quy hoạch tỉnh cần được điều chỉnh, nếu không địa phương không làm gì được. Do đó, Luật Quy hoạch phải sửa ngay mới đáp ứng được, nếu không tắc hết”, ông Thắng nói.
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng (Ảnh: Phạm Thắng).
Ghi nhận dự luật đưa ra nhiều quy định mạnh hơn về phân cấp, phân quyền, ông Thắng dẫn chứng các đề xuất như phần quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia; phân cấp cho các bộ thẩm định quy hoạch chuyên ngành; UBND tỉnh thẩm định quy hoạch tỉnh…
Ngoài ra, dự luật cũng bổ sung quy định quy hoạch chuyên ngành, vùng, tỉnh được phép lập đồng thời, nhằm đẩy nhanh việc lập quy hoạch, không cần chờ quy hoạch cấp trên được duyệt mới lập quy hoạch cấp dưới.
Liên quan tới quy hoạch phân vùng cần thay đổi khi sáp nhập địa giới hành chính, địa phương, ông Thắng cho biết Bộ này đã nghiên cứu, báo cáo Chính phủ để phân lại vùng kinh tế – xã hội để phù hợp với địa giới hành chính mới sau sáp nhập.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/chu-tich-quoc-hoi-khong-de-quy-hoach-bi-dieu-chinh-tuy-tien-vi-loi-ich-20250510162911708.htm