Có dự án BOT giảm 10% doanh thu, nhà đầu tư đã không chịu được

Có dự án BOT giảm 10% doanh thu, nhà đầu tư đã không chịu được


Sáng 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (1 luật sửa 7 luật).

Với việc sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP), Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết Chính phủ đề nghị bổ sung “cá nhân” vào đối tượng tham gia đầu tư theo phương thức PPP.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng (Ảnh: Hồng Phong).

Theo lập luận của Chính phủ, việc này nhằm khuyến khích giáo sư, chuyên gia sở hữu công nghệ tham gia phát triển các dự án khoa học, công nghệ.

Nhưng khi thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị thận trọng trong mở rộng đối tượng “cá nhân” tham gia dự án đầu tư để hạn chế rủi ro phát sinh trong thực tiễn triển khai.

Cơ quan thẩm tra cho rằng dự luật chưa làm rõ cơ sở, tác động và tính khả thi trong kiểm soát trách nhiệm pháp lý, nghĩa vụ tài chính và năng lực triển khai dự án của cá nhân trong mô hình PPP.

Cũng tại dự luật này, Chính phủ muốn bỏ ngưỡng chia sẻ doanh thu trong dự án PPP (125% với tăng doanh thu, 75% khi giảm doanh thu), giao quyền quy định tỷ lệ này cho Chính phủ.

Từ phía cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh cho rằng tỷ lệ chia sẻ này là yếu tố cốt lõi, thể hiện chính sách nhất quán và cam kết dài hạn của Nhà nước trong hợp đồng PPP.

Theo ông, việc giao Chính phủ quy định tỷ lệ này cần cân nhắc thận trọng, bởi có thể làm giảm khả năng huy động vốn, dẫn đến tranh chấp pháp lý, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Ông Lê Quang Mạnh – Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính (Ảnh: Hồng Phong).

Làm rõ hơn quy định này, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phân tích cơ chế này khi áp dụng với dự án BOT giao thông.

Theo đó, khi doanh thu dự án vượt 125%. Nhà nước và nhà đầu tư sẽ đàm phán để điều chỉnh, rút ngắn thời gian thu phí. Ngược lại, nếu doanh thu chỉ đạt 75%, hai bên cũng đàm phán để tăng thời gian thu phí, giúp doanh nghiệp bớt khó khăn.

Nhưng ông Thắng cho rằng quy định này “quá cứng”, bởi thực tế có trường hợp doanh thu vượt 20% đã phải đàm phán lại, do số tuyệt đối vốn của dự án quá lớn. Hoặc có khi dự án sụt giảm 10% doanh thu, nhà đầu tư đã “không chịu được” nên phải đàm phán lại để kéo dài thời gian thu phí.

Vì vậy, ông đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho phép bỏ ngưỡng chia sẻ doanh thu này để tạo điều kiện linh hoạt, tránh thất thoát cho doanh nghiệp.

Dự kiến, dự thảo một luật sửa đổi, bổ sung 7 luật liên quan lĩnh vực tài chính – đầu tư sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp vào tháng 5.



Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/co-du-an-bot-giam-10-doanh-thu-nha-dau-tu-da-khong-chiu-duoc-20250425133345501.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *