Công an, Quân đội và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới

Công an, Quân đội và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới


Chiều 3/7, Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Sự phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc – Lý luận và thực tiễn” được tổ chức tại trụ sở Bộ Công an.

Hội thảo do Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng tổ chức.

Theo Bộ Công an, hội thảo nhằm nghiên cứu, thảo luận làm rõ hơn về nội hàm kỷ nguyên mới, thời đại mới, về “thế” và “lực” từ giá trị địa chiến lược đặc thù, cũng như vận hội lớn trong kỷ nguyên số; phát huy ý chí tự lực, tự cường để vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung thực hiện 4 nghị quyết đột phá – “Bộ Tứ trụ cột”, trên cơ sở sắp xếp lại đơn vị hành chính và vận hành chính quyền địa phương 2 cấp…

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Phùng Nam).

“Bảo vệ Tổ quốc là một trong 2 nhiệm vụ chiến lược, cơ bản xuyên suốt của cách mạng Việt Nam”

Đây là câu mở đầu bài tham luận với chủ đề “CAND với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, của Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.

Theo Đại tướng Lương Tam Quang, trong thời kỳ hòa bình, mục tiêu cao nhất của bảo vệ Tổ quốc là “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN…; bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng…”.

Trong đó, Bộ trưởng Công an cho rằng bảo vệ Tổ quốc phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước, mang tính toàn dân, toàn diện, với sức mạnh tổng hợp, đặc trưng là quốc phòng, quân sự và an ninh, trật tự do lực lượng vũ trang, trực tiếp là QĐND và CAND làm nòng cốt.

Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an (Ảnh: Phùng Nam).

Trong tham luận, Đại tướng Lương Tam Quang chỉ ra, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, cần tiến hành đồng thời từ “bên ngoài” và “bên trong”, gồm:

QĐND đóng vai trò chủ trì, nòng cốt nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Yếu tố chủ quyền quốc gia trong bảo vệ Tổ quốc từ bên ngoài gắn liền với vấn đề biên giới.

CAND đóng vai trò chủ trì, nòng cốt nhằm giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội (vai trò, sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, sự quản lý của Nhà nước), chủ quyền quốc gia; sự phát triển bền vững nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh kinh tế, an ninh mạng, an ninh chính trị; xã hội trật tự, an toàn, kỷ cương; an ninh, an toàn đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước…

Yếu tố chủ quyền quốc gia trong bảo vệ Tổ quốc từ bên trong gắn với vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đường lối đối ngoại.

Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Đại tướng Lương Tam Quang đã chỉ ra những sứ mệnh của lực lượng CAND với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

“Giữ vững bên trong là chính” – Bộ trưởng Công an nhấn mạnh, lấy “bài học” về sự sụp đổ của mô hình XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, khi không giữ vững được bên trong.

Lực lượng CAND (Ảnh minh họa: Hải Nam).

Từ đó, Đại tướng Lương Tam Quang đưa nhiệm vụ giữ vững vai trò nòng cốt trong bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN trong kỷ nguyên mới lên đầu tiên.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Bộ Công an cũng cho rằng lực lượng CAND cần chủ trì, nòng cốt bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh mạng, an ninh con người, đấu tranh phòng, chống tội phạm…; bảo vệ an ninh tư tưởng – văn hóa góp phần giữ gìn giá trị đạo đức, bản sắc văn hóa; xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới…

“Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ là lợi ích sống còn, bất biến, vĩnh cửu của quốc gia, dân tộc”, Đại tướng Lương Tam Quang nêu trong tham luận, tại sứ mệnh cuối cùng của lực lượng CAND.

Tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong kỷ nguyên mới của dân tộc

Trong bài tham luận, Thượng tướng, T.S. Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho rằng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.

Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, việc từng bước làm chủ được công nghệ; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất được nhiều chủng loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, có ý nghĩa chiến lược.

“Những năm tới, hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế lớn, song tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, khó đoán định và đứng trước những biến chuyển có tính thời đại. “, Thượng tướng Lê Huy Vịnh nêu trong tham luận.

Thượng tướng, T.S. Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (Ảnh: Phùng Nam).

Cũng theo Thượng tướng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là sự phát triển của khoa học, công nghệ quân sự tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực, làm thay đổi môi trường chiến lược, xuất hiện các phương thức, loại hình chiến tranh mới, làm nảy sinh những thách thức mới đối với hòa bình, ổn định và an ninh của mọi quốc gia, dân tộc.

“Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á tiếp tục phát triển năng động, nhưng tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định, thậm chí có thể dẫn đến xung đột”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá.

Đối với nước ta, Thượng tướng Vịnh cho rằng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. Các quyền tự do dân chủ, tôn giáo, nhân quyền đang bị các thế lực thù địch lợi dụng để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Quốc phòng, công tác bảo vệ an toàn thông tin mạng, đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều thách thức; các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới, tội phạm ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao… đang có xu hướng gia tăng.

Lực lượng QĐND (Ảnh: Long Phạm).

Trước bối cảnh tình hình nêu trên, Thượng tướng Lê Huy Vịnh đưa ra 6 giải pháp cơ bản để tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong kỷ nguyên mới của dân tộc, gồm:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo đúng tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước các phương án xử lý hiệu quả, không để bị động, bất ngờ.

Ba là, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với củng cố tăng cường quốc phòng, an ninh.

Bốn là, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội.

Năm là, đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, có trình độ khoa học công nghệ cao.

Sáu là, giữ vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Trong tham luận với chủ đề nêu trên, Thượng tá, Th.S. Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an), cho biết công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước về kinh tế – xã hội và hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, theo Thượng tá Tùng, công tác đấu tranh này luôn đảm bảo tiêu chí “không vì đẩy mạnh phòng, chống tội phạm mà cản trở phát triển kinh tế – xã hội”.

Phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn (Ảnh: H.N.).

“Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của lực lượng cảnh sát kinh tế đã phát huy tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, hạn chế tình hình tội phạm, góp phần bảo đảm kỷ cương, trật tự an toàn xã hội”, Phó Cục trưởng C03 đánh giá.

Thượng tá Tùng dẫn chứng các “đại án” được điều tra, xử lý thời gian qua như: Việt Á, AIC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Thuận An, Phúc Sơn… đã phát huy tác dụng răn đe, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ với phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.

“Một loạt các lãnh đạo cấp cao bị khởi tố về những hành vi phạm tội liên quan đã minh chứng cho sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ và của cả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống…”, Cục phó C03 nêu trong tham luận.

Từ đó, theo Thượng tá Vũ Thanh Tùng, niềm tin của nhân dân trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” được củng cố.

“Trước những diễn biến nhanh, khó lường của tình hình thế giới và trong nước, lực lượng cảnh sát kinh tế phải không ngừng tăng cường năng lực về pháp luật, đổi mới hoạt động nghiệp vụ, giữ gìn đạo đức công vụ để nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm”, Thượng tá Vũ Thanh Tùng cho biết.



Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/cong-an-quan-doi-va-nhiem-vu-bao-ve-to-quoc-trong-ky-nguyen-moi-20250703163056676.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *