Ngày 20/4, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã ký văn bản gửi Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc đề xuất lại tên gọi đơn vị hành chính dự kiến sau sắp xếp.
Theo thông tin từ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ngày 18/4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 45 về việc sắp xếp, sáp nhập tổ chức đảng, đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh.
Theo kế hoạch, tỉnh Quảng Nam dự kiến sắp xếp 233 đơn vị hành chính cấp xã thành 88 đơn vị hành chính cấp xã. Tuy nhiên, một số cử tri tại địa phương đã kiến nghị đặt tên theo các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa địa phương.
Do đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị các địa phương nghiên cứu điều 7, Nghị quyết 76 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/4, về sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: “Trong trường hợp có đề xuất tên gọi khác so với Nghị quyết 45 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, khẩn trương báo cáo về UBND tỉnh qua Sở Nội vụ trước 8h ngày 21/4, để tổng hợp báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh”.
Như Dân trí đã đưa tin, ngày 18/4, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành nghị quyết sắp xếp và sáp nhập tổ chức Đảng, đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh.
Theo nghị quyết, các dự thảo đề án đã được thông qua, bao gồm đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh; đề án hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng; đề án kết thúc hoạt động đảng bộ huyện, thị xã, thành phố sau khi không tổ chức cấp huyện và đề án thành lập tổ chức đảng theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Tỉnh ủy Quảng Nam thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp là 88, bao gồm 12 phường và 76 xã.
Thành phố Hội An hiện có 13 xã, phường, sau khi sắp xếp còn lại 3 phường và một xã.
Phường Hội An được thành lập trên cơ sở sáp nhập phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong, Cẩm Nam và Cẩm Kim. Phường Hội An Đông được thành lập trên cơ sở sáp nhập phường Cẩm Châu, Cửa Đại và xã Cẩm Thanh.
Phường Hội An Tây được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Cẩm Hà, phường Thanh Hà, Tân An và Cẩm An.
Xã Tân Hiệp (đảo Cù Lao Chàm) sẽ giữ nguyên và thành lập xã mới.
Thành phố Tam Kỳ hiện có 12 xã, phường, sau sáp nhập sẽ còn 4 phường. Phường Tam Kỳ được thành lập trên cơ sở sáp nhập phường An Mỹ, An Xuân và Trường Xuân.
Phường Tam Kỳ Bắc được thành lập trên cơ sở sáp nhập phường Tân Thạnh, Hòa Thuận và xã Tam Thăng.
Phường Tam Kỳ Đông được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Tam Phú, Tam Thanh và phường An Phú.
Phường Tam Kỳ Nam được thành lập trên cơ sở sáp nhập phường An Sơn, Hòa Hương và xã Tam Ngọc.
Ngoài ra, còn có phương án sắp xếp cấp xã ở các địa phương khác của tỉnh.
Quảng Trị: Nắm bắt nguyện vọng người dân, huyện thay đổi phương án đặt tên xã mới
Cùng ngày, lãnh đạo UBND huyện Triệu Phong xác nhận, địa phương này vừa thay đổi phương án đặt tên các xã mới khi sắp xếp đơn vị hành chính.
Trước đó, huyện Triệu Phong tổ chức lấy ý kiến nhân dân về đề án sắp xếp đơn vị hành chính. Dự kiến huyện này sau khi sắp xếp sẽ còn 5 xã, tên gọi địa phương mới được gắn với tên huyện và số thứ tự từ 1 đến 5 phía sau.
Tuy nhiên qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, vào ngày 19/4, Ban Thường vụ Huyện ủy Triệu Phong đã tổ chức họp để thảo luận, qua đó thống nhất điều chỉnh tên gọi dự kiến đối với các đơn vị hành chính cấp xã.
Cụ thể, tên gọi dự kiến của các xã mới sau sáp nhập là Triệu Phong (1, 2, 3, 4, 5) sẽ được đổi lần lượt thành các xã: Triệu Phong, Ái Tử, Triệu Bình, Triệu Cơ và Nam Cửa Việt.
UBND huyện Triệu Phong cũng yêu cầu các xã, thị trấn khẩn trương lấy ý kiến cử tri đối với phương án có thay đổi tên gọi các đơn vị hành chính sau sắp xếp để kịp hoàn thành theo thời gian quy định.
Các địa phương thực hiện sáp nhập tại huyện Triệu Phong và tên gọi mới dự kiến (Ảnh: Nhật Anh).
Tại Quảng Trị, sau khi sắp xếp, tỉnh này dự kiến sẽ có 37 đơn vị hành chính cấp xã gồm: 3 phường, 33 xã và 1 đặc khu. Trong đó huyện đảo Cồn Cỏ sẽ trở thành đặc khu Cồn Cỏ.
Theo kế hoạch, việc lấy ý kiến người dân được các địa phương ở Quảng Trị thực hiện đến hết ngày 20/4.
Sau đó, Sở Nội vụ sẽ tổng hợp và báo cáo lên cấp trên vào ngày 22/4. Hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sẽ được hoàn thiện và trình Chính phủ trước ngày 1/5.
Vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng khen ý tưởng đặt tên các đơn vị hành chính sau sắp xếp của TPHCM.
Tất cả các địa danh nổi tiếng của TPHCM đều được đặt tên, ví dụ như phường Chợ Lớn, An Đông….
Thành phố Hà Nội cũng dự kiến đặt tên các đơn vị hành chính sau sắp xếp với nhiều địa danh lịch sử, đã ăn sâu vào tâm thức của người dân.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/cu-tri-quang-nam-de-xuat-ten-goi-don-vi-hanh-chinh-theo-yeu-to-lich-su-20250420113748821.htm