Sáng 22/4, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề Non sông liền một dải, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh (người ngồi bên phải) đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện tại Đài Phát thanh Sài Gòn, trưa ngày 30/4/1975 (Ảnh: Chụp màn hình).
Với gần 150 tài liệu, hiện vật, trưng bày chuyên đề Non sông liền một dải gồm 3 phần: Khát vọng thống nhất, Nước Việt Nam là một – Dân tộc Việt Nam là một và Non sông liền một dải.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Đoàn – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia – cho biết, trưng bày giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về khát vọng hòa bình, ý chí thống nhất, tình đoàn kết gắn bó keo sơn không thể chia cắt giữa hai miền Nam – Bắc trong lịch sử, ngày hôm nay cũng như mãi mãi về sau.
Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, ý thức tự lực tự cường, tạo động lực tích cực cho mỗi người dân Việt Nam thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; vượt qua mọi khó khăn, đoàn kết thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Niềm tự hào dân tộc là động lực để mỗi người dân ngày nay nhận rõ hơn trách nhiệm gìn giữ và phát triển đất nước trong thời đại mới”, ông Đoàn cho hay.
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại sự kiện (Ảnh: Lạc Thành).
Các tài liệu, hiện vật tiêu biểu gồm: Hình ảnh cây cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, giới tuyến tạm thời giữa hai miền Bắc – Nam Việt Nam từ tháng 7/1954; nhân dân miền Bắc vui mừng đón cán bộ và bộ đội miền Nam tập kết ra miền Bắc tại Sầm Sơn, Thanh Hóa, năm 1955; nhân dân Sài Gòn – Gia Định đấu tranh đòi thống nhất đất nước, ngày 1/5/1956; nhà máy Cơ khí Hà Nội (Công ty Cơ khí Hà Nội) một trong những cơ sở công nghiệp lớn ra đời ngày 12/4/1958…
Hình ảnh lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, những lá đơn tình nguyện, những quyết tâm thư viết bằng máu, tờ truyền đơn, loa phát thanh, mũ cối… cũng mang lại cảm xúc đặc biệt cho người xem.
Tại sự kiện, cựu pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên – người có mặt trong chiếc xe tăng T59, số hiệu 390, từng húc đổ cổng Dinh Độc Lập – xúc động cho biết, thời khắc lịch sử mà ông được chứng kiến là kỷ niệm đẹp và thiêng liêng trong ông.
Cựu pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên – người có mặt trong chiếc xe tăng T59, số hiệu 390, từng húc đổ cổng Dinh Độc Lập – chia sẻ cảm tưởng tại trưng bày “Non sông liền một dải” (Ảnh: Lạc Thành).
“Tôi không bao giờ quên được giây phút ấy, khi xe tăng tiến vào, húc đổ Dinh Độc Lập, chứng kiến lá cờ của Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay phấp phới trên nóc Dinh Độc Lập. Từ đây, non sông đất nước nối liền một dải, chấm dứt 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Tôi thấy vinh dự và tự hào khi có mặt trên chiếc xe tăng lịch sử ấy. Hình ảnh đường phố rực rỡ cờ hoa, những đoàn người hò reo chào mừng bộ đội ngày đó luôn in đậm trong tâm trí tôi…”, ông Ngô Sỹ Nguyên cho hay.
Triển lãm gây xúc động mạnh đối với người dân và du khách (Ảnh: Lạc Thành).
Trưng bày Non sông liền một dải mở cửa đón khách tham quan từ ngày 22/4 đến tháng 8 năm nay tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội.
Source link: https://dantri.com.vn/giai-tri/cuu-phao-thu-ngo-sy-nguyen-xuc-dong-o-trung-bay-non-song-lien-mot-dai-20250422142024774.htm