Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: “Tôi đưa cảnh nóng vào đoạn thả bom là có dụng ý”

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: "Tôi đưa cảnh nóng vào đoạn thả bom là có dụng ý"


Mới đây, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và các nhà đầu tư ra mắt phiên bản đặc biệt của phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, trong đó tăng thêm chiều sâu cảm xúc, các chi tiết đời thường, gần gũi. Đây là bản dựng mới hướng đến Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng có cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí về quá trình ấp ủ, thực hiện tác phẩm cùng những quan điểm về chi tiết trong phim.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ về phim “Địa đạo” (Ảnh: Cẩm Tiên).

“Làm phim về Củ Chi mà cẩu thả, chắp vá thì rất có lỗi”

Bùi Thạc Chuyên mất 11 năm để “Địa đạo” ra rạp. Điều gì tạo nên sự kiên trì này?

– Kiên nhẫn là chờ đợi 1-2 tiếng đồng hồ, làm sao kiên nhẫn được 10 năm? Tôi nghĩ có một sự thôi thúc nào đó rất mạnh, khiến tôi phải làm được phim này. Sự thúc giục đó không hề yếu đi mà ngày càng mạnh mẽ.

Tôi cảm nhận mình có sự giao cảm nào đó với thế hệ đi trước, những người đã hy sinh vì đất nước. Có lẽ các cô chú liệt sĩ ở Củ Chi đã thôi thúc tôi phải làm điều đó.

Thái Hòa đảm nhận vai chính phim “Địa đạo” (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).

Chọn lát cắt về chiến tranh ở địa đạo, anh tâm đắc ra sao?

– Chiến tranh nhân dân là cuộc chiến rất đặc biệt. Về mặt điện ảnh, lát cắt này có nhân vật mạnh, có tính chất kể chuyện mạnh, đầy sức sống. 

Tiếp xúc với những cô chú ở Củ Chi, tôi thấy vô cùng may mắn. Bộ đội, du kích, dân quân Củ Chi trải qua chiến tranh, sống chết cùng nhau. Với họ, được sống, được trở về sau chiến tranh là một đặc ân. Họ thấy mắc nợ đồng đội, họ trăn trở tại sao cùng chiến đấu, mọi người không vượt qua được còn mình lại sống? 

Những câu chuyện đó có tính người, tính nhân loại, càng khám phá càng thấy thiêng liêng. Năm 2015, trong một bữa tiệc đông đúc, ồn ào, tôi bỏ quên mọi thứ xung quanh, mải mê cắm mặt vào máy tính xách tay để viết kịch bản Địa đạo vì quá say mê với câu chuyện, con người mình tiếp xúc.

Chỉ với tinh thần say mê đó, anh đã vượt qua được mọi trở ngại trong quá trình thực hiện tác phẩm?

– Khi bị thôi thúc bởi điều mình tâm huyết, tôi sẽ bất chấp mọi thử thách. Tôi cảm nhận có một niềm tin tâm linh rằng các cô chú liệt sĩ hy sinh ở Củ Chi sẽ giúp đỡ tôi hoàn thành dự án.

Kỳ lạ rằng, có 2 lần phim có khả năng thực hiện, nhưng vì một số điều kiện chi phí, quy trình, nên bị trôi qua mất. Nhưng tôi nghĩ thời điểm này là tuyệt vời nhất để Địa đạo ra mắt. 

Điều gì khiến phim 2 lần lỡ hẹn?

– Khó khăn lớn nhất là tìm được nhà đầu tư sẵn sàng bỏ chi phí lớn, đồng hành cùng mình. Vì đây là phim tư nhân nên mọi thứ khá phức tạp. Nếu làm một bộ phim về Củ Chi mà làm không đến nơi đến chốn, làm chắp vá cẩu thả, thì tôi thấy có lỗi với những bậc cha ông đã hy sinh. Với Địa đạo, đã làm thì phải làm tốt nhất có thể.

Năm 2016, tôi mang kịch bản gặp nhà đầu tư nhưng họ từ chối. Họ thích dự án nhưng cổ đông không thích vì sợ không thu hồi được vốn. Không hiểu vì sao sau 8 năm, vào khoảng năm 2022, chính những người đó gọi điện lại cho tôi, đồng ý bỏ tiền đầu tư phim.

Tôi nghĩ họ là những người có lòng yêu nước mạnh mẽ. Tôi cũng vô cùng biết ơn vì chúng ta đang được sống trong hòa bình, một nền hòa bình đánh đổi bằng sự hy sinh của thế hệ đi trước.

Hòa bình, chúng ta được sống, được yêu, được thoải mái tận hưởng mọi thứ. Cái giá phải trả không tự nhiên mà có, không từ trên trời rơi xuống. Đó là sinh mạng, là máu xương của bao nhiêu người. 

Hậu trường một cảnh quay (Ảnh: Facebook nhân vật).

Bùi Thạc Chuyên truyền tinh thần cho các diễn viên như thế nào?

– Có những diễn viên trẻ lần đầu đóng phim nhưng đã nhận vai rất khó. Các bạn phải hiểu được tâm lý nhân vật, nền tảng của những con người sống trong thời kỳ mà cái chết đe dọa, sự nguy hiểm tính mạng xuất hiện thường trực, khác với những bạn trẻ sống trong hòa bình. 

Trước khi bấm máy, diễn viên tập luyện thể lực, học võ, học kỹ thuật quân sự cả tháng trời. Mỗi ngày họ chạy đi chạy lại, tập cúi người, khom lưng để các nhóm cơ có thể chịu được sức nặng cơ thể. Đó gần như là một sự hành xác về thể lực nhưng mọi người rất cố gắng. 

Trong môi trường chật hẹp, thiếu dưỡng khí, tôi cũng phải yêu cầu diễn viên làm mọi thứ chậm hơn. Cử động quá nhanh đòi hỏi nhiều oxy, nếu không làm chủ được nhịp thở được rất dễ bị ngộp.

“Nhân vật Út Khờ thấy cái chết còn nhẹ nhàng hơn việc có thai”

“Địa đạo” được thực hiện trong điều kiện sản xuất chưa từng có. Đầu tiên là về ánh sáng, anh giải bài toán quay phim trong bóng tối thế nào?

– Thời xưa, du kích, bộ đội vượt 10km trong bom đạn để mua được một cục pin thắp sáng đèn pin. Trong hầm tối, họ thắp sáng dè dặt, bật đèn lên rồi tắt ngay để tiết kiệm điện. Có lúc, họ thắp đèn cầy, đèn dầu lạc. Do đó, khi bắt tay làm, tôi không biết mình sẽ chiếu sáng bằng cái gì trong địa đạo. Nếu chiếu sáng bằng thiết bị bình thường thì ánh sáng rất giả. 

Khi dùng đèn dầu lạc, ánh sáng cũng không đủ để thông tin hiển thị rõ nét trên máy quay. Nên chúng tôi phải tìm một máy quay có kỹ thuật hình ảnh tốt, dễ dàng tháo lắp, thuận tiện cho việc cầm tay, cúi gập người để quay hình trong địa đạo.

Đoàn phim vượt qua nhiều khó khăn khi ghi hình trong bóng tối, không gian hẹp (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).

Quá trình mô phỏng địa đạo trong lòng đất có gì đáng nhớ? 

– Làm địa đạo mô phỏng rất khó, ê-kíp phải thử đi thử lại với rất nhiều chất liệu và cách thức. Chúng tôi nghĩ rằng sẽ làm những đường hầm ghép lại với nhau, làm sao để mở được 2 bên cho ê-kíp vào quay.

Nhưng nghĩ là một chuyện, hiện thực hóa ý tưởng là chuyện khác. Ban đầu, mỗi lần tháo lắp đoạn đường hầm là phải dùng cưa để tách rời, mất ít nhất 45 phút. Khi ghép lại, ê-kíp phải xử lý lại bề mặt cho đúng tạo hình gập ghềnh của địa đạo, lại tốn thêm 45 phút. Đúng là cơn ác mộng của sản xuất. 

Tổ quay phim làm thế nào để chinh phục không gian chật hẹp trong hầm?

– Khi di chuyển trong hầm, người quay phim phải cúi gập, cầm máy quay phía trước. Chúng tôi từng chế một dụng cụ hỗ trợ khớp cho quay phim, hoặc chế một cái móc treo máy ra phía trước, nhưng đều không dùng được.

Đây là bài toán khó về kỹ thuật. Không có cách nào khác, tổ quay phim đành phải tập luyện, tăng cường thể lực để quen với việc di chuyển, mang vác máy quay và ghi hình trong địa đạo.

Nhân vật Tư Đạp (Quang Tuấn) và Ba Hương (Hồ Thu Anh) (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).

Quan điểm của Bùi Thạc Chuyên về tình yêu trong thời chiến?

– Qua những câu chuyện tôi được nghe kể, tôi hiểu rằng tình yêu thời chiến tranh vô cùng thiêng liêng, quý giá. Một cô gái có thể đạp xe tới 70km chỉ để đưa cho chàng trai tờ báo rồi đạp xe trở về, đi quãng đường dài giữa cảnh pháo bắn, bom thả. 

Do đó, để miêu tả cảnh Tư Đạp tặng quà cho Ba Hương, rất phức tạp. Ngày xưa, nam nữ chỉ nhìn nhau một giây thôi là hạnh phúc cả 3 tuần sau đó. Tôi muốn các bạn trẻ hiểu tình yêu là như vậy: Họ yêu nhau nhưng họ không nói, họ giữ kín trong lòng.

Thời bấy giờ, tội hủ hóa cũng rất nghiêm trọng. Trong Địa đạo có nhân vật Út Khờ mang bầu, cô ấy cảm thấy cái chết còn nhẹ nhàng hơn việc có thai. Khi ngộp trong nước cô ấy cất tiếng hát, nét mặt vui mừng. Nhiều người trẻ không hiểu vì sao nhân vật lại hành động như vậy, nhưng đó là điều bình thường. 

Chiến tranh không chỉ mang đến cái chết mà còn mang lại cho con người nhiều thứ khiến họ phải chấp nhận.

Anh có dụng ý gì khi đưa cảnh ân ái giữa Tư Đạp và Ba Hương vào cuối phim?

– Sức sống của con người, đặc biệt là ở Việt Nam, nơi đối mặt với bom đạn, vô cùng lớn. Càng đè nén bao nhiêu thì lại càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Khi bom B52 rải thảm, nếu trúng bom không thể nào tránh khỏi cái chết. Ở hoàn cảnh đó họ không còn giữ ý, họ khao khát vươn lên, khao khát sống và yêu nhau. 

Tình yêu được kiềm chế từ đầu đến cuối, bung ra trong lúc cận kề cái chết. Đó là lý do tôi đưa cảnh làm tình trong trận thả bom. Tôi thích chất thơ và dụng ý này. 

Cảm ơn đạo diễn vì những chia sẻ!

Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối lấy bối cảnh năm 1967 khi chiến tranh Việt Nam đang diễn ra khốc liệt.

Tại Củ Chi, đội du kích 21 người tại căn cứ Bình An Đông do Bảy Theo (Thái Hòa) chỉ huy có nhiệm vụ bảo vệ một nhóm thông tin tình báo ẩn náu dưới lòng đất. Họ trở thành mục tiêu tìm và diệt của quân đội Mỹ.

Tác phẩm kể về tình đồng đội, tình yêu và khát khao sống của những người lính, nhưng trên hết vẫn là tinh thần hy sinh vì Tổ quốc.

Sau hơn 20 ngày công chiếu, đến 27/4, phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối thu về 160 tỷ đồng, trở thành phim chiến tranh do Việt Nam sản xuất đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử màn ảnh Việt.



Source link: https://dantri.com.vn/giai-tri/dao-dien-bui-thac-chuyen-toi-dua-canh-nong-vao-doan-tha-bom-la-co-dung-y-20250427070635683.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *