Đau lòng bức ảnh điều dưỡng sưng mắt vì bị đánh trước ngày tôn vinh nghề

Đau lòng bức ảnh điều dưỡng sưng mắt vì bị đánh trước ngày tôn vinh nghề


Mới đây, Công an tỉnh Nam Định đã hủy bỏ quyết định tạm giữ và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với N.V.T., đối tượng hành hung nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định.

Lý do là vì cơ quan chức năng xét thấy T. có thân nhân tốt, chưa có tiền án và tiền sự, vi phạm lần đầu, tích cực hợp tác với cơ quan chức năng.

Bức ảnh điều dưỡng mắt sưng húp gây “bão mạng”

Ngay sau khi được cho tại ngoại, N.V.T. đã đến xin lỗi tập thể Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định và cá nhân điều dưỡng N.V.H. (người bị hành hung).

Đáng chú ý, thời điểm nêu trên, mắt điều dưỡng N.V.H. vẫn còn sưng húp và bầm đen, hậu quả của việc bị đánh khi đang làm nhiệm vụ cấp cứu bệnh nhân nguy kịch. Nhưng anh cùng bệnh viện đã thông cảm và chấp nhận lời xin lỗi của người tấn công mình.

Bức ảnh cận khuôn mặt điều dưỡng H. sau đó được rất nhiều trang mạng xã hội đăng tải, gây “bão mạng” và tạo ra nhiều cảm xúc từ cộng đồng.

Bức ảnh điều dưỡng mắt sưng húp chấp nhận lời xin lỗi của người hành hung mình gây “bão mạng” (Ảnh: MXH).

Trong đó, một hội nhóm tập hợp đông đảo nhân viên y tế theo chuyên ngành điều dưỡng đã chia sẻ bức ảnh trên kèm chú thích: “Tấm hình đau xé lòng của một điều dưỡng, khi Ngày Điều dưỡng đang đến gần”, thu hút hàng chục nghìn lượt cảm xúc và hàng nghìn bình luận cảm thông.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần có thêm những giải pháp bảo vệ an toàn, nhằm giúp các y bác sĩ, điều dưỡng yên tâm làm chuyên môn khi trực cấp cứu.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ P.H.Th., người từng bị cha ruột một bệnh nhi xúc phạm, hành hung khi làm việc tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) vào tháng 7/2022, cho biết anh đã làm việc với cơ quan chức năng thời gian dài để đòi lại công bằng.

Đến giữa năm 2023, Công an quận Bình Thạnh đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đ.Q.B. (người hành hung bác sĩ Th.) về hành vi gây rối trật tự công cộng. Sau đó, vụ việc được đưa ra xét xử tại tòa án.

Khoảnh khắc bác sĩ Th. bị hành hung khi đang cấp cứu bệnh nhi hóc xương cá vào tháng 7/2022 (Ảnh: BV).

Theo bác sĩ Th., điều cốt lõi để xử lý tình trạng trên là pháp luật phải nghiêm minh, có tính răn đe các đối tượng hành hung nhân viên y tế đang cứu người. Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành y tế cần có sự quan tâm bằng hành động cụ thể và chính sách thiết thực, để bảo vệ chính những người trong ngành của mình.

“Tôi thấy luật hiện nay có quy định về các trường hợp được từ chối khám chữa bệnh, nhưng để áp dụng vào thực tế rất khó. Tôi từng chứng kiến những đồng nghiệp làm theo cách trên để bảo vệ mình, sau đó bị bệnh viện nhắc nhở, thậm chí trừ lương.

Nhiều nơi mang tâm lý “muốn êm xuôi”, nên chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ xem như không có…”, bác sĩ Th. trăn trở.

Làm gì để tránh việc bệnh nhân xung đột, hành hung y bác sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, từng làm việc ở Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope (Mỹ), cho rằng bạo hành nhân viên y tế là một vấn đề nhức nhối và ngày càng báo động trong xã hội.

Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn là sự xúc phạm nghiêm trọng đối với những người đang ngày đêm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Để ngăn chặn triệt để tình trạng này, tiến sĩ Vũ đề xuất thực hiện 3 giải pháp. Thứ nhất, tăng cường an ninh tại cơ sở y tế, bằng việc bố trí lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, được đào tạo để xử lý tình huống khẩn cấp; lắp đặt hệ thống camera giám sát và nút báo động tại các “điểm nóng” như khoa Cấp cứu.

Thứ hai, áp dụng chế tài pháp lý nghiêm minh, kể cả bằng chế tài hình sự và dân sự. Thứ ba, tăng cường giao tiếp giữa y bác sĩ với bệnh nhân và người nhà; đảm bảo minh bạch trong quy trình khám chữa bệnh, để tránh cảm giác bị bỏ rơi hay thiếu công bằng.

Nhiều ý kiến cho rằng, pháp luật cần có sự nghiêm minh để có tính răn đe đối tượng hành hung nhân viên y tế (Ảnh chụp từ camera).

Báo cáo tại một hội thảo khoa học ở TPHCM, Giáo sư Bruce Boman, Trung tâm Sức khỏe tâm thần Concord (Sydney, Úc), cho biết đối tượng nguy cơ cao bị tấn công trong ngành y là bác sĩ trẻ, điều dưỡng, nhân viên hành chính tuyến đầu; nhân viên y tế khoa Cấp cứu và Tâm thần, hay người công tác tại các bệnh viện nhà nước, bệnh viện tuyến tỉnh.

Đáng chú ý, thủ phạm gây bạo lực, hành hung nhân viên y tế lại thường là người nhà hơn là bệnh nhân, với dấu hiệu điển hình là kích động.

Nếu không may xảy ra tình huống trên, các y bác sĩ cần tìm cách giảm căng thẳng. Mục đích cuối cùng là để bệnh nhân đang điều trị được đánh giá về mặt y khoa đầy đủ.

Có một số cách để nhân viên y tế lựa chọn giải quyết với đối tượng bị kích động, như gọi bảo vệ theo quy trình của bệnh viện; “giảm leo thang” với đối tượng.

Trong trường hợp bất khả kháng, sử dụng thuốc và “biện pháp vũ lực” là lựa chọn cuối cùng, nhưng bệnh viện cần có quy trình và nhân viên y tế phải được đào tạo kỹ lưỡng.

Các chuyên gia kết luận, nhân viên y tế cần đối xử tôn trọng, lịch sự với bệnh nhân và gia đình, cung cấp thông tin và trả lời câu hỏi của họ rõ ràng. Gắn kết bệnh nhân và người nhà trong quá trình đưa ra quyết định là một phương thức hiệu quả để tránh xung đột, kích động.

Hưởng ứng Ngày Quốc tế hộ sinh (5/5) và Ngày Quốc tế điều dưỡng (12/5), Sở Y tế TPHCM kêu gọi các cơ sở y tế trên địa bàn:

– Tổ chức các hoạt động truyền thông, tọa đàm, thi đua chuyên môn nhằm tôn vinh đội ngũ hộ sinh, điều dưỡng và lan tỏa thông điệp tích cực đến cộng đồng.

– Đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng mềm và quản lý để nâng cao chất lượng chăm sóc.

– Cải thiện điều kiện làm việc và bảo vệ sức khỏe tinh thần cho đội ngũ hộ sinh và điều dưỡng.

– Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giảm tải hành chính, tăng thời gian chăm sóc người bệnh.



Source link: https://dantri.com.vn/suc-khoe/dau-long-buc-anh-dieu-duong-sung-mat-vi-bi-danh-truoc-ngay-ton-vinh-nghe-20250512020744581.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *