Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ đang được Bộ Tư pháp nghiên cứu, thẩm định.
Thành lập mới nhiều đơn vị có chức năng thanh tra
Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ thanh tra của 12 thanh tra bộ.
Do đó, dự thảo nghị định bổ sung cho Thanh tra Chính phủ các nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của bộ không có thanh tra bộ.
Trụ sở Thanh tra Chính phủ (Ảnh: Thanh tra).
8 cục thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo lĩnh vực trên cơ sở tổ chức, hoạt động của 12 thanh tra bộ sẽ được thành lập; 3 vụ thanh tra theo ngành, lĩnh vực hiện tại của Thanh tra Chính phủ (Vụ I, Vụ II, Vụ III) sẽ được tổ chức lại thành cục, mỗi cục có 80-200 công chức.
Trung tâm Thông tin được đề xuất sáp nhập vào Văn phòng để thực hiện tinh gọn bộ máy của Thanh tra Chính phủ theo chỉ đạo của Trung ương. Văn phòng tiếp nhận chức năng chuyển đổi số và quản lý Cổng thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ nhằm gắn việc chuyển đổi số với công tác cải cách hành chính.
3 cục thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo địa bàn như hiện nay gồm Cục I, Cục II, Cục III, được Thanh tra Chính phủ đề xuất giữ nguyên.
Cục Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra dự kiến được sắp xếp, tổ chức lại thành 2 Cục, gồm Cục Giám sát và thẩm định, Cục Theo dõi, đôn đốc và xử lý sau thanh tra.
Sau khi sắp xếp 12 thanh tra bộ về Thanh tra Chính phủ, theo tờ trình dự thảo, sẽ khiến khối lượng công việc giám sát, thẩm định và theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra tăng lên gấp nhiều lần so với hiện nay.
Cụ thể, hàng năm Thanh tra Chính phủ bình quân giám sát, thẩm định khoảng 25 cuộc thanh tra; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và xử lý sau thanh tra khoảng 200 kết luận thanh tra.
Thanh tra 12 bộ bình quân giám sát thẩm định khoảng 125 cuộc thanh tra và theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và xử lý sau thanh tra khoảng 1.000 kết luận thanh tra.
Sau khi sắp xếp, Thanh tra Chính phủ sẽ tăng bình quân giám sát, thẩm định khoảng 125 cuộc; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và xử lý sau thanh tra khoảng 1.000 kết luận thanh tra.
Ngoài ra, dự thảo đề xuất hợp nhất Trường Cán bộ thanh tra và Viện Chiến lược và khoa học thanh tra thành Trường Cán bộ thanh tra theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tạp chí Thanh tra sáp nhập vào Báo Thanh tra.
Trong cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ tại dự thảo nghị định trên không tổ chức Văn phòng Đảng – Đoàn thể. Việc tổ chức đơn vị này thực hiện theo quy định của Trung ương và hướng dẫn của Đảng ủy Chính phủ.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chủ trì cuộc họp giao ban tháng 3 (Ảnh: TTCP).
22 đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ
Cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ được đề xuất sẽ bao gồm 22 đơn vị: Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch – Tài chính; Văn phòng; Vụ Hợp tác quốc tế; Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực phía Bắc (Cục I); Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực miền Trung (Cục II); Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực miền Nam (Cục III);
Cục Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ( Cục IV); Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực nội chính, nội vụ, dân tộc, tôn giáo (Cục V); Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực tài chính, ngân hàng (Cục VI); Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực xây dựng (Cục VII); Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực nông nghiệp và môi trường (Cục VIII);
Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực công thương (Cục IX); Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực y tế, giáo dục (Cục X); Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, ngoại giao (Cục XI); Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực khoa học và công nghệ (Cục XII);
Cục Giám sát và Thẩm định (Cục XIII); Cục Theo dõi, đôn đốc và xử lý sau thanh tra (Cục XIV); Ban Tiếp công dân Trung ương; Báo Thanh tra; Trường Cán bộ Thanh tra.
Ban Tiếp công dân Trung ương trực tiếp quản lý Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội và TPHCM.
Cuối tháng 3, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành kết luận về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, trong đó đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống cơ quan thanh tra 2 cấp ở Trung ương và địa phương.
Các cơ quan thanh tra
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) được Bộ Tư pháp thẩm định nêu rõ các cơ quan thanh tra bao gồm:
1 – Thanh tra Chính phủ
2 – Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Thanh tra tỉnh)
3 – Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Cơ yếu
4 – Cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; Thanh tra Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam; Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam; Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước).
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/de-xuat-co-cau-to-chuc-moi-cua-thanh-tra-chinh-phu-20250411203456785.htm