Lăng Thoại Thánh (bên trái) và điện Thoại Thánh (bên phải) nằm trong quần thể lăng vua Gia Long, trên dãy núi Thiên Thọ, làng Định Môn (nay thuộc địa giới hành chính phường Kim Long, thành phố Huế), được xây dựng từ năm 1811.
Đây là nơi yên nghỉ và thờ tự bà Nguyễn Thị Hoàn (1736-1811), tức Hiếu Khang Hoàng hậu, mẹ vua Gia Long, vị hoàng đế đầu tiên của triều Nguyễn.
Theo các tư liệu lịch sử, Thoại Thánh là lăng mộ của một Hoàng thái hậu được xây dựng sớm nhất dưới triều Nguyễn.
Điện Thoại Thánh nằm trong một vòng thành dài 108m, rộng 63m. Chánh điện vốn gần giống điện Minh Thành (nơi thờ vua Gia Long và các Hoàng hậu), kiểu nhà kép, trước sau còn có tả hữu tòng viện, tả hữu tòng tự.
Các nhà nghiên cứu đánh giá, lăng và điện Thoại Thánh là công trình kiến trúc lăng tẩm tương đối quy cách, có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc và trang trí.
Trải qua thời gian tồn tại và các biến thiên lịch sử, cả 2 di tích đều xuống cấp, hư hỏng nặng, nhất là tại điện Thoại Thánh, nhiều công trình đã đổ nát, thành phế tích.
Chính điện, nơi đặt án thờ bà Hiếu Khang Hoàng hậu Nguyễn Thị Hoàn bị sụp đổ từ lâu, nay chỉ còn lại nền móng.
Đến nay, lăng Thoại Thánh đã được tôn tạo, tu bổ với tổng kinh phí 39 tỷ đồng. Trong khi đó, điện Thoại Thánh cũng được phê duyệt chủ trương tu bổ, phục hồi, tuy nhiên vẫn đang chờ triển khai.
Năm 2024, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) đã thông qua chủ trương đầu tư dự án tu bổ, phục hồi thích nghi điện Thoại Thánh, với kinh phí trên 73 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, đơn vị đang tổ chức khảo sát, khai quật khảo cổ, sưu tầm tư liệu, hình ảnh và đề xuất giải pháp, báo cáo hội đồng tham vấn nghiên cứu khoa học cũng như lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, cộng đồng.
Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cũng báo cáo, xin ý kiến thẩm định từ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đối với dự án tu bổ, phục hồi điện Thoại Thánh.
Dự kiến, công trình sẽ triển khai theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, hiện nay, tại khu vực điện Thoại Thánh, các công trình chính chỉ còn lại phần móng và đã được khai quật, khảo cổ.
Xung quanh các nền móng, cỏ dại mọc um tùm, mặt bằng bị đào xới ngổn ngang nhiều chỗ.
Nhiều viên đá được khai quật tại nền móng của các công trình chính trong điện Thoại Thánh.
Xà bần cũ sau quá trình khai quật, khảo cổ bị vứt ngổn ngang bên trong khuôn viên điện Thoại Thánh.
Thiết bị máy móc phục vụ thi công bị “bỏ quên” bên trong khu vực điện.
Khu vực phía sau điện Thoại Thánh thành nơi chăn thả trâu, bò của người dân địa phương.
Khu vực cổng trước của điện Thoại Thánh nhếch nhác dù đã được tu bổ.
Vị trí lăng và điện Thoại Thánh trên bản đồ (Ảnh: Google maps).
Theo các tài liệu lịch sử, Hiếu Khang Hoàng hậu Nguyễn Thị Hoàn (1736-1811) là người ở làng Minh Linh, phủ Thừa Thiên, vợ của ông Nguyễn Phúc Luân.
Bà Hoàn và ông Luân có 4 người con, trong đó Nguyễn Phúc Ánh là con trai thứ 2, sau trở thành vua Gia Long.
Sau khi lên ngôi, hoàng đế Gia Long tôn bà làm Hoàng thái hậu. Năm 1804 vua xây cung Trường Thọ và rước bà đến ở, đích thân làm lễ chúc mừng cho mẹ.
Tháng 10/1811, Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Hoàn băng hà, thọ 74 tuổi. Tháng 5/1812, bà được an táng tại lăng Thoại Thánh.
Khi bà mất, vua Gia Long tôn thụy là Ý Tĩnh Huệ Cung An Trinh Từ Hiến Hiếu Khang Hoàng hậu. Bài vị của bà hiện được thờ chung với chồng tại Hưng Miếu, bên trong Đại nội Huế.
Source link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/dien-tho-me-vua-gia-long-hoang-tan-bi-dao-xoi-ngon-ngang-20250702123356396.htm